Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của 61 tỉnh, thành. Theo đó, độ "vênh" giữa 2 điểm này ở tỉnh thấp nhất là 0,32 và tỉnh cao nhất là 1,70.
Đây là năm đầu tiên, Bộ GDĐT thực hiện đối sánh và công bố kết quả mức chênh lệch giữ điểm học bạ với điểm thi của kỳ thi THPT. Bộ coi đây làm một trong những chỉ số đánh giá chất lượng, là cách để “siết” việc làm đẹp điểm học bạ, chạy theo thành tích của các trường phổ thông.
Từ kết quả đối sánh mà Bộ GDĐT công bố, có thể các tỉnh đều có sự chênh lệch theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế.
Mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi nhiều nhất là 1,7 điểm, xảy ra ở các tỉnh như Nghệ An, Long An (điểm trung bình tốt nghiệp của thí sinh Nghệ An là 6,03, điểm trung bình học bạ tương ứng với các môn thi là 7,74 điểm; Long An con số này lần lượt là 6,30 và 8,0 điểm)
Tỉnh Quảng Ninh có độ chênh 1,69 điểm; Bắc Ninh 1,61 điểm; Hải Phòng 1,59 điểm; Hà Giang 1,65 điểm.
Tỉnh có điểm thi và điểm học bạ "vênh" ít nhất là Bình Dương với 0,32 điểm; Ninh Bình 0,45 điểm...
Nói về việc này, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An lý giải, tỉnh đã tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế. Kết quả thi phản ánh đúng năng lực học sinh cũng như chất lượng dạy học trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là mục đích và quyết tâm của ngành giáo dục Nghệ An khi muốn đưa ra thước đo phản ánh kết quả dạy học thực chất.
Theo kết quả này, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của Nghệ An là 6,03. Trong khi, trung bình điểm trung bình học bạ tương ứng với các môn thi là 7,74. Như vậy chênh lệch điểm trung bình (học bạ - điểm thi) là 1,7 – số lệch cao nhất cả nước.
“Việc thi cử được đánh giá tổ chức nghiêm túc, bài bản và Nghệ An luôn làm nghiêm, thậm chí quá nghiêm túc, quá khắt khe”, ông Thành nói.
Khẳng định tổ chức coi và chấm thi bài bản, nghiêm túc, nhưng theo ông Thành, tỷ lệ bài thi đạt điểm 10 của Nghệ An vẫn khá cao so với các tỉnh thành khác.
Cụ thể, cả nước có khoảng hơn 5.900 bài thi đạt điểm 10, trung bình mỗi tỉnh có khoảng 95 điểm 10. Trong khi đó, Nghệ An có 177 điểm 10. Toàn tỉnh có 172 học sinh có điểm tổ hợp từ 28 điểm trở lên.
“Như vậy, góp phần khẳng định chất lượng mũi nhọn của giáo dục Nghệ An giữ vững tốp đầu cả nước. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng giáo dục đại trà và khó khăn nhất vẫn là địa bàn miền núi khó khăn. Mục tiêu của kinh tế xã hội vẫn phải là giáo dục toàn diện, đại trà để có được nguồn nhân lực chất lượng theo số đông, do đó tỉnh cần phải tiếp tục thúc đẩy giáo dục miền núi, vùng khó”, ông Thành nhìn nhận.
Nhận định về kết quả đối sánh này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, theo quy định về đánh giá học sinh hiện hành, ngoài việc đánh giá điểm trung bình từng môn học thì phải đánh giá tổng thể các môn học để ra điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình cả năm.
Dựa trên nguyên tắc đó, Bộ GDĐT thực hiện đối sánh học bạ với điểm thi theo hướng so sánh điểm trung bình của tổng 9 môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của tổng 9 môn học tương ứng theo các môn thi thực tế mà mỗi học sinh lựa chọn.
Cụ thể, học sinh chọn bài thi khoa học xã hội sẽ tính trung bình điểm thi tốt nghiệp của 6 môn thi (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và đối sánh với trung bình điểm học bạ của 6 môn học tương ứng ở lớp 12.
Việc đối sánh chỉ dừng lại ở lớp 12 bởi phạm vi kiến thức trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ tập trung ở lớp 12.
Đánh giá về kết quả đối sánh, ông Thành cho rằng, một số tỉnh ở vùng khó khăn có điểm thi thấp hơn điểm học bạ, khoảng chênh lệch giữa hai trường dữ liệu này cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi.
Tuy nhiên, xét về tổng thể thì kết quả điểm thi và điểm học bạ vẫn có sự tuyến tính với nhau khi cả 2 đều đứng vị trí tốp cuối của cả nước.
Việc điểm thi thấp hơn học bạ ở một số tỉnh vùng khó khăn có thể do thầy, cô cho điểm học sinh có phần linh động hơn để động viên các em có động lực cố gắng.
Nếu tỉnh nào có sự chênh lệch rõ giữa điểm học bạ và điểm thi thì cần tiếp tục điều chỉnh quá trình dạy học để nâng cao hơn nữa chất lượng và đánh giá trong nhà trường cho sát với yêu cầu.
PV (th)
Cách đăng ký xét tuyển vào đại học bằng kết quả thi Đánh giá năng lực 2020 |
Điểm thi |