Trung Quốc cho phóng viên quốc tế dự phiên tòa xét xử Robert Schellenberg, điều hiếm thấy trong các vụ án tương tự trước đây.
Robert Schellenberg tại tòa ngày 14/1. Ảnh: Intermediate Peoples\' Court of Dalian.
Khoảng hơn một năm trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới Trung Quốc với kỳ vọng về một hiệp định thương mại tự do. Giờ đây, mọi thứ thay đổi. Từ khi Canada bắt Mạnh Vãn Chu giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei, vào tháng trước, Canada dường như đã trở thành "kẻ thù số một" của chính phủ Trung Quốc, theo New York Times.
Ba công dân Canada đã bị Trung Quốc bắt, bao gồm Michael Kovrig, Michael Spavor và Robert Schellenberg. Bắc Kinh cáo buộc Kovrig và Spavor tội danh đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, Schellenberg tuần qua vừa bị tuyên án tử hình vì buôn bán ma túy.
Tại Canada, bản án dành cho Schellenberg được nhìn nhận như một hành vi trả đũa chính trị từ Trung Quốc vì vụ Mạnh Vãn Chu. Tại Trung Quốc, hầu hết người dân chấp nhận quan điểm của chính phủ là Huawei đang trở thành nạn nhân của phương Tây và Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada một cách bất công.
Cây bút Ian Austen từ New York Times hiện lưu trú tại Trung Quốc cho biết truyền thông nước này cũng đưa tin về sự việc liên quan đến Michael Kovrig và Michael Spavor nhưng chủ yếu chỉ đề cập đến việc họ bị bắt như thế nào, vướng các cáo buộc gì và Bộ Ngoại giao phản bác những chỉ trích ra sao.
Phiên xử phúc thẩm và bản án đối với Robert Schellenberg được truyền thông Trung Quốc quan tâm hơn song chỉ tập trung vào các diễn biến trong phiên tòa. Global Times là tờ báo đi đầu chỉ trích chính quyền Canada.
Việc phóng viên nước ngoài được phép tham dự một phiên tòa hình sự là điều bất bình thường ở Trung Quốc. Tòa án không giải thích chính xác vì sao phiên xét xử Schellenberg lại có sự khác biệt . Theo Austen, có thể tòa án và chính phủ Trung Quốc muốn cho thấy rằng Schellenberg được đối xử bình đẳng và phù hợp hoặc nếu Schellenberg đang được dùng như một "quân bài mặc cả", việc Trung Quốc công khai phiên tòa xét xử là điều dễ hiểu.
Trong các vụ giết người man rợ hay những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chính phủ Trung Quốc thường công khai quá trình xét xử. Tuy nhiên, những vụ án như buôn ma túy có yếu tố người nước ngoài lại hiếm khi được công khai. Việc truyền thông Trung Quốc đưa tường tận sự việc của Schellenberg là một điểm lạ khác. Đó dường như là cách để chính quyền gửi tín hiệu răn đe những kẻ buôn ma túy hoặc gia tăng áp lực lên Canada, chuyên gia nhận định.
Schellenberg bị tuyên án tử hình vào ngày 14/1 vì tội buôn ma túy tại tòa án ở Liêu Ninh. Schellenberg bị bắt vào năm 2014 với cáo buộc vận chuyển hơn 200 kg ma túy đá.
Đây không phải lần đầu tiên công dân Canada bị tuyên án tử tại Trung Quốc. Từng có hai trường hợp tương tự trong hai vụ buôn ma túy riêng biệt ở tỉnh Quảng Đông. Hai người mang hai quốc tịch Trung Quốc và Canada. Một người vào Trung Quốc bằng hộ chiếu Canada, người kia đến bằng giấy tờ đi lại của Trung Quốc. Trong trường hợp thứ hai, Trung Quốc không công nhận người này có hai quốc tịch và đối xử với ông như một công dân Trung Quốc.
Trung Quốc cảnh báo hậu quả nếu cấm cửa Huawei, Canada đáp trả
Chính phủ Canada ngày 18/1 đáp trả lời cảnh báo của Trung Quốc về những hậu quả nếu Ottawa cấm công ty công nghệ Huawei ... |
Hé lộ cuộc sống của "công chúa Huawei" đang bị quản thúc ở Canada
Cuộc sống của “công chúa Huawei” Meng Wanzhou sau khi được bảo lãnh tại Canada với khoản tiền hơn 7 triệu USD và giám sát ... |
Căng thẳng Canada - Trung Quốc: Người phụ nữ Canada tố cáo cảnh sát Trung Quốc "áp bức" mình
Ti-Anna Wang nói rằng bà bị kéo ra khỏi máy bay khi quá cảnh ở Bắc Kinh, sau đó không được phép tiếp tục hành ... |