DMC-RT: Phát huy thế mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật

Tập trung phát triển thị trường, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chuyên biệt của từng đối tượng khách hàng, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ kỹ thuật (Chi nhánh DMC-RT) đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu mang tính ứng dụng thực tế, được các khách hàng lớn đánh giá cao.

Phát triển dịch vụ mới

Trong những năm qua, Chi nhánh DMC-RT - Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) - đã thực hiện nhiều dự án, tham gia nghiên cứu, áp dụng thực tế và thu được nhiều thành công. Có thể nhắc tới các hợp đồng khoa học công nghệ mới với Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro về lĩnh vực xử lý vùng cận đáy giếng, nâng cao hiệu quả khai thác dầu - một trong những mảng hoạt động chủ chốt của chi nhánh.

Trong 7 năm qua, DMC-RT đã thực hiện nhiều công nghệ mới liên quan đến lĩnh vực này như: công nghệ xử lý loại trừ sa lắng muối trong cần khai thác và vùng cận đáy giếng; công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng cho đối tượng đất đá bở rời của mỏ Rồng, công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng bằng thành phần không chứa axit... Các công nghệ nêu trên đã được thử nghiệm thành công tại Vietsovpetro.

Bên cạnh các hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ, DMC-RT đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học các cấp. Kết quả nghiên cứu khoa học của các đề tài được áp dụng trực tiếp vào công tác dịch vụ của chi nhánh. Ngoài ra, DMC-RT còn thực hiện nhiều dự án ở khâu sau như “Đánh giá ăn mòn đường ống dẫn khí Bạch Hổ - Dinh Cố và đề xuất các giải pháp chống ăn mòn”, “Bảo dưỡng toàn bộ hệ thống bảo vệ catot Nhà máy Đạm Phú Mỹ” hay “Sửa chữa hệ thống chống ăn mòn các bồn chứa cho PVOIL”.

Hệ thống bảo vệ catot của tuyến đường ống PVOIL

Ngoài những dịch vụ sẵn có như hóa phẩm, dịch vụ kỹ thuật, DMC còn giao nhiệm vụ cho Chi nhánh DMC-RT mở rộng phát triển dịch vụ chống ăn mòn, bảo tồn sự toàn vẹn của các công trình, thiết bị. Có thể nói, lĩnh vực này luôn là bài toán khó, là yêu cầu cấp thiết đặt ra để góp phần nâng cao tuổi thọ các công trình xây dựng nói chung và công trình dầu khí nói riêng. Nắm bắt nhu cầu cao của khách hàng trong lĩnh vực này, đầu năm 2016, Chi nhánh DMC-RT đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu các phương pháp và công nghệ hiện đại, đào tạo cán bộ chuyên nghiệp nhằm cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Những nỗ lực của Chi nhánh DMC-RT đã được đáp lại bằng các hợp đồng liên tục được ký kết từ đầu năm đến nay như: Bảo dưỡng toàn bộ hệ thống bảo vệ catot Nhà máy Đạm Phú Mỹ; Sửa chữa hệ thống chống ăn mòn các bồn chứa B09, B10 và khảo sát hiện trạng hệ thống catot bảo vệ tuyến ống ngầm 8/10 tại PVOIL Miền Đông với Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)… và đã nhận được những đánh giá tích cực từ phía các khách hàng.

Tiếp theo thành công ấy, đầu tháng 5 vừa qua, Chi nhánh DMC-RT tiếp tục nhận được hợp đồng nghiên cứu khoa học “Đánh giá ăn mòn đường ống dẫn khí Bạch Hổ - Dinh Cố và đề xuất các giải pháp chống ăn mòn”. Hạng mục công việc cụ thể mà Chi nhánh DMC-RT thực hiện là đánh giá hiện trạng ăn mòn của hệ thống đường ống dẫn khí Bạch Hổ - Dinh Cố và đánh giá những ảnh hưởng đến an toàn vận hành của hệ thống đường ống khi hòa thêm dòng khí mới vào hệ thống và đưa ra các giải pháp chống ăn mòn cụ thể thông qua các phương pháp thử nghiệm mô phỏng tại phòng thí nghiệm, mô phỏng bằng các phần mềm hiện đại và qua các kết quả đo đạc tại hiện trường.

Bám sát nhu cầu khách hàng

Không hài lòng với những thành tựu sẵn có, DMC-RT cũng đã nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất từ chính những đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài ngành.

Với những kết quả nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế của các đơn vị, sau khi thành công, DMC-RT đã tiến hành triển khai thực hiện dịch vụ cho các đơn vị và kết quả của sự áp dụng đó đem lại doanh thu, lợi nhuận cho chi nhánh. Chỉ tính riêng trong năm 2017, DMC-RT thực hiện 5 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ với Vietsovpetro, trong đó có những hợp đồng là kết quả nghiên cứu những năm trước đây (xử lý vùng cận đáy giếng bơm ép, dung dịch packer) hoặc là kết quả của những nghiên cứu mới (xử lý vùng cận đáy giếng bằng thành phần không axit, xử lý làm sạch lớp vỏ mùn khoan khi hoàn thiện giếng…) với doanh thu ước đạt khoảng 18 tỉ đồng.

Có thể nói, những thành công bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Chi nhánh DMC-RT trong việc lựa chọn phát triển lĩnh vực dịch vụ theo dõi và kiểm soát ăn mòn. Trong giai đoạn tiếp theo, không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong ngành Dầu khí, Chi nhánh DMC-RT sẽ tích cực mở rộng, phát triển dịch vụ ra các khách hàng ngoài ngành, góp phần đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty trong thời gian tới đạt kết quả cao và tiếp tục duy trì được lợi nhuận, ban lãnh đạo DMC-RT đã đưa ra một loạt các giải pháp cấp thiết. Trong đó yêu cầu các phòng phải tập trung các nguồn lực và xây dựng các giải pháp đồng bộ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặt mục tiêu hoạt động hợp nhất tổng công ty có lợi nhuận. Lãnh đạo các phòng đề xuất các phương án phát triển thị trường dịch vụ để gia tăng hiệu quả hoạt động. Đồng thời, lãnh đạo các phòng, ban cần có kế hoạch cụ thể triển khai, mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, thời gian đạt được mục tiêu và giải pháp cụ thể triển khai. Với hàng loạt các giải pháp được đưa ra, chi nhánh DMC-RT nói riêng và DMC nói chung sẽ đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch quý và cả năm đề ra.

(http://www.pvn.vn/chuyen-muc/Tin-dau-khi/DMC-RT-Phat-huy-the-manh-nghien-cuu-ung-dung-ky-thuat/2c145964-b32b-4078-901d-5e425d6be56e)

/ Theo Cổng thông tin Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam