“Tôi đồ là ông Quân chắc phải yêu vợ của ông ấy lắm mới chịu làm tiếp cho vợ một album tiêu tốn hàng ngàn giờ làm việc như thế trong ròng rã ngần ấy năm trời...”.
Đó là chia sẻ của pa Mỹ Linh khi trở lại với album “Chat với Mozart 2” (dự kiến ra mắt vào ngày 19.1 tới), sau 13 năm phát hành “Chat với Mozart 1” - một “kỷ lục” về độ giãn cách.
“Xa mặt mà chẳng cách lòng”
Vì sao chị và êkíp phải chờ tận tới 13 năm (2005 - 2018) để thêm lần nữa “Chat với Mozart”, trong khi chỉ mất 2 năm cho bộ đôi “Tóc ngắn 1&2” (1998 - 2000)?
- “Tóc ngắn” là một câu chuyện khác, nó được ra đời sau “tiếng sét” giữa đôi trẻ Anh Quân - Mỹ Linh, cả trong âm nhạc lẫn đời sống riêng. Lúc đó mọi thứ còn tươi mới, nồng say, trước nhau, trong nhau và cả chặng đầu song hành cùng nhau trong âm nhạc.
Còn để ra được một sản phẩm phức tạp, tiêu tốn nhiều công đoạn và chất xám như “Chat với Mozart”, tôi chắc một đời người giỏi lắm cũng chỉ làm được một vài album như thế, và phải là một tay có “độ chì”, kiên định, quyết làm gì là phải làm bằng được như Anh Quân.
Tôi tin là nếu không phải Anh Quân, hay một ông nào đó giống Anh Quân, chắc chắn sẽ rất dễ nản. Làng nhạc mình mà có được khoảng vài ông như thế, tôi nghĩ là chúng ta nên mừng, thật!
Tôi còn đồ là ông Quân chắc phải yêu vợ của ông ấy lắm mới chịu làm tiếp cho vợ một album tiêu tốn hàng ngàn giờ làm việc như thế trong ròng rã ngần ấy năm trời (cười). Tất nhiên là không phải lúc nào cũng chỉ làm mỗi việc đó, nhưng đây quả đúng là cả một quá trình dài lao tâm khổ tứ, chăm chăm đeo đuổi, như là một cái đích phải chinh phục bằng được, một tình yêu sâu nặng, không thể không nói ra.
Phần nữa, có thể cũng còn do tạng tính của từng người. Có những người có thể cháy rần rật liên tục, nhưng tôi và Anh Quân thì chắc thuộc về một “ca” khác, cứ phải đợi hồi lại, nuôi lại cảm xúc của mình rồi mới lại cháy tiếp được, và để bõ công “nhịn cháy” thì bèn cháy ra trò luôn (cười).
13 năm - liệu có quá nguội để hâm nóng một “lời tỏ tình”? Hay là, muộn còn hơn không?
- Thật ra có muốn sớm cũng chả được! Nội việc nên chọn gì là hợp với mình nhất và dễ vừa tai nghe của khán giả Việt nhất, giữa cả một kho tàng nhạc cổ điển mênh mông như thế cũng đã đủ để “ong thủ”.
Nếu như “Chat với Mozart 1” ra đời lúc Mỹ Linh & Anh Em đang ở vào độ chín sung mãn nhất, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết muốn chứng tỏ, muốn chinh phục một đỉnh cao mới trong nghề thì sang đến “Chat 2”, năng lượng và khao khát chứng tỏ có thể không nhiều bằng. Nhưng bù lại, là sự đắp đầy về tay nghề và vốn sống, nhân lực và vật lực, để có thể hoàn thiện một sản phẩm chỉn chu hơn, chuyên nghiệp hơn gấp nhiều lần.
Đã là lúc có thể tạm bằng lòng với những gì mình có và đây chỉ đơn thuần là một mong muốn được thêm lần nữa nói ra một tình cảm không dễ gì nguôi quên trong ngần ấy năm tháng “xa mặt mà chẳng cách lòng” với... Mozart.
Đồng ý là sau 13 năm, “Chat 2” hẳn có nhiều thuận lợi hơn: Bề dày tích lũy, chuẩn bị của cả êkíp; lại là lúc khán giả nội không còn quá xa lạ với nhạc cổ điển sau rất nhiều nỗ lực cải thiện của giới nghề... Tuy nhiên, chị có lo rằng, một mặt, cũng chính vì thế, mà lần trở lại này cùng Mozart đã mất đi lực hút của sự táo bạo, mới mẻ?
- Tâm thế tiếp nhận một sản phẩm âm nhạc đặc thù như “Chat với Mozart” (đặt lời Việt cùng những bản phối mới theo phong cách nhạc nhẹ trên nền nhạc cổ điển) giờ đây chắc chắn là đã khác nhiều so với trước, khi công chúng Việt ít nhiều cũng đã mở lòng và quan tâm đến nhạc cổ điển hơn. Chứ không như lần 1, ít nhiều là ngập ngừng và “duy ý chí”, vì không ai dám chắc 100% sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt như thực tế diễn ra sau đó.
