Vậy đâu là lý do 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi và liệu người Việt có phải bị che mắt để phải ăn một loại thực phẩm độc hại suốt nhiều năm qua không?
LTS: Tuần Việt Nam nhận được bài viết của bà Tô Thụy Diễm Quyên, Tổng giám đốc Innedu, Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, người đã tự lần mò, ráp mối các thông tin của Nhật Bản và Việt Nam để xem chất axit benzoic trong tương ớt Chin-su có thực sự gây ung thư. Chúng tôi đăng tải bài viết ngõ hầu giúp bạn đọc thêm thông tin về vụ việc đang gây tranh luận này.
Những ngày qua dư luận sục sôi đòi tẩy chay tương ớt và thương hiệu Masan sau khi 18.000 chai tương ớt bị thu hồi ở Nhật vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự phẫn nộ thậm chí được đẩy lên đỉnh điểm sau khi có tuyên bố rằng đây là tương ớt sản xuất cho Việt Nam chứ không phải cho Nhật Bản.
Ngay lập tức mọi người suy diễn thành làm cho người Việt ăn thì “bẩn” còn để xuất khẩu thì mới cần “sạch”.
Đứng trước sự cuồng nộ của công luận, chúng tôi quyết định đi tìm những nguồn thông tin để hiểu rõ sự việc với mong muốn tự trang bị kiến thức cho mình.
1. Các tiêu chuẩn trên thế giới
Đầu tiên, chúng tôi đi tìm kiếm các tiêu chuẩn về hàm lượng phụ gia gốc benzene cho phép trong thực phẩm theo Tổ chức Y tế Thế giới, theo Việt Nam và theo Nhật Bản.
Theo Bộ Y tế (Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, ban hành kèm Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012), số lượng tối đa Acid benzoic được dùng là 1000 mg/kg cho các sản phẩm từ quả dạng nghiền (tương ớt) (ngoại trừ các sản phẩm mứt, thạch, mứt quả).
Theo Tổ chức Thương mại Nhật Bản (Jetro) (Trang 133, Thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn cho thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Luật vệ sinh thực phẩm), số lượng tối đa Acid Benzoic được dùng trong nước tương là 1000 mg/kg .
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, (Trang 4, Tài liệu đánh giá hóa chất quốc tế súc tích 12.04.2005), số lượng tối đa Acid benzoic hoặc sodium benzoate được sử dụng với mục đích làm chất bảo quản là 2000 mg/kg thực phẩm.
Căn cứ các tiêu chuẩn trên và hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản lần lượt là 0,41 g/kg, 0,44 g/kg và 0,45 g/kg, chúng tôi nhận thấy, việc thu hồi tương ớt từ phía Nhật và người Việt đòi tẩy chay tương ớt là chưa hợp lý.
Nhưng vì sao chai tương ớt này không vi phạm về chỉ số hàm lượng Benzoic mà vẫn bị cấm?
Người Nhật vốn nổi tiếng thế giới về sự cẩn trọng. Do đó chúng tôi đã không dừng lại đó mà tiếp tục tìm hiểu sâu hơn thì phát hiện ra một bí mật đáng sợ!
2. Tại sao phía Nhật cấm dùng phụ gia gốc Benzen chỉ đối với tương ớt?
Ớt có hàm lượng vitamin C rất cao, khi gặp Axit Benzoic sẽ biến đổi thành Benzen và chất này có khả năng gây ung thư. Trước đây ở Đại học Tự nhiên Hà Nội đã từng có một nghiên cứu độc lập, trong đó các nhà khoa học kết hợp axit benzoic với vitamin C cho chuột ăn hoặc kết hợp hai chất này với nhau trong phòng thí nghiệm với điều kiện phù hợp, thấy xuất hiện hiện tượng giải phóng ra benzene.
Phó giáo sư Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học, Đại học Tự nhiên Hà Nội, cho biết một nghiên cứu độc lập tại Mỹ cho thấy kết hợp axit benzoic với vitamin C trong phòng thí nghiệm với điều kiện phù hợp, xuất hiện hiện tượng giải phóng benzene.
Benzene được xác nhận là gây ung thư cho người, theo phân loại của Hiệp hội Ung thư Mỹ. Tuy nhiên, phát hiện trên chỉ từ một nghiên cứu độc lập, thực tế chưa có báo cáo lâm sàng. Nghiên cứu này cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận có báo cáo mà không cụ thể kết hợp như thế nào, mức độ bao nhiêu, trong điều kiện gì cũng như khả năng sinh ra benzene.
