- Doanh nghiệp vận tải trong ‘bão giá’ xăng dầu: Cận kề phá sản
- Giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu: Dân mong chờ, cơ quan quản lý “đau đầu”
- Vật lộn chống chọi với “bão giá” xăng dầu
Vừa thoát khỏi "bão" COVID-19, các doanh nghiệp lại bị cuốn vào cơn bão khác cũng tai hại không kém là "bão" xăng dầu, khiến nhiều hoạt động đình trệ.
Giá xăng dầu không ngừng tăng, lập đỉnh lịch sử kéo chi phí sản xuất tăng cao, đẩy các doanh nghiệp sản xuất rơi vào khó khăn hơn bao giờ hết.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh lượng khách và hàng hóa vận chuyển sau COVID-19 còn rất hạn chế, các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành thị phần nên không thể tăng giá vé. Thay vào đó, họ buộc phải cắt giảm mọi chi phí, hạn chế tới mức thấp nhất tiêu hao nhiên liệu, quản lý chặt nguồn xăng, dầu để thích ứng, tồn tại và mỏi mòn chờ xăng, dầu hạ nhiệt.
Doanh nghiệp vận tải điêu đứng, chật vật giữa "bão giá" xăng dầu. (Ảnh minh họa: VOV)
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc HTX Vận chuyển hành khách, hàng hóa và dịch vụ thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) cho biết, HTX có 50 đầu xe chạy các tuyến cố định Hà Nội - Giáp Bát, Điện Biên - Thái Bình, Điện Biên - Hưng Yên... Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây rất nhiều khó khăn cho HTX và các thành viên. Đến đầu năm 2022, khi COVID-19 được kiểm soát, những tưởng là cơ hội để các doanh nghiệp trở lại thị trường thì "cơn bão" xăng dầu ập đến, đặc biệt giá xăng đạt mức cao nhất lịch sử. Đây là "đòn chí mạng" vì đối với các doanh nghiệp vận tải, xăng dầu chiếm tới 40 - 45% giá cước.
Không cầm cự nổi, hiện nay, một lượng lớn xe phải nằm bãi, thậm chí 6 - 7 tuyến phải xin tạm dừng hoạt động (với khoảng 10 đầu xe) do lượng khách quá ít, còn giá xăng dầu lên quá cao khiến chi phí vận hành bị đội lên, nếu cố hoạt động sẽ phải bù lỗ.
Theo ông Nghĩa, chi phí cho một chiếc xe giường nằm chạy tuyến mỗi ngày hiện hết khoảng 6 - 7 triệu đồng, tăng hơn 2,2 triệu đồng so với cuối năm 2021. Xăng, dầu tăng giá, khách lại vắng nên trung bình mỗi chuyến chỉ thu về khoảng 2 - 2,5 triệu đồng, lỗ 4 - 5 triệu đồng thì thà không chạy còn sống, chứ chạy thì chỉ có “chết”.
“Lượng khách đi xe đã giảm hơn 50% so với thời điểm chưa xuất hiện dịch nên doanh thu của đơn vị thời gian qua đều không đạt chỉ tiêu. Đối với một số tuyến, dù lượng khách sụt giảm nhưng để giữ “lốt” (biểu đồ chạy xe), giữ khách, giữ nguồn hàng, nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động, song hầu hết đều giảm tần suất để ghìm chi phí”, ông Nghĩa nói.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, các doanh nghiệp vận tải đang rất điêu đứng. Trước kia, giá xăng dầu chiếm khoảng 30-35% chi phí, nay đã tăng lên 45-50%. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải cân nhắc tăng giá cước làm sao để bảo đảm phù hợp nhằm duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp không thể tăng cước, cũng không đợi được đến lúc xăng dầu giảm giá nên đành xin dừng hoạt động.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải mà các doanh nghiệp sản xuất cũng quay cuồng giữa "bão" giá xăng dầu, kèm theo xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá logistic và một số mặt hàng khác đắt đỏ theo.
Ông Đặng Đình Bình, Giám đốc HTX cơ khí Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết, giá xăng dầu đã khiến các nhà cung cấp tăng giá nguyên vật liệu 15 - 20%. Trong khi đó, HTX rất khó tăng giá đầu ra vì lo sợ mất khách hàng.
“Mặc dù chúng tôi đã chủ động điều tiết dòng tiền, dự trữ lượng hàng sản xuất tồn kho nhưng vẫn khó xoay xở bởi chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, nguồn tài chính hạn chế. Tới đây, chúng tôi phải đàm phán với doanh nghiệp đối tác về giá sản phẩm đầu vào cho những lô hàng tiếp theo”, ông Bình nói.
Ngoài nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu còn khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, HTX bị đội lên tới 30-35%, gồm cước vận chuyển, chi phí nguyên phụ liệu sản xuất. "Nếu tình trạng này kéo dài thì trong thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tính toán để đưa vào cơ cấu giá thành sản xuất", ông Bình cho biết thêm.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cũng đồng quan điểm khi cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Do đó, việc xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, sức mua còn yếu, việc tăng giá này sẽ khiến quá trình hồi phục kinh tế chậm lại. Vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng kìm hãm đà tăng của giá xăng để ngăn chặn những biến động tiêu cực của thị trường.
“Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu hồi phục, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu nối lại. Nhưng giá xăng dầu tăng quá cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí doanh nghiệp, đánh thẳng vào túi tiền người dân, kéo giảm đà hồi phục của toàn nền kinh tế”, ông Long nói.
Từ đó ông Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT với xăng dầu
Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo Thủ tướng, đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu. Mục đích là nhằm góp phần kiềm chế giá xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm thêm 1.000 đồng (xăng), 500 đồng (dầu), theo các chuyên gia, vẫn quá ít. Do đó, việc giảm thêm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết.
Hiện mỗi lít xăng, dầu chịu bốn loại thuế gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900-2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng một lít với dầu) và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
https://vtc.vn/doanh-nghiep-mo-i-mo-n-cho-xang-da-u-gia-m-gia-ar684830.html