Doanh nghiệp khốn khó, ngân hàng lãi khủng - Vì sao?

Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, chỉ trong vòng nửa năm, hàng chục nhà băng đua nhau báo “lãi khủng. Ngược lại, tình cảnh của khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều khó khăn.

Nghịch lý này được đưa ra diễn đàn nghị sự càng trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng không chịu hạ lãi suất cho vay.

Lãi vay vẫn quá sức doanh nghiệp

Mâu thuẫn về lãi suất giữa ngân hàng và DN không mới, và nó tồn tại hàng chục năm nay khi đại đa số DN Việt đều đang có dư nợ tín dụng với ngân hàng, trong đó khối DN nhỏ và vừa phần lớn hoạt động dựa trên các khoản vốn vay này.

Thế nhưng, trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, chỉ trong vòng nửa năm, hàng chục nhà băng đua nhau báo “lãi khủng”: Có nơi đạt 70%, có chỗ tới 75, 80% kế hoạch năm - tương đương hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, tình cảnh của khối DN sản xuất kinh doanh nhiều khó khăn: 70.200 DN ngấp nghé vực sâu; hơn 1 triệu 100 nghìn người thất nghiệp, mất việc, an sinh xã hội bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 6-2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 1 tháng, tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng và ngân hàng nhỏ, về mức lãi suất thấp nhất trong quý II/2021.

Bước sang những ngày đầu tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục có sự biến động nhẹ và trái chiều giữa các ngân hàng và một số kỳ hạn, tuy nhiên đa phần đều theo chiều hướng giảm giúp mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/6/2021, tăng trưởng tín dụng và huy động so với đầu năm lần lượt là 5,47% và 3,13%.

Vì thế, BVSC cho hay, 6 tháng đầu năm, hơn 500 nghìn tỷ đồng đã được vay từ hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn huy động đạt khoảng 310 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản hệ thống ngân hàng do đó đã bị thu hẹp khoảng 190 nghìn tỷ đồng.

Diễn biến này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ không còn nhiều dư thừa như trong năm 2020, làm gia tăng áp lực tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, lãi suất huy động vẫn sẽ giữ ở mặt bằng thấp hơn với thời điểm cuối năm 2020.

Cũng nhận định về lãi suất trong 6 tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm khi tăng trưởng tín dụng đang gia tăng mạnh hơn tăng trưởng huy động khoảng 2%.

Có cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng trưởng huy động thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn tăng trưởng tín dụng cho thấy một lượng tiền lớn của người dân đã được rút ra để đổ vào chứng khoán và bất động sản.

Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, lãi suất sẽ có nguy cơ tăng lên, vì ngân hàng buộc phải tăng huy động để cho vay và thường các nhà băng sẽ hút vốn bằng cách tăng lãi suất.

Dù tình hình lãi suất vẫn cho rõ xu hướng tăng hay giảm, nhưng mức lãi suất huy động hiện nay vẫn là thấp so với các năm trước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và DN, lãi suất cho vay giảm không tương xứng.

Chẳng hạn, với cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi năm đầu từ 8%-8,7%/năm, các năm sau bị cộng thêm biên độ từ 4%- 4,3%/năm, tính ra, lên tới 11,5%-12,5%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn.

Doanh nghiệp khốn khó, ngân hàng lãi khủng - Vì sao?

Một số ngân hàng dự kiến hạ lãi suất trong tháng 7.

Ép hạ lãi suất cho vay trong tháng 7

Nghịch lý lỗ lãi trên thị trường trở thành tâm điểm, chính đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thừa nhận DN đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và tỷ lệ DN rút khỏi thị trường là do sức chống chịu không còn.

Tại cuộc họp với các tổ chức tín dụng mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng được xem là một kênh hỗ trợ DN rất tích cực.

NHNN đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác.

Hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ DN rất thiết thực, giúp DN tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…

Song, Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng, cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, DN vẫn ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 này vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

"Mọi hoạt động của ngân hàng phải hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn. Hỗ trợ DN nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia. Hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, DN, xã hội bằng những hành động cụ thể, chương trình hành động cụ thể, sẽ được Thống đốc NHNN ban hành trong thời gian tới với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này", ông Tú chỉ đạo.

Hà An

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Không nợ xấu mới được vay, quá khó Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Không nợ xấu mới được vay, quá khó
Doanh nghiệp Trung Quốc mua đất khắp thế giới Doanh nghiệp Trung Quốc mua đất khắp thế giới
Nguy cơ gãy chuỗi sản xuất khi nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa Nguy cơ gãy chuỗi sản xuất khi nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa

/ cand.com.vn