Việc Putin không thể sửa chữa quan hệ phương Tây có thể là nguyên nhân khiến mức tín nhiệm của ông giảm trong những tháng gần đây.
Tổng thống Nga Putin ngày 16/7 họp báo ở Phần Lan. Ảnh: Reuters.
Hôm 10/8, ngay sau khi Tổng thống Trump đăng một dòng tweet gay gắt và áp đặt lệnh trừng phạt mới với Thổ Nhĩ Kỳ, Putin đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan sau đó ca ngợi rằng mối quan hệ kinh tế và quân sự ngày càng chặt chẽ của nước mình với Nga làm cho họ ngày càng mạnh mẽ hơn và ông phản đối "cuộc chiến kinh tế" do Washington tiến hành.
Giới phân tích cho rằng Putin đã luôn nắm bắt cơ hội để chia rẽ phương Tây và ông có thể tuyên bố đã đạt được chiến thắng ngoại giao với cuộc điện đàm nói trên vì Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, theo NYTimes.
Tuy nhiên, Putin vẫn thất bại trong việc thuyết phục hoặc gây áp lực cho phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt với họ kể từ khi sáp nhập Crimea năm 2014. Đồng rúp cuối tuần trước đã xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Mỹ tháng trước bắt giữ công dân Nga có tên Maria Butina với cáo buộc cô này hoạt động như một điệp viên nước ngoài chưa đăng ký. Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã soạn thảo dự luật hạn chế các hoạt động tại Mỹ của các ngân hàng nhà nước Nga, dẫn đến cản trở họ sử dụng USD. Nếu được thông qua, đây là một trong số những biện pháp trừng phạt gây tổn hại nhất.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết cuối tháng 8 sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hàng hóa liên quan đến an ninh quốc gia để phản ứng trước việc Nga bị cáo buộc tấn công hóa học bố con cựu điệp viên hai mang Nga sống ở Anh. Một số thành viên trong EU vài năm qua đã báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng xem xét nới lỏng lệnh trừng phạt với Moskva giờ đây không thể làm điều đó vì vụ đầu độc.
Igor Korotchenko, biên tập viên của tạp chí Quốc phòng Nga, là một trong số những người luôn nghi ngờ Mỹ. Ông cho rằng Mỹ không muốn trừng phạt mà "muốn phá hủy Nga". Thủ tướng Nga Dmitri A. Medvedev nói rằng một cuộc chiến kinh tế đang nhen nhóm và dọa sẽ đáp trả. Trong khi đó, Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga thì có cách phản ứng mềm mỏng hơn, nói rằng các biện pháp mới mâu thuẫn với tinh thần của cuộc họp Helsinki.
"Nhiều người đã hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh Trump - Putin ở Helsinki ngày 16/7 sẽ thiết lập lại quan hệ Mỹ - Nga. Họ cho rằng nếu nó không giúp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hiện tại thì ít nhất cũng có thể giúp Nga tránh các vòng trừng phạt tiếp theo", Maria Snegovaya, một nhà phân tích về Nga cho báo Vedomosti, nói.
Thế nhưng, trái với mong muốn của Điện Kremlin, chính quyền Trump đã phát đi những tín hiệu mâu thuẫn. Một mặt, Trump liên tục hứa hẹn cải thiện quan hệ với Moskva. Mặt khác, các quan chức cấp cao trong chính quyền và các nghị sĩ liên tục nhắc đến các lệnh trừng phạt.
Andrei V. Kortunov, giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, một nhóm nghiên cứu tư vấn cho Điện Kremlin nói: "Mọi người hoang mang vì họ nhận được những tín hiệu rất nhiễu loạn về tình trạng quan hệ".
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Điện Kremlin thường mô tả đất nước như một pháo đài bị bao vây và kêu gọi người dân nâng cao tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, 4 năm sau, người Nga ngày càng trở nên chán ngán tình cảnh hiện giờ, mức tín nhiệm của Putin giảm đi có thể vì ông không thể sửa chữa quan hệ với phương Tây.
"Nhiều người đang nói: hãy duy trì vị thế cường quốc của Nga nhưng đừng làm ảnh hưởng đến túi tiền của chúng tôi", Lev D. Gudkov, giám đốc Trung tâm Levada nói. "Họ bắt đầu cảm thấy chính sách đối ngoại của Putin phải trả cái giá quá đắt, thái độ của họ bắt đầu thay đổi và ngày càng nhiều người bất bình".
Sau cuộc họp thượng đỉnh ở Helsinki, 42% người Nga nói trong một cuộc thăm dò rằng họ có cái nhìn thiện cảm cả về Mỹ lẫn châu Âu. Đây là mức cao nhất kể từ khi Nga sáp nhập Crimea.
Đồng thời, mức tín nhiệm của Putin đang giảm mặc dù vẫn ở mức cao so với các lãnh đạo phương Tây. Hồi tháng 7, mức này giảm từ 79% xuống 64%, theo một cuộc thăm dò của Levada.
Trong cuộc thăm dò được công bố cuối tuần trước bởi Tổ chức Ý kiến Công chúng (FOM), tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Moskva, 35% trong số 3.000 người được hỏi bày tỏ mất lòng tin vào Putin, tăng lên so với mức 19% hồi tháng 5.
Gudkov, nhà thăm dò của Levada, đưa ra một số lý do khiến người Nga có cái nhìn thiện cảm hơn về phương Tây. Hàng trăm nghìn người nước ngoài đã đổ về Nga vào tháng 6 và tháng 7 để dự World Cup. Truyền thông nhà nước Nga đã giảm chỉ trích phương Tây vào những tuần đó và trước cuộc họp thượng đỉnh ngày 16/7 giữa Putin và Trump.
Ngoài ra, nhiều người Nga còn đang phiền lòng về các vấn đề trong nước bao gồm các kế hoạch thay đổi chế độ lương hưu, đánh thuế cao hơn, giá cả tăng còn thu nhập giảm, Gudkov nói. Họ đang muốn bày tỏ rằng "đã đến lúc kết thúc cuộc đối đầu này".
Vấn đề trước mắt của Điện Kremlin là cách ứng phó. Họ bác bỏ liên quan đến vụ tấn công máy chủ của đảng Dân chủ Mỹ hay vụ đầu độc cựu điệp viên - những nguyên nhân dẫn đến các lệnh trừng phạt. Thực tế, Nga vẫn xoay xở được khi hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt trong những năm qua, và họ có thể học hỏi từ những nước lâm vào hoàn cảnh tương tự như Iran.
Tuy nhiên, "những vòng trừng phạt mới làm dấy lên lo ngại rằng họ sẽ ngày càng khó thoát khỏi chúng hơn", Aleksandr Morozov, đồng giám đốc Trung tâm Học thuật Boris Nemtsov chuyên nghiên cứu Nga ở Prague, đánh giá.
Chuyên gia: Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ làm Nga – Trung xích lại gần nhau
Trong bối cảnh lệnh trừng phạt mới chống Nga của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 22/8, đồng thời căng thẳng thương mại giữa ... |
Vì sao Mỹ không áp lệnh trừng phạt với dầu Venezuela?
Mỹ lo sợ lệnh trừng phạt với dầu Venezuela sẽ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ... |