Vậy đâu là lý do mà 18.000 chai tương ớt bị thu hồi và liệu người Việt có phải bị che mắt để phải ăn một loại thực phẩm độc hại suốt nhiều năm qua không? Nếu đúng như vậy thì Masan là kẻ có tội hay ai khác?
3. Các phương tiện truyền thông của Nhật nói gì?
Trên tạp chí chính thống của Nhật Bản Osaka đã đăng phán quyết của chính quyền thành phố. Bản dịch từ tiếng Nhật qua tiếng Anh và từ tiếng Anh qua tiếng Việt được chúng tôi tự thực hiện.
Do khuôn khổ bài báo có hạn nên chúng tôi xin trích phần nội dung phạm luật.
Theo điều 11, khoản 2, Bộ Luật An toàn Thực phẩm, benzoic acid không được phép sử dụng trong tương ớt tại Nhật. Vì sản phẩm này cũng vi phạm luật nhãn mác thực phẩm (bỏ qua chỉ dẫn của bên nhập khẩu etc),...
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp và Tổ chức Y tế Thế giới
Theo Ủy ban Chuyên gia về các chất phụ gia thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, các chất phụ gia được giao phối, và ADI của benzoic acid (số lượng hấp thụ hằng ngày được cho phép: ước tính không có tác dụng phụ ngay khả khi tiêu dùng hằng ngày cả đời) là 5 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Khi benzoic acid được xác nhận với khối lượng tối đa 0.45g/kg trong kết quả điều tra, 0.56 kg sản phẩm là số lượng một người nặng 50 kg có thể sử dụng hằng ngày trong cả cuộc đời mà không bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Tương tự, nếu bạn nặng 30 kg, bạn có thể tiếp tục ăn 0.33 kg (khoảng 1.3 chai) của sản phẩm.
Cho nên đây không phải số lượng sẽ gây hại cho sức khỏe. Ở Nhật Bản, benzoic acid và sodium benzoate là Caviar (khối lượng tiêu chuẩn: 2.5 g/kg với benzoic acid), margarine (khối lượng tiêu chuẩn: 1.0 g/kg với benzoic acid), đồ uống nhẹ, syrup, soy sauce (khối lượng tiêu chuẩn: benzoic acid Sodium benzoate là chất phụ gia cho thực phẩm được phép dùng trong paste hoa quả (tương) và nước ép hoa quả (khối lượng tiêu chuẩn: 1.0 g/kg với benzoic acid) là một acid trong 0.6 g/kg)
4. Bài viết của ông Seiichi Kuriki, Đài truyền hình NHK World
Chưa dừng lại ở đó, chúng tôi lại tiếp tục tìm kiếm nguồn khác. Chúng tôi may mắn tiếp cận được với ông Seiichi Kuriki, một nhân vật uy tín đang làm việc tại đài truyền hình NHK World. Ông đã đồng ý cho tôi sử dụng bài viết của ông về vấn đề này bên cạnh những luận cứ chúng tôi tìm ra. Xin được trích nguyên văn.
“Cuối tuần trước, chính quyền T.P. Osaka đã phát thông cáo báo chí về việc thu hồi tương ớt của nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam là Chinsu. Lý do việc thu hồi sản phẩm này là vi phạm luật vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, chứa chất bảo quản axit benzoic.
Tin tức đó đang gây sự chú ý của dư luận, báo chí Việt Nam. Nhưng, theo tôi, báo chí Việt Nam vẫn chưa truyền đạt được bản chất của vụ việc vi phạm này. Tôi xin giải thích.
- Vi phạm cái gì?
Ở Nhật Bản, chất phụ gia đối với thực phảm được quản lý và quy định chặt chẽ. Trong điều 10 của luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản, có quy định rằng, trừ khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Sức khỏe và Lao động, không được bán, chế tạo, nhập khẩu, sử dụng, bảo quan và trưng bày chất phụ gia và những thực phẩm chứa chất phụ gia.
Điều này có nghĩa là, ở Nhật Bản, tất cả chất phụ gia dành cho thực phẩm phải được thông qua quyết định của Bộ trưởng. Dựa trên điều này, ở Nhật Bản có danh sách của chất phụ gia dành cho thực phẩm, trong đó ghi rõ, mục đích thêm chất phụ gia, đối tượng sử dụng chất phụ gia và hàm lượng cho phép đối với mỗi một đối tượng khác nhau.
