Cùng với trào lưu “theo trend” lan tỏa tại Việt Nam về bài hát “Độ ta không độ nàng” có xuất xứ từ Trung Quốc (tác giả Cô Độc Thi Nhân), sự rắc rối cũng đã bắt đầu xảy ra với các cá nhân, tổ chức đã biến tấu, cover lại bài hát này theo nhiều hình thức hay định dạng khác nhau rồi đưa lên YouTube.
Cùng với trào lưu “theo trend” lan tỏa tại Việt Nam về bài hát “Độ ta không độ nàng” có xuất xứ từ Trung Quốc (tác giả Cô Độc Thi Nhân), sự rắc rối cũng đã bắt đầu xảy ra với các cá nhân, tổ chức đã biến tấu, cover lại bài hát này theo nhiều hình thức hay định dạng khác nhau rồi đưa lên YouTube.
“Không độ nàng” cũng không độ sự vi phạm bản quyền
Hàng loạt bản cover “Độ ta không độ nàng” nhạc Hoa lời Việt đã được lan truyền trên mạng và được rất nhiều người hát theo, thậm chí đã kịp đi vào các quán karaoke qua kênh Youtube trong vòng hai tháng trở lại đây.
Thậm chí, trào lưu ăn theo này còn được không ít trang tin “công kênh” mà quên rằng, đó chính là sự vi phạm bản quyền âm nhạc điển hình nhất trên môi trường mạng trong những ngày qua.
Phía nắm giữ bản quyền bài hát này tại Việt Nam là Cty CP dịch vụ Bản quyền Việt Nam. Sau khi Cty này có văn bản gửi cho phía Youtube thông báo tình trạng vi phạm trên môi trường mạng xã hội video này với bài hát “Độ ta không độ nàng”, vừa qua phía Youtube đã tiến hành gỡ bỏ nhiều video vì cảnh báo vi phạm bản quyền trên.
Ngoài ra, một số ca sĩ sau khi có thông báo của phía Cty nắm giữ bản quyền đòi mức phí được cho là quá cao và không tương xứng, đã chủ động tháo gỡ bài hát xuống khỏi kênh Youtube. Tất nhiên trong số đó có những ca sĩ chuyên nghiệp đã tạo được tên tuổi vàkhông ít ca sĩ nghiệp dư vốn dĩ rất hay “xào, chế” tác phẩm của người khác “vì vui” hay “cho vui”.
Muốn sử dụng phải trả phí
Rất rõ ràng, phía Cty nắm giữ bản quyền “Độ ta không độ nàng” cho rằng, các đối tác muốn sử dụng, sao chép, phân phối bài hát phải trả mức phí bản quyền 5 triệu đồng cho một lần sao chép, đồng thời khi chia sẻ đưa lên các nền tảng khác như Youtube chẳng hạn còn phải trả thêm 33% doanh thu thu được từ sản phẩm, nếu không phải gỡ bỏ bài hát khỏi kênh.
Bản quyền được phía Cty nắm giữ tại Việt Nam cho biết có từ tháng 3.2019. Tuy nhiên, “cơn sốt” bài hát “Độ ta không độ nàng” chỉ mới bùng phát trên môi trường Facebook và Youtube tại Việt Nam từ tháng 6.2018 với nhiều lời ca từ, hình ảnh biến tấu khác nhau.
Phiên bản “Độ ta không độ nàng” của Đường Hưng (ảnh chụp màn hình). |
Theo tra cứu trên website http://www.thongtincongty.com, Cty CP dịch vụ Bản quyền Việt Nam đang nắm giữ bản quyền “Độ ta không độ nàng” có địa chỉ ở Khu nhà ở công cộng Yên Hòa, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, được cấp giấy phép hoạt động từ đầu năm 2018, nghĩa là mới khoảng một năm rưỡi.
Mức phí chia sẻ doanh thu lên đến 33% do Cty này đưa ra đang bị cho là quá cao. Nhiều ca sĩ, Youtuber không chấp nhận nên đã tháo bài hát khỏi kênh Youtube của mình dù bản cover đã thu hút cả chục triệu lượt xem, đồng thời đang tìm cách liên hệ với phía nắm giữ bản quyền tại Trung Quốc để mong có được mức phí khả dĩ hơn.