Doanh nghiệp gặp khó với chính sách mới của EU

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) đang đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Muốn vào EU phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU chính thức áp dụng từ ngày 1/10/2023 và thực hiện thí điểm trong 3 năm để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU làm quen.

Doanh nghiệp gặp khó với chính sách mới của EU - Ảnh 1.

Thép là 1 trong 6 mặt hàng trong danh sách của EU sẽ áp dụng CBAM.

Cơ chế có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm quản lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất của tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào EU. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.

Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Với nhiều doanh nghiệp, đây vẫn là thông tin còn rất mới.

Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia thừa nhận vẫn còn "hiểu mơ hồ" về cơ chế này: "Chúng tôi hiểu mơ hồ rằng nếu 1 nhãn hàng, nhà sản xuất không chứng minh được chứng chỉ xanh cho sản phẩm thì phải bỏ tiền ra mua tín chỉ carbon. Khi Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 thì doanh nghiệp phải chuẩn bị và tuân theo các quy chế chung".

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho rằng, dù các nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu thu thập dữ liệu quý IV kể từ ngày 1/10/2023, nhưng báo cáo đầu tiên của họ sẽ chỉ phải nộp trước ngày 31/1/2024.

Việc áp dụng dần CBAM theo thời gian cũng sẽ cho phép thực hiện quá trình chuyển đổi thận trọng, có thể dự đoán và cân đối cho các doanh nghiệp EU và ngoài EU.

Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu hàng hóa trong phạm vi quy định mới sẽ chỉ phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trong hàng nhập khẩu của họ (phát thải trực tiếp và gián tiếp) mà không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán hoặc điều chỉnh tài chính nào. Phát thải gián tiếp sẽ được đề cập trong phạm vi sau giai đoạn chuyển tiếp đối với một số lĩnh vực nhất định (xi măng và phân bón).

Sau khi hệ thống vĩnh viễn có hiệu lực vào ngày 1/1/2026, các nhà nhập khẩu sẽ phải khai báo hàng năm số lượng hàng hóa nhập khẩu vào EU trong năm trước đó và lượng khí thải nhà kính liên quan.

Là doanh nghiệp có sản phẩm nằm trong 6 mặt hàng trong danh sách của EU, ông Lê Khắc Giang, Phó phòng Sản xuất, Công ty Thép Việt - Sing chia sẻ: "Để tiến tới không phát thải cần có sự đột phá lớn về công nghệ. Muốn vậy cần chi phí rất lớn trong khi ngành thép đang gặp nhiều khó khăn".

Thừa nhận quy định mới của EU là thách thức cho doanh nghiệp, ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) cho biết, đang nắm bắt thông tin, chuẩn bị để ứng phó. Bởi nếu không sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới.

Doanh nghiệp phải thay đổi

Tuy nằm ngoài 6 mặt hàng bị EU đưa vào "tầm ngắm", song ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ: Mặt hàng dệt may cũng là nhóm mặt hàng có tác động đến môi trường lớn ở EU, nằm trong nhóm 30 mặt hàng có thể được đưa vào cơ chế CBAM từ giờ đến năm 2030.

Cơ chế CBAM chính thức có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 1/10, áp dụng với 6 lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất gồm: Xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài 18 tháng, các nhà nhập khẩu các lĩnh vực nói trên phải giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa mà họ nhập khẩu. Lúc này, họ chưa bị áp thuế carbon nhưng sẽ phải đối mặt với mức từ 10 - 50 euro cho mỗi tấn khí thải không báo cáo. Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ bị tính thuế carbon.

"Phải xác định phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược", ông Đức Anh nói.

Bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia dự án hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cho rằng: "Từ ngày 1/10/2023, cơ chế của EU đã đưa định giá carbon của EU để áp với các sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một lộ trình để có thời gian chuẩn bị".

Chuyên gia này đánh giá, bản thân các doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa quen và chưa có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực để xây dựng báo cáo liên quan đến phát thải khí nhà kính, hay tiến tới là phải tính toán được suất phát thải trên sản phẩm, hàng hóa.

"Với những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trước, không có lộ trình sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu của họ", bà Loan cảnh báo.

Vì thế, bà cho rằng, các doanh nghiệp nên chủ động xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, quản trị và xã hội của mình để nâng cao nhận thức, năng lực thực thi, để khi có yêu cầu chuyển đổi thì doanh nghiệp có thể áp dụng được ngay.

TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương cho rằng: "Chúng ta đã hội nhập thì phải chấp nhận các cam kết và tuân thủ, với mục tiêu giảm tác động môi trường. Chúng ta phải chấp nhận những quy định như vậy. Không chỉ 6 mặt hàng này mà các mặt hàng khác như dệt may, da giày cũng phải chuẩn bị thích ứng với cơ chế này".

EU là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam

Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam. Nửa đầu năm nay, 1,36 triệu tấn thép từ Việt Nam xuất sang EU, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ của WB, loại thuế này sẽ làm tăng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm đối với thép, nhôm, xi măng xuất khẩu Việt Nam vào EU. Hiện một số công ty thép thuê tư vấn giám sát, chủ động kế hoạch giảm 50% lượng khí thải carbon qua kỹ thuật tiên tiến là sản xuất thép bằng hydro.

 Doanh nghiệp gặp khó với chính sách mới của EU (baogiaothong.vn)

Hồng Hạnh / Giao thông