Điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng: Chuyên gia bày cách để người lắp không thiệt

Ngoài tiền lắp đặt, DN, người dân có thể phải đầu tư thiết bị lưu trữ, vì vậy đề xuất điện mặt trời mái nhà bán cho EVN giá 0 đồng đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ Công Thương đang đề xuất người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự dùng được kết nối với hệ thống điện quốc gia và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng với giá 0 đồng. Điện dư thừa cũng không được phép bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Thậm chí, cơ quan soạn thảo còn dự kiến bổ sung quy định để người dân lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát lên hệ thống.

Nhiều chuyên gia e ngại, nếu được thông qua, đề xuất trên sẽ gây thiệt thòi cho người dân, doanh nghiệp, không khuyến khích đầu tư lắp đặt ĐMNMT. 

Vì điện từ các tấm pin mặt trời khi không sử dụng hết sẽ phải xả để vận hành ổn định nguồn điện, nếu không sẽ hại thiết bị. Nghĩa là, khi không phát lên lưới, người dân, doanh nghiệp phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ, dẫn đến tăng chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Chi phí bỏ ra càng lớn thì người dân, doanh nghiệp càng phải tính toán kỹ khi làm ĐMTMN.

Bộ Công Thương đề xuất người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự dùng được kết nối với hệ thống điện quốc gia và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng với giá 0 đồng. (Ảnh minh họa: Hà Nội mới)

Bộ Công Thương đề xuất người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự dùng được kết nối với hệ thống điện quốc gia và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng với giá 0 đồng. (Ảnh minh họa: Hà Nội mới)

Theo bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, với chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo thời gian qua, nhiều dự án điện mặt trời đã được đầu tư xây dựng, trong đó ĐMTMN là loại hình có nhiều tính ưu việt, hiệu quả kinh tế cao.

Bà Thanh cho biết, tiềm năng điện mặt trời của tỉnh còn lớn, trong đó, phát triển năng lượng thông qua lắp đặt hệ thống ĐMTMN sẽ đóng góp quan trọng trong giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng ở khu vực miền Nam được dự báo tăng cao vào giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 669 hộ dân, doanh nghiệp lắp đặt ĐMTMN phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, với tổng công suất 15.879 kWp.

“Thời gian gần đây, do nhiều gia đình, doanh nghiệp lắp đặt công suất quá mục đích sử dụng nên ĐMTMN đã dư thừa. Do không đấu nối được vào với lưới điện quốc gia, không bán điện được nên người dân đã ngừng lắp đặt. Nay Bộ Công Thương đề xuất ĐMNMT nếu dư chỉ được bán cho EVN với giá 0 đồng càng không khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiếp tục lắp đặt”, bà Thanh nói.

 

TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng cho rằng, đề xuất của Bộ Công Thương sẽ coi việc lắp đặt ĐMTMN là tự sản, tự tiêu. Tuy nhiên, về nguyên tắc, nếu không có cơ chế như cho vay với lãi suất thấp thì sẽ không thể khuyến khích việc lắp đặt, bởi khi điện dư thừa thì họ không biết bán cho ai, không biết dùng để làm gì. Điều này sẽ dẫn đến lãng phí đầu tư.

Do đó, Bộ Công Thương, EVN nên có bài toán về giá ĐMTMN. Nếu Bộ Công Thương, EVN không mua thì để những hộ gia đình, doanh nghiệp gần đó mua để tránh lãng phí và ngành điện vẫn được lợi vì hạn chế tình trạng thiếu điện.

“Nếu cho phép người lắp đặt có thể bán 20 - 30% sản lượng ĐMTMN thì có thể người dân sẽ đầu tư vì có kinh phí, hạn chế thua thiệt. Nên tính phần dôi ra với giá điện chi phí biến đổi, giá rẻ hơn vì không mất tiền đầu tư, như thế sẽ mang tính khuyến khích hơn”, ông Kiệt nói.

Ông Kiệt cũng cho rằng, về lâu dài, nếu không mua ĐMTMN hoặc mua với giá 0 đồng thì nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng ở miền Bắc sẽ tiếp tục hiện hữu vì doanh nghiệp, người dân không đầu tư, không phát triển nguồn cung.

“Do vậy cần phải tính giá ĐMTMN với giá phù hợp. Nếu không bán được ĐMTMN thì người lắp đặt cũng không tội gì phải tích trữ, bởi giá tích trữ sẽ đắt hơn giá điện mua của EVN", ông Kiệt nói.

Tuy nhiên, TS Ngô Tuấn Kiệt cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh quản lý theo vùng, theo khu vực, theo khu đô thị để có quy hoạch và phát triển phù hợp, tránh việc bùng nổ vô tội vạ như thời gian vừa qua, đảm bảo sự vận hành ổn định, hiệu quả của hệ thống điện quốc gia. Hệ thống truyền tải điện của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nếu để phát triển ồ ạt. Do đó, bài toán đặt ra ở đây là phải đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống truyền tải để khi tiếp nhận nguồn điện tái tạo không làm ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.

Các chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, đặc biệt các cơ chế chính sách cho tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải điện riêng và vận hành hệ thống do họ tự đầu tư.

Hiện một số quốc gia đã có chính sách mua bán ĐMTMN dư thừa từ người dân như Đức, Mỹ, Australia. Mức giá và điều kiện thực hiện có thể khác nhau theo từng công ty bán lẻ điện, giúp giảm thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư.

https://vtc.vn/dien-mat-troi-mai-nha-gia-0-dong-chuyen-gia-bay-cach-de-nguoi-lap-khong-thiet-ar839879.html

Phạm Duy / VTC News