Theo giới chuyên gia, đây là gói trừng phạt cứng rắn và quy mô nhất mà Washington từng áp lên ngành năng lượng Nga, nhằm khiến nền kinh tế của Moscow chịu thiệt hại lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng. Không những vậy, các nước có quan hệ đối tác về năng lượng với Nga như Trung Quốc và Ấn Độ cũng phải gián tiếp chịu tác động không nhỏ.
Bốn điểm chính của gói trừng phạt
CNN hôm 11/1 dẫn thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này sẽ triển khai các biện pháp trừng phạt quy mô lớn nhằm vào 400 cá nhân và thực thể của ngành năng lượng Nga, trong đó có việc đưa vào danh sách trừng phạt hàng trăm tàu chở dầu và hai tập đoàn dầu khí lớn cùng hơn 20 chi nhánh của các tập đoàn này.
Cụ thể, gói trừng phạt bao gồm bốn điểm chính. Thứ nhất, nhắm vào các công ty dầu mỏ lớn của Nga gồm Gazprom Neft và Surgutneftegas. Hai công ty này đã vận chuyển khoảng 970.000 thùng dầu mỗi ngày bằng đường biển trong năm 2024, một con số đáng kể hơn cả lượng cung thặng dư toàn cầu dự kiến cho năm 2025.
Thứ hai, Mỹ mở rộng danh sách tàu chở dầu bị trừng phạt lên 160, tăng gấp đôi tổng số tàu bị Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) nhắm đến từ trước đến nay. Tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã được chứng minh trước đó. Trong số 39 tàu bị trừng phạt kể từ tháng 10/2023, có tới 33 tàu đã không thể vận chuyển hàng khi bị đưa vào danh sách đen.
Thứ ba, gói trừng phạt cũng nhắm vào hai nhà cung cấp bảo hiểm bảo vệ và bồi thường lớn nhất của Nga là Ingosstrakh và Alfastrakhovanie. Điều này có thể buộc nhiều tàu chở dầu, bao gồm cả đội tàu của Nga, phải rời thị trường bảo hiểm chính thống, làm tăng thêm các rủi ro về an toàn hàng hải.
Thứ tư, các công ty dịch vụ dầu khí của Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động tại Nga trước ngày 27/2 tới. Mặc dù tác động ngắn hạn có thể không đáng kể do Nga đã chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp trong nước, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án mới, đặc biệt là các dự án đòi hỏi công nghệ tiên tiến ở Bắc Cực và ngoài khơi.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt mới là bước đi hiện thực hóa cam kết của Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) về việc cắt giảm doanh thu từ năng lượng của Nga - "mạch máu" mà Điện Kremlin sử dụng để phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
The Bloomberg dẫn nguồn tạo tin tiết lộ, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết mục tiêu của đợt trừng phạt là cung cấp cho Washington thêm lợi thế để có thể dàn xếp "hòa bình công bằng" giữa Moscow và Kiev. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái được công bố chỉ 10 ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, có thể sẽ gây khó khăn cho nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ dàn xếp để kết thúc chiến sự ở Ukraine ngay sau khi đắc cử, dù gần đây thừa nhận mục tiêu này có thể mất nhiều thời gian hơn.
Trong một động thái phối hợp với Mỹ, chính quyền Anh cùng ngày cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Gazprom Neft và Surgutneftegaz. Anh và các đồng minh phương Tây đang nhắm mục tiêu vào những con tàu đã và đang giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt. Theo đó, các biện pháp trừng phạt mới của Anh sẽ hạn chế hoặc cấm những con tàu này di chuyển và tiếp cận một số cảng của Anh.
Phản ứng của Moscow
Kể từ năm 2014 đến nay, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng chục nghìn lệnh trừng phạt đối với Moscow trong nhiều đợt kể từ thời điểm Nga tiến hành sáp nhập Crimea thông qua cuộc trưng cầu dân ý. Số lượng các biện pháp trừng phạt trên đã tăng nhanh sau khi Điện Kremlin triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Daleep Singh, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế cho biết, gói trừng phạt mới có thể coi là áp lệnh quy mô nhất từ trước đến nay của Mỹ đối với ngành năng lượng Nga.
