Di chứng nặng vì bệnh tay chân miệng

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 49.000 ca bệnh tay chân miệng, 16 trường hợp tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Năm nay, ghi nhận nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng, biến chứng nguy hiểm. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng có thể tử vong và năm nay gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng virus này. Tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam thời gian vừa qua thiếu trầm trọng thuốc nặng khiến cho công tác cấp cứu và điều trị gặp rất nhiều khó khăn. 

4.jpg -0
Bé 10 tháng tuổi bị biến chứng nặng do bệnh tay chân miệng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Biến chứng suy hô hấp, viêm não

 Cháu P.M.N (10 tháng tuổi, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) bị sốt cao, mệt mỏi, được điều trị tại nhà, sau đó người nổi nốt như phỏng dạ. Khi đưa tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cháu đã xuất hiện tình trạng viêm phổi có suy hô hấp, kèm theo biểu hiện bệnh tay chân miệng không điển hình. Sau 1 ngày điều trị, cháu bé xuất hiện các dấu hiệu chuyển độ nặng như mạch nhanh, sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, suy hô hấp tiến triển, huyết áp tăng.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Nhi đã đặt ống nội khí quản thở máy cho cháu bé và điều trị theo phác đồ bệnh tay chân miệng nặng (mức độ 3). Sau 5 ngày điều trị, sức khoẻ cháu được cải thiện và ngày thứ 6 rút ống nội khí quản.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh tay chân miệng nặng, có biến chứng viêm não do đến viện muộn. Nghĩ cháu sốt thông thường như mọi khi mọc răng, gia đình cháu P.H.K (2 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) chỉ để cháu ở nhà và tự mua thuốc hạ sốt về uống. Nhưng sau 2 ngày cháu vẫn sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, trên người có vài lấm tấm đỏ, gia đình đưa đi khám. Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé trong tình trạng sốt cao và được tiên lượng nặng, biến chứng viêm não.

Theo TS.BS Đào Hữu Nam - Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, những cháu bé sốt cao, nặng như những trường hợp này thường tiến triển thành độ 3 và độ 4 – đây là mức độ nặng và rất nặng của bệnh tay chân miệng – sẽ dẫn đến hôn mê, thậm chí tổn thương cơ tim, sốc và tử vong.

Theo bác sĩ, nhiều trẻ đến viện muộn đã có biến chứng viêm não do trước đó sốt cao đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, nhưng gia đình tự điều trị tại nhà. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có tới gần 30% số bệnh nhi nhập viện nặng có dương tính với chủng EV71.

Cần cung ứng đủ thuốc cho điều trị

Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng ghi nhận gia tăng, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và rất nặng, gây tử vong. Tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 2 ca tử vong do tay chân miệng kể từ đầu năm tới nay. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Thuận, mặc dù chưa đến chu kỳ đỉnh dịch, nhưng bệnh tay chân miệng năm nay có dấu hiệu tăng cao trong các tháng gần đây. Trường hợp tử vong mới đây nhất là 9 tháng tuổi, cháu bé sốt cao và gia đình tự cho uống thuốc, đưa đến phòng khám tư. Hai ngày sau cháu bé khó thở, thở nhanh, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi để xử lý cấp cứu. Một ngày sau bệnh nhi tử vong.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, TP có hơn 15.753 ca mắc tay chân miệng. Một trong những khó khăn mà các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh phải đối mặt đó là thời gian dài vừa qua thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng, trong khi mỗi ngày TP có hàng trăm ca mắc mới và có nhiều ca nặng, nguy kịch từ các địa phương khác chuyển đến. Theo Sở Y tế TP, tình hình thiếu thuốc Phenobarbital điều trị tay chân miệng do nguồn cung ứng trong nước bị hạn chế và gián đoạn một thời gian dài từ cuối năm 2020.

Trước tình hình đó, hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã họp và thống nhất lựa chọn các thuốc an thần khác tạm thay thế trong khi chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác. Sau nhiều ngày chờ đợi, đến nay mới có 1.000 lọ Gamma Globulin và 21.000 ống thuốc Phenobarbital dạng tiêm điều trị tay chân miệng nặng về Việt Nam để cung cấp cho các bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, gặp nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm dưới 3 tuổi. Bệnh biểu hiện nhiều mức độ, việc chẩn đoán sớm, theo dõi là rất cần thiết vì những biến chứng nặng nề gây nên. Theo BS Hoàng Văn Kết – Trường khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, với các căn bệnh nhiễm virus cấp tính này, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vậy mà các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tới các dấu hiệu của bệnh.

Bác sĩ đưa ra khuyến cáo cho các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, mông, gối… cần đi khám để xác định bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ có thể chuyển độ bất cứ lúc nào, ngay cả khi đã được khám, có chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng độ nhẹ, được kê đơn điều trị ngoại trú, cha mẹ cũng cần theo dõi sát.

Khi có bất kì dấu hiệu chuyển độ nào như: Sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, nôn nhiều, giật mình nhiều, run, yếu tay chân… hay các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế tái khám để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến các di chứng thần kinh, tim mạch vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

 https://cand.com.vn/y-te/di-chung-nang-vi-benh-tay-chan-mieng-i703420/

Trần Hằng (thực hiện) / CAND