Năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tất cả các nước trên thế giới (với lần đầu tiên kinh tế các nước đang phát triển khu vực châu Á tăng trưởng - 0,7% kể từ đầu những năm 1960), trong đó có Việt Nam, song âm hưởng chung hội tụ trong các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực và nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V; là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với năm nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao…
Bước tiến lớn thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực
Theo báo cáo mới nhất cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) năm 2020 công bố ngày 10-12-2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam từ 1,8% (đưa ra hồi tháng 9-2020) lên 2,3% và tăng trưởng năm 2021 là 6,1% (so với mức 6,3% đưa ra hồi tháng 9-2020); còn tăng trưởng chung của tiểu vùng Đông Nam Á cho năm 2020 đã được điều chỉnh giảm từ âm 3,8% (đưa ra hồi tháng 9-2020) xuống còn âm 4,4%; đồng thời, được kỳ vọng tăng trưởng 5,2% trong năm 2021.
Trước đó, theo các báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) và báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) và nhiều dự báo quốc tế khác công bố trong tháng 10-2020, GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 1,6-3,0% và lạm phát được giữ vững dưới 4% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn với mức từ hơn 6% - 11,2% trong năm 2021.
Yếu tố quyết định làm căn cứ cho những chỉ báo lạc quan nêu trên về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô Việt Nam là sự thành công trong thực tế kiểm soát sự lây lan của Covid-19 (cuối tháng 5-2020, trang Politico của Mỹ công bố bảng xếp hạng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đi đầu trong hoạt động phòng chống dịch dựa trên kết quả kinh tế và y tế. Theo đó, Việt Nam là quốc gia chống Covid-19 tốt nhất thế giới). Đồng thời, các xung lực tăng trưởng được cộng hưởng nhờ Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công và chi tiêu công; sớm đưa ra các biện pháp tài chính - tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó có giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi tiêu dùng và gia tăng thương mại; tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam cũng đang và sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia các Hiệp định thương mại song phương và đa phương; từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực…
Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao |
Những mốc mới trong hội nhập quốc tế
Năm 2020 cũng nghi nhận những mốc mới trong hội nhập quốc tế, với sự nâng cao một bước vị trí, uy tín và năng lực đảm nhận “trọng trách kép” trong năm 2020 khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Đây là một đỉnh cao thắng lợi của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, tiếp thêm sinh khí mới để chúng ta tự tin và chủ động tiếp tục tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. “Sân chơi” hội nhập của Việt Nam năm 2020 cũng mở rộng hơn với việc Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và FTA Việt Nam - Anh…
Trong bối cảnh suy giảm dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng năm 2020 đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thông điệp cho thấy tiềm năng và triển vọng gia tăng mạnh hơn dòng đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới.
Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp đoạt giải “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020” của tổ chức World Travel Awards (WTA - Giải thưởng Du lịch thế giới) đã khẳng định sức cuốn hút về bề dày văn hóa, lịch sử và thành công của du lịch Việt Nam... Trong loạt giải thưởng Việt Nam giành được ở châu Á, Việt Nam vinh dự đứng đầu ở 3 hạng mục: Điểm đến di sản, Điểm đến văn hóa và Điểm đến ẩm thực. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục trên. Ngoài ra, Việt Nam còn giành danh hiệu Điểm đến golf tốt nhất châu Á lần thứ 4 liên tiếp. Ngoài ra, Việt Nam còn đứng đầu 16 hạng mục khác ở các lĩnh vực lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, resort...
Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu… Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dự kiến còn 2,75% (so với mức 9,88% năm 2015 và 3,75% năm 2019), đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.
Kết quả này là cộng hưởng những thành tựu và động lực tăng trưởng kinh tế từ năm 2019; sự thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và sự tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp; đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hình thành các chuỗi cung ứng và liên kết kinh tế mới.
Bảo vệ sức khỏe của người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
Theo tinh thần Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2020, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang nhưng không được chủ quan. Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và uy tín của nước ta; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khai thác tốt các thị trường còn dư địa và các thị trường nước ta đã ký kết các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA.
Chủ động phổ biến thông tin rộng rãi về Hiệp định RCEP cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất xuất khẩu có cơ hội thuận lợi hoặc bị tác động. Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Chủ động có biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Xây dựng và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, hạ tầng giao thông trọng điểm, bảo đảm an toàn cho các phương tiện, tàu thuyền khi có bão lũ. Tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội…
Tất cả, nhằm đạt mục tiêu cho năm 2021 tăng GDP khoảng 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
GDP năm 2020 dự kiến tăng 2,5-3%
Phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF) diễn ra sáng nay (22/12), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và ... |
Cần làm gì để vượt qua "bẫy kinh tế COVID-19"?
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để vượt qua “bẫy kinh tế COVID-19”, nước ta cần thúc đẩy ... |
Việt Nam lọt top 10 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào 2050
Theo EuroCham, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vài thập kỷ tới, ... |