Nga đã bác bỏ các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này, gọi đây là động thái “bất hợp pháp”. Đồng thời, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga hôm 11/1 khẳng định Moscow sẽ đáp trả. "Hành động đáp trả của Nga sẽ được tính đến khi Moscow xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại. Việc áp đặt lệnh trừng phạt mới có thể coi là nỗ lực nhằm gây tổn hại đến kinh tế Nga trước khi nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden kết thúc, với nguy cơ gây bất ổn thị trường toàn cầu", thông báo có đoạn.
Tập đoàn Gazprom Neft cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động và duy trì khả năng chống chịu, bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, cho rằng đây là quyết định “thiếu căn cứ, bất hợp pháp và đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh tự do”.
Thông báo của tập đoàn nêu rõ: “Gazprom Neft đã liên tục chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản trừng phạt tiêu cực khác nhau suốt 2 năm qua. Ngoài ra, công ty gánh đã chịu các biện pháp trừng phạt đơn phương của nước ngoài từ năm 2022, do đó, nhiều hạn chế như vậy đã được tính đến trong quy trình hoạt động”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhiều lần khẳng định, Moscow đã vượt qua những thách thức do các lệnh trừng phạt gây ra và chính các biện pháp trừng phạt đã trở thành động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp của Nga.
Theo các chuyên gia kinh tế và địa chính trị, hiệu quả của gói trừng phạt mới phụ thuộc nhiều vào việc thực thi và giám sát. Để gói trừng phạt thật sự phát huy tác dụng, chính quyền Mỹ cần sẵn sàng có biện pháp mạnh với cả những đơn vị mua dầu của Nga. Tuy nhiên, việc này không đơn giản khi phần lớn hoạt động buôn bán dầu mỏ của Moscow đã chuyển sang các đối tác không thuộc phương Tây.
Ngoài ra, đánh giá của Rystad Energy A/S - công ty nghiên cứu có trụ sở tại Oslo (Na Uy) chỉ ra rằng, chỉ khoảng 15% thị trường khoan dầu của Nga phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Con số này cho thấy tác động của các biện pháp trừng phạt có thể sẽ không quá lớn trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây khó khăn đáng kể cho các dự án phát triển dài hạn của Nga.
Được biết, trước khi loạt lệnh trừng phạt mới được công bố, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng từng chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "tìm cách để lại di sản nặng nề nhất" cho người kế nhiệm.
Giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới nhận định, với lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ áp lên Nga, thị trường năng lượng toàn cầu tiếp tục đối mặt với rủi ro tăng giá. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga cũng đẩy căng thẳng địa chính trị lên một cấp độ mới, với những tác động không thể đoán trước đối với nền kinh tế thế giới.
Bob McNally, Chủ tịch Nhóm Năng lượng Rapidan, cho biết: “Phản ứng của nhóm ông Trump đối với các lệnh trừng phạt này sẽ là yếu tố then chốt xác định liệu rủi ro giá dầu có tiếp tục duy trì hay không”.
Trong khi đó, theo Reuters, gói trừng phạt sẽ gây xáo trộn nghiêm trọng trong quan hệ năng lượng giữa Nga và các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ. Sự gián đoạn nguồn cung dầu thô giá rẻ từ Nga khiến Ấn Độ tìm kiếm nguồn cung mới từ các khu vực khác.
Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 11/2024 đã giảm mạnh 55% so với cùng kỳ năm trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022. Đây có thể là kết quả của việc nước này cố gắng đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ để tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Cũng theo dữ liệu theo dõi tàu từ Reuters, lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 11/2024 đã giảm 13% so với tháng 10, xuống còn 1,52 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Đông vào Ấn Độ lại tăng vọt 10,8% trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ trong tháng 11/2024, vượt qua cả Iraq và Arab Saudi.