Trong danh sách trên, chất axit benzoic cũng được đăng ký là chất bản quản. Nhưng, chỉ có đối tượng cho phép là trứng cá Cavier (2.5g/kg), macgarin (1.0g/kg), nước ngọt, xi rô, tương Shoyu (0.6g/kg) và chất natrium axit benzoic có thể dùng được cho nước trái cây, hỗn hợp nhão trái cây dành cho các loại bánh kẹo (1.0g/kg khi tính lượng axit benzoic).
Vì thế, không phải là "ở Nhật Bản cấm sử dụng chất axit benzoic vì có thiệt hại cho sức khỏe" mà chỉ là tương ớt không phải là đối tượng cho phép sử dụng chất axit benzoic mà thôi.
Điều 10 luật vệ sinh thực phẩm ghi rõ, những thực phẩm chứa chất phụ gia không có đăng ký không được lưu hành trên thị trường Nhật Bản, nên chính quyền T.P. Osaka ra lệnh thu hồi sản phẩm cho công ty nhập khẩu. Hàm lượng ít nhiều chẳng liên quan tới lệnh thu hồi này.
- Thế thì, thiệt hại đối với sức khỏe con người thế nào?
Trong khi đó, theo xét nghiệm của Thành phố Osaka, khối lượng axit benzoic trong tương ớt là 0.45g/kg, tức là mức không đáng kể. Tỷ lệ ít hơn tiêu chuẩn cho phép đối với nước tương Shoyu ở Nhật Bản.
Để vượt qua tiêu chuẩn của WHO (số lượng có khả năng gây thiệt hại đối với cơ thể con người) thì một người 30 kg phải ăn 1,3 chai tương ớt trong một ngày; một người 50 kg thì số lượng lên tới 2,2 chai/ngay.
- Kết luận
Các bạn Việt Nam không nên phản ứng quá mức mà hãy bình tĩnh. Tương ớt không phải là gia vị chính của người Nhật nên chưa được liệt kê trong danh sách mà thôi. Hàm lượng cũng tương đối ít, nếu quá lo lắng thì các bạn không ăn được sushi với shoyu tại Nhật Bản. (Hết trích)
5. Bài học rút ra
Sau câu chuyện này chúng ta cũng nên tự rút ra kết luận cho chính mình: trước bất kỳ thông tin nào dù là ca ngợi hay phê phán ai đó , điều đầu tiên và tốt nhất bạn nên làm đó là bình tĩnh tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra ý kiến nhất là các ý kiến cho cộng đồng, đừng vội vã ca ngợi hay kết tội ai và đòi tẩy chay ai. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế và xã hội hiện nay, việc bạn đòi chém đòi giết đòi tẩy chay bất kỳ doanh nghiệp Việt nào cũng phải cực kỳ thận trọng bởi đôi khi tình huống khiến bạn giận dữ đó lại được thêu dệt nên từ những người có chủ ý muốn phá hoại nền kinh tế và đạo đức của xã hội của chúng ta.
Thậm chí, nếu không quan tâm đến những điều vĩ mô ấy, bạn cũng nên bình tĩnh tự phản biện về những điều mắt thấy tai nghe đừng để ai đó bị bịt mắt dẫn đi nữa. Có như vậy bản thân mỗi chúng ta mới có thể sống tử tế không hổ thẹn với chính mình.
Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft
Các nước quy định ra sao về phụ gia khiến Chinsu bị thu hồi ở Nhật?
Dù Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Liên Hợp Quốc có quy định chung về hàm lượng axit benzoic trong tương ớt, nhiều nước lại ... |
Bộ Y tế lý giải việc Nhật Bản cấm axit benzoic trong tương ớt
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm cho hay tùy từng nước có thể đưa ra các quy định khác so với Ủy ban Tiêu ... |
Bán nước chấm và tương ớt, Masan thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm
Mỗi năm Masan Consumer đều thu về hàng chục nghìn tỷ doanh thu từ các sản phẩm tiêu dùng của mình, trong đó, hàng gia ... |
Masan nói gì về việc Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu?
Xác nhận lô hàng Chinsu bị thu hồi tại Nhật, Masan cho rằng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng thị trường Việt ... |