Đi trong lòng mùa xuân

Mẹ về nhà, lưng áo đẫm mồ hôi, ngồi đếm những đồng tiền nhàu nát. Đó cũng là tiền ăn Tết của gia đình tôi.

Mẹ về nhà, lưng áo đẫm mồ hôi, ngồi đếm những đồng tiền nhàu nát. Đó cũng là tiền ăn Tết của gia đình tôi.

Nó có được nhờ những con cá ngon nhất trong ao nhà, được cha mẹ để dành cả năm. Ngày tát ao bắt cá vì thế trở thành công việc đại sự cuối năm của cả nhà.

Chiếc ao không lớn, nhưng hàng năm đều chứa đựng bí mật của riêng nó. Cha và anh tôi mỗi người cầm một đầu dây gàu tát nước sang con mương sau nhà. Ao nước cạn dần cùng với tiếng quẫy ngày càng lớn của bọn cá lóc, trê, trắm cỏ, cá rô...

Tôi thấy Tết đang về trong tiếng cười của hai anh khi đầm mình vào lớp bùn đặc quánh đến hông, chụp bắt những con cá đen trũi. Cả khuôn mặt các anh lấm lem bùn, chỉ còn mỗi hàm răng trắng. Rồi bọn cá, cua và ốc đều phải ngoan ngoãn hội tụ trong những chiếc rổ, thùng và chậu. Cha thả những con to nhất vào chiếc xô, đổ đầy nước và buộc đằng sau xe đạp của mẹ.

Có được chút tiền bán cá, tôi cùng mẹ xách làn ra chợ. Bạc Liêu nơi tôi lớn lên ngày ấy, chợ chạy song song với dòng sông hiền hòa lấp lánh. Chợ không chỉ họp trên bờ mà còn trên những con thuyền bập bềnh theo sóng. Những con thuyền mỏng manh ấy chở mùa xuân đến cho tôi bằng ắp đầy hoa vạn thọ, hoa mai, dưa hấu, bưởi, bánh tét...

Mẹ nắm tay tôi giữa màu xanh của rau đổ tràn từ những chiếc thúng, giữa màu đỏ, màu vàng hoa trái đang rực lên trên đôi tay sạm nắng của cô bác nông dân. Các màu sắc ấy truyền sang tôi một tình yêu cuộc sống giản dị nhưng mãnh liệt. Chợ không chỉ là nơi mua bán, ở đó mỗi năm, tôi nhìn thấy nỗi buồn của những mùa vụ thất thu hay niềm vui của một năm sung túc. Những nông dân đem mùa xuân đến cho chúng tôi rồi cùng thuyền rời đi khi tiếng pháo giao thừa đì đùng phía xa xa.

Trở về từ chợ, trên tay mẹ và tôi trĩu nặng nào là gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong... Sống ở miền Nam, nhưng chúng tôi - những người gốc Bắc - không thể thiếu bánh chưng. Hạnh phúc lớn nhất của ba anh em là được quây quần gói bánh cùng cha. Bàn tay ông thoăn thoắt gói từng chiếc bánh xanh vuông vức mà không cần bất cứ cái khuôn nào. Rồi cả nhà quây quần trong góc vườn nhỏ, nồi bánh trên bếp sôi lục bục, câu chuyện của cha mẹ dẫn tôi trở về những cái Tết ngày xửa ngày xưa. Tôi tròn xoe mắt khi cha kể rằng: ở làng quê nghèo khó của ông, chẳng ai có tủ lạnh. Để bánh chưng giữ được lâu, ông nội thường nhấc những chùm bánh vừa luộc, đang bốc khói từ nồi thả ngay xuống giếng. Bánh nóng hổi, nhựa chứa chan, gặp làn nước lạnh ngắt của mùa đông xứ Bắc đã keo lại thành lớp bảo vệ vững chắc, giữ được sự thơm ngon nhiều tuần sau đó.

Bánh chưng chín cũng là lúc ngày cuối cùng của năm chạm gót hiên nhà. Thay vì chạy chơi cùng chúng bạn, tôi ríu rít phụ các anh dọn dẹp nhà cửa, giúp mẹ nấu các món ăn truyền thống để đón giao thừa. Tôi luôn cảm thấy những giây phút chuẩn bị cho Tết rộn ràng, ấm cúng và thiêng liêng nhất. Cho đến tận bây giờ, Tết trong tôi luôn bắt đầu từ những ngày thơ ấu, trong căn nhà nhỏ nép mình dưới tán lá xanh xào xạc gió ở ngoại ô thị xã Bạc Liêu, nơi cha mẹ tôi đã dành dụm gói ghém tất cả thương yêu dành cho gia đình, để mùa xuân nở bung, rực rỡ.

