Từ 1.1.2018, người tham gia giao thông nếu đi bộ sai luật, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị tù đến 15 năm. Nghe có vẻ như vô lý, nhưng rất đúng, rất cần thiết để xây dựng một xã hội có nền văn minh giao thông chất lượng cao.
Bảo vệ mạng sống con người luôn là việc cần thiết nhất.
Thường người đi xe máy, ôtô mới quan tâm đến pháp luật giao thông, còn người đi xe đạp, và đặc biệt là đi bộ, gần như không quan tâm đến luật. Tưởng như ai cũng nghĩ rằng, người đi bộ thì chỉ có bị tông, còn họ chẳng thể tông ai, không hề đe dọa ai. Nhưng người đi bộ quên rằng, nếu như đi không đúng quy định, họ có thể là mối đe dọa rất nghiêm trọng, có thể vì cái sai của họ mà xảy ra một vụ tai nạn chết người.
Tai nạn cho chính họ hoặc gián tiếp gây ra tai nạn cho người khác.
Từng xảy ra nhiều trường hợp, người đi bộ băng ngang qua đường đột ngột, người lái ôtô hoặc xe máy xử lý đột ngột, lạc tay lái gây ra tai nạn giao thông. Không thiếu những trường hợp leo trèo qua con lươn, bất ngờ nhảy xuống xa lộ, ôtô vì tránh người đi bộ băng ngang, gây ra tai nạn cho người khác.
Trong nội ô, như TPHCM, có nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ, nhưng không ai đi, cứ băng ngang đường, các phương tiện khác do tránh người đi bộ nên giao thông hỗn loạn, vừa không văn minh, vừa nguy hiểm. Nhiều người không có thói quen sang đường theo vạch quy định, cứ tiện đâu đi đó, đi bộ như vậy tất nhiên phải xử phạt.
Nhưng để khi áp dụng luật vào cuộc sống phù hợp với thực tế thì chính quyền phải quy hoạch, tổ chức giao thông thật tốt. Rất nhiều đường phố ở các đô thị Việt Nam không có lề hoặc lề đường bị lấn chiếm, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, vậy thì phạt ai, phạt người đi bộ hay phạt chính quyền?
Ở nhiều ngã ba, ngã tư, phải bố trí đèn giao thông hợp lý, thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông và đủ thời gian cho người đi bộ sang đường, cần rà soát và điều chỉnh thật khoa học.
Về nguyên tắc, người dân không có quyền nói vì không biết luật nên vi phạm, nhưng để dân biết luật thì phải tuyên truyền thật sâu rộng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật là nâng cao dân trí và hạn chế vi phạm. Đến nay, quy định đã sát ngày áp dụng, nhưng nhiều người chưa được biết.
Một vấn đề quan trọng, đó là đã ban hành luật thì phải xử theo luật. Có nhiều quy định đưa ra nhưng không xử một trường hợp nào, dân vì thế mà nhờn luật.
Coi chừng quy định xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông rơi vào tình trạng ban hành nhưng không đi vào thực tế cuộc sống.
Từ 1-1-2018: Bãi bỏ 11 tội, 10 tội có mức phạt nộp tiền Theo BLHS 2015 từ 1-1-2018, 11 tội danh như tội tảo hôn, đăng ký kết hôn trái luật, kinh doanh trái phép... sẽ bị bãi ... |
Từ 1.1.2018 áp dụng chữ ký số qua Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển Tổng cục Hải quan vừa đưa ra thông báo áp dụng chữ ký số qua Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển từ ... |