Nếu bỏ quy hoạch cao ốc của 2 dự án lấn sông Hàn, Đà Nẵng phải đền 2.000 tỷ cho doanh nghiệp nên phương án được tính đến là cho phép xây cao ốc với mật độ phù hợp.
Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng lần thứ 2 tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn, cụ thể là dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) do Công ty cổ phần Bến du thuyền Đà Nẵng (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) làm chủ đầu tư và dự án Olalani do Công ty cổ phần Mỹ Phúc làm chủ đầu tư.
Bỏ cao ốc, bồi thường 2.000 tỷ đồng
Báo cáo tại hội nghị chiều 15/11, ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, 2 dự án trên đã nhiều lần phải điều chỉnh quy hoạch. Lần gần nhất là năm 2020, UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đỗ xe công cộng và không còn các khối nhà cao tầng tại 2 dự án này, chỉ còn nhà biệt thự.
Theo quy định thì Đà Nẵng phải bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để bồi thường cho 2 chủ đầu tư do dự án bị giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, giảm diện tích đất ở mà chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước đó.
Tuy nhiên theo ông Vinh, ý kiến mới nhất của UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc đề xuất cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch trước đây có thể xem xét nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng ra sông Hàn. UBND TP Đà Nẵng cũng nhận định về mặt kiến trúc cảnh quan, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài sẽ không phát huy được lợi thế của dự án ven sông, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao.
Một phần dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng do Công ty cổ phần Bến du thuyền Đà Nẵng (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) làm chủ đầu tư. |
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần có phương án đảm bảo vừa không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn, vừa giữ được mật độ không gian xanh phía sông để phục vụ cộng đồng và đường cảnh quan ven sông.
Còn ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng cho rằng cần thiết nên có một số công trình cao tầng tại dự án để đối xứng, hài hòa với bờ Tây sông Hàn. Tuy nhiên, cần tính toán khoảng lùi của cao ốc đối với bờ sông và Đà Nẵng cũng phải nghiên cứu tổng thể kiến trúc của cả vệt đất phía sau 2 dự án cùng các chung cư nhà ở xã hội 12 tầng hiện hữu để tạo thành một cụm kiến trúc đồng bộ, đẹp mắt.
Đồng quan điểm, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố nhìn nhận, nếu chỉ làm nhà thấp tầng sẽ biến nơi đây thành “khu đô thị ngủ” do sau 22h là tắt đèn, còn nếu để hơn chục cái tháp cùng xuất hiện ở đây thì vượt ngưỡng chịu đựng của môi trường.
“Phương án hài hòa nhất cho tự nhiên - con người - kiến trúc là cho phép làm một số nhà cao tầng có kiến trúc thật đẹp. Chủ đầu tư nên tổ chức thi hoặc mời kiến trúc sư đẳng cấp thiết kế cho xứng tầm, có thể tạo nên thương hiệu cho thành phố”, ông Hùng gợi mở.
Chủ đầu tư mệt mỏi
Tại hội nghị, đại diện chủ đầu tư 2 dự án bày tỏ quan điểm chung là doanh nghiệp đã quá vất vả, mệt mỏi khi phải nhiều lần điều chỉnh quy hoạch dự án và mong rằng sau hội nghị này, họ chỉ phải thực hiện thêm một lần điều chỉnh quy hoạch cuối cùng để bắt tay vào xây dựng dự án.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, chủ đầu tư dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp đồng ý với ý kiến giảm mật độ nhà cao tầng tại dự án.
“Việc bỏ hết nhà cao tầng sẽ giảm giá trị dự án, đồng thời Đà Nẵng sẽ phải mất khoản tiền lớn để bồi thường và chúng tôi không hề mong muốn điều đó. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý việc giảm nhà cao tầng và sẽ mời tư vấn nước ngoài để thiết kế khối cao tầng xứng tầm theo đúng ý kiến của các ban, ngành Đà Nẵng”, bà Loan nói.
Toàn cảnh dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng. |
Theo tham luận của ông Vũ Quang Hùng, thành viên Hội đồng kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa X, các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có đầy đủ cơ sở về pháp lý theo quy định, phù hợp với quy hoạch chung, phân khu, quy hoạch đê kè đã được UBND thành phố phê duyệt trước đây.
Tại cuộc thi thiết kế ý tưởng cảnh quan hai bên bờ Sông Hàn, phương án của 2 đơn vị tư vấn đạt giải cao nhất (đồng giải nhì - tư vấn Singapore và Bỉ) đã đề xuất giải pháp không gian tại khu vực dự án Olalani và Marina Complex cơ bản tương đồng với quy hoạch được duyệt, trong đó các khối cao tầng có khối dáng thanh mảnh được tổ chức với khoảng cách phù hợp xen kẽ nhà thấp tầng, bố trí cầu tàu và bến du thuyền, dãy kế tiếp phía sau tiếp tục phát triển cao tầng với mật độ dày hơn.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, trước khi triển khai dự án, cần điều chỉnh sắp xếp cục bộ tổng mặt bằng phù hợp với quy hoạch chung, QCVN 01:2021/BXD. Trong đó, cần quan tâm đến không gian công cộng ven sông để nhiều người dân tiếp cận thụ hưởng, nghiên cứu kiến trúc công trình hài hòa cảnh quan khu vực ven sông, cụ thể: Ưu tiên dành vị trí các không gian công cộng về phía sông, mở rộng diện tích công cộng phía bờ sông và tổ chức tuyến đường ven sông xuyên suốt.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lưu ý, về mặt nguyên tắc khi điều chỉnh quy hoạch 2 dự án này là phải tuân thủ quy hoạch chung TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có công trình hầm qua sông Hàn chạy qua dự án.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng đề nghị, đối với dải đất công cộng ven bờ sông Hàn phải liên tục, không ngắt quãng. Khi làm cao tầng và biệt thự thì xem xét về mật độ, chiều cao, khoảng lùi, màu sắc công trình và hạn chế bố trí nhiều cụm nhà cao tầng án ngữ bên sông. Đồng thời, phải tính toán bố trí bãi đỗ xe công cộng phù hợp quy mô dân số.
“Lãnh đạo thành phố cũng nên ngồi lại với chủ đầu tư khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phát sinh chi phí bồi thường trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Thắng nhấn mạnh.
Xuân Tiến