Hình ảnh Tết trong tôi còn là dáng cha nghiêng cùng bóng nắng trong vườn, chăm chút cho cây mai mà cha trồng khi chúng tôi bứng gốc rễ của mình từ mảnh vườn tổ tiên xứ Bắc để di cư vào Nam. Lần đầu tiên thấy cha tước sạch lá mai, tôi kêu lên như chính những chiếc lá xanh ngằn ngặt ấy bị vặt đi từ cơ thể mình. Nhưng rồi tuần sau đó, cha cười hiền từ, chỉ cho tôi thấy nụ hoa bé xinh đang âm thầm trỗi dậy trên khẳng khiu những chiếc cành. Cha nghe ngóng thời tiết, rồi bón phân, tưới nước cho cây, sao cho tới gần Tết, những nụ hoa mập mạp phủ kín cây mai, sắc hoa vàng rực e ấp bên trong chiếc áo hoa xanh mướt. Cũng như tất cả hàng xóm thuở ấy, chúng tôi tin rằng nếu cây mai nở bung rực rỡ vào ngày mùng một Tết, điềm lành sẽ đến trong năm mới. Vì vậy, suốt tuổi thơ, vào những tuần trước Tết, điều đầu tiên tôi làm khi thức dậy là nhón chân khe khẽ chạy ra vườn, đếm xem cây mai đã trổ bao nhiêu nụ. Tôi nhớ mình đã nín thở trông chờ vào điều diệu kỳ của những nụ hoa, để rồi khi khôn lớn, mới hiểu rằng phép màu ấy đến từ chính bàn tay của cha mình.

Năm nào cha cũng đem một mùa xuân rực rỡ đến trong những đóa hoa mai bừng nắng. Còn mẹ lại chính là người giữ cho mùa xuân ở lại. Mùa xuân là dáng mẹ bên hiên nhà, tóc xòa xuống, che phủ một phần khuôn mặt sạm đi vì nắng gió. Khuôn mặt ấy thoang thoảng niềm hạnh phúc khi mẹ chăm chú tước đi phần ngoài của những củ hành, củ kiệu nhỏ xinh. Mẹ dạy tôi cách cắt kiệu, hành sao cho giữ được độ tươi, cách chọn góc nắng để phơi chúng, cách pha muối, đường, giấm để ngâm sao cho chúng giòn tan trong miệng.

Rồi khi Giao thừa đến, đứng trước bàn thờ tổ tiên, nơi các món ăn của mẹ, cặp bánh chưng của cha và bao hoa trái ba anh em tôi hái từ vườn đang dâng lên hương sắc, trong mùi dịu dàng của nén nhang tỏa khói trên tay, tôi nhắm mắt, hướng sự thành kính tới tổ tiên và thấy mình lớn hơn một chút. Tôi cảm giác mình là một cái cây được bám rễ vào mảnh đất màu mỡ là tình yêu gia đình, phong tục Tết của hai miền Nam Bắc, được che mát bởi những lời dặn dò rằng đừng để hương vị Tết mai một, dù tôi sẽ lớn lên, đặt chân đến những miền thênh thang rộng lớn.

Mùng một Tết, tôi mặc bộ quần áo mới duy nhất của năm, được mẹ dẫn đi chùa và thăm họ hàng, thầy cô. Tôi nép vào bước chân của mẹ, rạo rực niềm vui khó tả. Hai bên đường, hương vị Tết dâng lên từ những mái nhà đơn sơ, từ những cánh mai, vạn thọ rực vàng chấp chớp. Một lần, mẹ dẫn tôi băng qua đồng lúa đang dào dạt sắc xanh, trải mãi, trải mãi đến tận chân trời. Chúng tôi đi trong hương lúa và hương mùa xuân thênh thang ùa về. Tôi ước mình được đi mãi, đi mãi trong lòng mùa xuân cùng mẹ.

Nguyễn Phan Quế Mai

di trong long mua xuan Đầu mùa xuân, cả nước nóng như mùa hè
di trong long mua xuan NPK Phú Mỹ: Mùa xuân trên những cánh đồng
di trong long mua xuan Tùng Dương, Tấn Minh, Trọng Tấn miệt mài tập luyện show "Mùa xuân nho nhỏ"
/ vnexpress.net