Địa ngục COVID-19 thành thiên đường cho những kẻ lừa đảo ở Ấn Độ

Từ thuốc giả, bình chữa cháy hô biến thành bình oxy cho tới đồ bảo hộ tái chế, địa ngục COVID-19 ở Ấn Độ trở thành thị trường béo bở để những kẻ lừa đảo khai thác.

Tháng trước, Chandrakant chết trong nhà riêng khi vợ anh - Komal Taneja mòn mỏi chờ đợi bình oxy giá 200 USD cô mua trên mạng.

"Chúng tôi tuyệt vọng tìm kiếm một giường bệnh trong suốt một tuần. Hai bệnh viện tư nhân yêu cầu chúng tôi trả trước 13.800 USD", Taneja nói, khóc nấc trong điện thoại phỏng vấn của AFP.

"Sau đó, chúng tôi tìm trên mạng thấy một mối hứa giao bình oxy trong một giờ. Khi chúng tôi thanh toán 200 USD như yêu cầu, họ lại đòi thêm tiền rồi ngừng liên lạc", Taneja nói.

Hôm 1/5, Chandrakant, 36 tuổi, nhân viên môi giới chứng khoán qua đời, để lại người vợ nội trợ đang kiếm việc làm để chăm sóc cha mẹ ốm yếu.

Địa ngục COVID-19 thành thiên đường cho những kẻ lừa đảo ở Ấn Độ - 1
Những kẻ lừa đảo tận dụng COVID-19 để kiếm lời. (Ảnh minh hoạ: Reuters)

Trước đại dịch, Ấn Độ nổi tiếng về những vụ lừa đảo trong và xuyên biên giới.

Tháng 12/2020, cảnh sát Ấn Độ từng phá đường dây lừa đảo 4.500 người Mỹ với tổng số tiền lên tới 14 triệu USD.

Mạo danh các quan chức Mỹ, các đối tượng nói với các nạn nhân rằng tài khoản của họ đang bị các băng đảng sử dụng ma túy sử dụng và lựa chọn duy nhất là chuyển tài sản thành bitcoin. Những kẻ lừa đảo sau đó nẫng tay trên.

Năm 2019, một nhóm cảnh sát và bác sỹ Ấn Độ dính vào đường dây lừa đảo làm giả cái chết của hàng trăm dân làng ở bang Haryana để trục lợi bảo hiểm.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những kẻ lừa đảo chuyển sự chú ý sang gia đình bệnh nhân COVID-19, những người tuyệt vọng sẵn sàng làm mọi thứ để cứu người thân.

Narang, giám đốc công ty tư nhân ở Noida cho biết anh bị lừa khi đang tuyệt vọng tìm kiếm máy tạo oxy cho người bạn mắc COVID-19 của mình.

"Tôi tìm thấy địa chỉ dẫn tới một nhà cung cấp có vẻ chính hãng. Tôi nói chuyện với một người, hắn yêu cầu tôi trả 615 USD làm 2 lần. Tôi cứ chắc mẩm đây không phải lừa đảo và thậm chí còn giới thiệu cho một người quen khác", Narang nói.

Nhưng thiết bị mà Narang cần không bao giờ tới tay anh.

Trường hợp của Narang và Chandrakant chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ lừa đảo mà cảnh sát Ấn Độ điều tra những tuần gần đây. Các đối tượng lừa nạn nhân mua đủ thứ từ bình oxy, giường bệnh, thuốc điều trị.

"Những tên tội phạm này coi đây là thời điểm cơ hội để kiếm lời”, Shibesh Singh - quan chức cảnh sát New Delhi cho hay.

Ông Singh cho biết lực lượng chức năng ở New Delhi đã bắt giữ nhiều đối tượng, trong đó có băng nhóm sản xuất và bán thuốc kháng virus Remdesivir với giá gấp 40 lần giá thị trường.

Trong một vụ trường hợp khác, một băng nhóm sơn lại bình chữa cháy và bán chúng dưới dạng bình oxy. Có cả trường hợp những kẻ lừa đảo đóng giả bác sỹ để gạ bệnh nhân trả tiền mua giường bệnh.

Tuần này, 6 đối tượng bị bắt vì tái chế hàng tấn găng tay phẫu thuật đã qua sử dụng từ các bệnh viện.

Một số nạn nhân đang yêu cầu giới chức đưa ra những hình phạt cứng rắn.

"Hãy treo cổ tất cả những kẻ đó. Nếu không thì cũng phải là mức án chung thân. Đây không chỉ là vấn đề tinh thần hay tài chính, những kẻ đó đang chơi đùa với tính mạng của con người", Narang nói.

SONG HY (Nguồn: AFP)

Bát nháo kit test nhanh COVID-19: Xử cơ sở mua trôi nổi đầu tiên ở Hà Nội Bát nháo kit test nhanh COVID-19: Xử cơ sở mua trôi nổi đầu tiên ở Hà Nội
WHO cảnh báo làn sóng COVID-19 thứ ba trên toàn châu Phi WHO cảnh báo làn sóng COVID-19 thứ ba trên toàn châu Phi
Thái Lan bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca Thái Lan bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca
/ vtc.vn