Doanh nghiệp tự định giá bán xăng dầu: Liệu có hợp lý?

Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (thay thế các Nghị định 83,95 và 80 hiện có), tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới và một số chi phí cố định...

Theo Bộ Công Thương, nhằm giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của DN, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, giúp DN linh hoạt và tự chủ quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường, dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (thay thế các Nghị định 83,95 và 80 hiện có), tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới và một số chi phí cố định.

Thương nhân tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán xăng dầu trên thị trường của DN không được cao hơn giá bán tối đa theo công thức đã quy định. Sau khi công bố, thương nhân thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát.

Dự thảo Nghị định quy định nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để DN tự quyết định giá.

Doanh nghiệp tự định giá bán xăng dầu: Liệu có hợp lý? -0
Dự thảo mới quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định. 

Cụ thể: Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần (nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu đề xuất 15 ngày/lần để đảm bảo tính ổn định), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại Nghị định để công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trên thị trường.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 2/4 về nội dung đề xuất này, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt cho biết, dự thảo Nghị định gần như chưa đề cập đến DN bán lẻ. Năm 2022, thị trường xăng dầu khan hiếm, người dân phải xếp hàng mua xăng một phần do các cửa hàng bán lẻ không nhận được mức chiết khấu hợp lý từ DN đầu mối, thậm chí chiết khấu = 0, nghĩa là thu không đủ bù chi dẫn tới thua lỗ nên tạm ngưng bán hàng. Do đó, vấn đề DN bán lẻ quan tâm nhất là chiết khấu.

Nếu Nhà nước không qui định mức chiết khấu tối thiểu dành cho các khâu (DN đầu mối, thương nhân phân phối, DN bán lẻ) thì để cho DN đầu mối tự điều hành giá nhằm có sự cạnh tranh lành mạnh nhưng cần qui định rõ về các cơ chế cấu thành giá, đảm bảo các khâu phải được tính đúng và đủ; không bán vượt mức giá trần và không bán thấp hơn giá sàn. “Nếu Bộ Công Thương không qui định rõ cơ chế tính giá, phân đủ chi phí về các khâu thì DN đầu mối lớn sẽ “tạo ra luật chơi”, dễ dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung nếu tình hình có biến động lớn như “lịch sử” chưa từng có của ngành xăng dầu năm 2022 khi người dân phải cực khổ xếp hàng mua xăng”, bà Trâm cho hay.

Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương cũng cho rằng, xét về khía cạnh của DN bán lẻ, Nhà nước hay DN đầu mối quyết định giá không quan trọng bằng việc có chiết khấu nhằm đảm bảo chi phí và lợi nhuận cho DN. Ngoài ra, các DN bán lẻ cũng đề xuất giản lược thủ tục xin gia hạn giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Theo lãnh đạo một DN xăng dầu lớn ở phía Nam, dự thảo lần 2 đã đưa thêm được một số quy định mới trong việc kiểm soát nguồn cung của các DN đầu mối thông qua việc cố định hạn mức thực hiện và có sự giám sát thông qua việc kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý. Các quy định được xây dựng trong dự thảo vẫn thực hiện theo hướng ưu tiên cho các đầu mối mà bỏ qua những kiến nghị về những bất cập của các DN bán lẻ và thương nhân phân phối về việc phân chia định mức kinh doanh của từng tầng nấc cũng như xem xét lại vai trò độc quyền, thống lĩnh thị trường của DN lớn.

Tổng giám đốc một DN xăng dầu ở Hà Nội cũng cho rằng, dự thảo lần 2 dù có sửa đổi, bổ sung một số quy định nhưng không rõ ràng về việc tạo công bằng cạnh tranh cho từng tầng nấc kinh doanh. Do đó, cơ quan quản lý cần nêu rõ giá xăng dầu thế giới bình quân để làm căn cứ tính giá cơ sở cho các đầu mối được lấy từ nguồn nào... Nếu Bộ Công Thương không công bố việc tính giá tham chiếu cụ thể lấy từ nguồn nào để cộng đồng DN giám sát sẽ tạo lỗ hổng để đầu mối nhập rẻ về bán cao, và thu lợi từ chênh lệch nhập khẩu từ các thị trường. Khi đó, thị trường vẫn dễ bị các đầu mối lũng đoạn theo kiểu bình mới, rượu cũ.

https://cand.com.vn/Thi-truong/doanh-nghiep-tu-dinh-gia-ban-xang-dau-lieu-co-hop-ly--i727143/

Lưu Hiệp / CAND