Thậm chí, tận đến giờ còn không hiểu nổi vì sao lúc đó mình lại có thể làm được điều đó, trong hoàn cảnh đó và bức tranh chung lúc đó.
Lần này thì tự tin hơn sau phép thử từng được đong đếm ấy, nhưng quả đúng như bạn nói, khi khán giả không còn thấy lạ, thì nỗ lực làm mới lại càng cần phải riết róng và khôn ngoan hơn. “Chat 2”, tôi nghĩ chỉ còn rất ít phần cổ điển, hay đúng hơn, đó chỉ là một cái áo khoác, còn gần như là được làm mới hết toàn bộ từ hòa âm, phối khí theo cung cách của nhạc nhẹ, bằng những nhạc cụ hiện đại, hoặc những nhạc cụ cổ điển được phối theo kiểu hiện đại, trong một tâm thế thoải mái và phóng khoáng hơn rất nhiều so với lần 1...
“Anh Quân mà dịu dịu, hiền hiền là chứng tỏ... sắp có biến!”
Cụ thể, êkíp đã làm mới những gì? Một cái mới mà theo như tôi thấy thì là... đáng lo hơn chứ, vì động đến sở đoản: Thay vì nhạc sĩ Dương Thụ, người viết lời (cho gần như toàn bộ album) là Mỹ Linh?
- Phải thú thật là lúc đầu, khi mới viết thử 1 - 2 bài, tôi cũng run lắm, vì ai mà dám nghĩ có thể vượt qua được cái bóng lớn như vậy của một “ông trùm ca từ” như chú Thụ. Điều đó chưa bao giờ là dễ dàng và có thể nói là không tưởng.
Nhưng rồi sau khi nghe thử, được Anh Em và ngay chính chú Thụ động viên: “Cháu viết được đấy, làm tiếp đi!”, thì tôi mới đủ mạnh dạn viết thêm, cho gần như toàn bộ album. Dù sao thì tôi vẫn tin rằng, phụ nữ, một khi đạt đến một độ chín nào đó về trải nghiệm, họ có thể cũng sẽ có những quan sát đời sống (cá nhân cũng như xã hội) tuy hơi vụn vặt nhưng lại khá là tinh tế, theo kiểu đàn bà. Do đó, ca từ cho “Chat 2” dù không có sức bao quát được như ở “Chat 1”, với tầm vóc của một người giàu trải nghiệm và kiến văn như chú Thụ, nhưng một mặt, lại cụ thể hơn, giản dị hơn, đời thường hơn, với những tâm tình rất đàn bà, rất gần gũi...
Song, cái mới đáng kể hơn cả theo tôi là về âm nhạc. Nếu như ở lần 1, đôi chỗ, đôi đoạn tôi còn phải cố rướn lên để chinh phục được những nốt cao khủng khiếp, ít nhiều làm khó một ca sĩ nhạc nhẹ và quãng giọng của mình, nhưng lần này thì đúng là thu như... đi chơi, quá dễ luôn, vì đã là lúc kỹ thuật dôi dư, gần như không gặp phải bất kỳ một rào cản nào nữa.
Tôi nghĩ đó không chỉ là kết quả của bao năm đứng trên sân khấu mà còn cả nhờ vào trải nghiệm đứng lớp, với vô số giờ giảng tại Young Hit Young Beat - cũng chính là một quá trình dài luyện thanh. Nhưng bấy nhiêu thật ra cũng chỉ góp được chừng 30% vào chất lượng sản phẩm, còn 70% chắc chắn thuộc về Anh Quân và Anh Em.
“Chat 2” được thu trong một điều kiện chuẩn, phải nói là thuận lợi hơn gấp nhiều lần so với “Chat 1”: Phòng thu với nhiều thiết bị hiện đại hơn, rộng hơn, đủ chỗ cho phong phú nhạc cụ, thậm chí có thể nâng dàn dây từ 8 người lên tới 16 người. Lại là lúc có thêm sự trợ giúp của con gái Anna Trương cùng những người bạn của Anna, sau 4 năm “dùi mài kinh sử” tại trường nhạc danh tiếng Berklee...
Nếu tôi không nhầm thì 2018 cũng là cột mốc 20 năm pa nhạc Việt và thủ lĩnh ban nhạc Anh Em quyết định về sống chung nhà? “Chat” cùng nhau 20 năm, liệu có vất bằng “chat với Mozart”?
- Ở lần “Chat 1”, tôi thấy anh Quân cũng phải stress mất vài tháng đấy, và thế là mừng! Ông này ấy mà, là cứ phải nhăn đều, thậm chí cáu loạn lên cũng được, chứ lúc nào mà thấy tự dưng dịu dịu, hiền hiền, nói cười nhẹ nhẹ là tôi lo lắm, chứng tỏ sắp có biến, mệt đây! (cười)
Xin cảm ơn chị!
Thanh Lam và các diva Việt năm 2017: Đang ở đâu và có gì mới mẻ?
Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần của năm 2017 vẫn là những giọng ca đẳng cấp. Nhưng sản phẩm âm nhạc mới, thứ ... |