Hàng xóm ở quê nhà Hạ Long xì xào khi Đen Vâu thi thoảng lại biến mất vài ngày, lúc trở về thì người đen đúa, hốc hác.
- Liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát của anh diễn ra tối 9/11. Theo đuổi nhạc rap nhiều năm, anh được gì?
- Tôi đang hạnh phúc vì sống khỏe nhờ rap, kiếm được nhiều tiền từ đam mê. 10 năm trước, tôi phải ngửa tay nhờ bố mẹ chu cấp thì giờ, tôi đã dành dụm, gửi về rất nhiều tiền cho gia đình ở Hạ Long. Dù so với nhiều nghệ sĩ cùng trang lứa, tôi chưa là gì, vẫn ở nhà thuê nhưng tôi tự hào với những gì gặt hái được và dùng tiền đầu tư cho âm nhạc.
Đen Vâu đang tận hưởng thành công ở tuổi 30. Ảnh: Nhật Duy.
Đôi khi, tôi tiếc vì mình đã không đi hát sớm hơn. Lúc 20 đến 25 tuổi - thời gian đẹp nhất đời người, tôi lại ù lì. Khi đó, tôi loay hoay, mất định hướng, chỉ nhốt mình trong phòng, âm nhạc vì thế cũng u ám, nhuốm màu tiêu cực. 26 tuổi, tôi mới nhận những đồng cát-xê đầu tiên. Bây giờ tư duy âm nhạc, ca từ của tôi vẫn như thế, có điều tinh thần thoải mái hơn. Ngày trước, tôi hay hát về những điều u tối. Giờ, bài nhạc của tôi nghe "chill" hơn, thư giãn hơn, hướng mọi người đến sự lạc quan, yêu đời.
- Anh dùng âm nhạc để trải lòng mình như thế nào?
- Với tôi, mỗi bài hát là một cách tôi lưu giữ ký ức. Nghe Cây bàng, tôi nhớ lần đầu tiên mình đặt chân lên sân khấu chuyên nghiệp. Bài Trả lại cho em là một sáng tác sau lần tôi bị từ chối trong tình yêu. Với bài Lộn xộn 1, tôi kể lại một giai đoạn hỗn loạn của bản thân vì vừa bỏ nghề công nhân, chuyển hướng đi hát khi vẫn đau đáu về tương lai. Thỉnh thoảng, tôi viết nhạc dựa trên câu chuyện của bạn bè, người thân.
- Nhiều lần anh tránh kể về công việc cũ - một nhân viên thu gom rác ở quê nhà, vì sao vậy?
- Ở Hạ Long, tôi từng làm nhân viên thu gom rác thải trên biển suốt bảy năm, từ lúc mới học xong cấp ba đến khi bắt đầu đi hát. Nhiều người khi nghe tôi nhắc tới nghề cũ đều thấy thiệt thòi cho tôi. Tuy nhiên, tôi không muốn mọi người nghĩ về quá khứ của mình thiếu tích cực. Tôi rất sợ ai đó sẽ cho rằng tôi kể lể về nghề nhặt rác để gợi lòng thương hại. Ngược lại, tôi phải cảm ơn những ngày tháng đó đã tiếp thêm động lực để tôi phấn đấu hơn trên con đường âm nhạc. Nghề cũ cũng cho tôi nhiều vốn sống để ca từ dày dạn thêm. Tôi chưa bao giờ chối bỏ quá khứ của mình.
- Từ khi nào, anh cảm nhận mình nổi tiếng?
- Có lẽ từ lúc người quen ở quê biết tôi thực ra là một rapper chứ không phải một kẻ lông bông, vô công rồi nghề. Ở Hạ Long, nhà tôi nằm cách biệt thành phố, khuất trong núi, đường sá lầy lội, lợn gà chạy đầy. Hồi tôi chưa nổi tiếng, hàng xóm hay sang nhà tôi "méc" bố mẹ, đại loại: "Sao tao thấy thằng Cường nhà mày cứ đi đâu một thời gian rồi về nhà, người đen đúa, hốc hác. Đêm thức, ngày ngủ đến trưa mới dậy, nghề nghiệp thì chẳng biết làm gì". Gần đây, khi tôi trở về, những đứa trẻ trong xóm bắt đầu la lên: "A chú Đen, chú Đen về rồi". Người quen cũng kể với gia đình về những lần thấy tôi trên tivi. Điều quan trọng nhất, tôi thấy bố mẹ vui hơn hẳn.
Hai, ba năm trước, tôi không nghĩ sẽ có ngày mình được ống kính vây quanh. Với tôi, mọi thứ diễn ra cứ từ từ. Khi đi hát, tôi không đặt mục tiêu danh vọng, chỉ làm để thỏa mãn đam mê.
- Ca từ của anh không ít lần gây tranh cãi, anh nói sao?
- Năm 2018, bài Anh đếch cần gì nhiều ngoài em tôi hát chung với Vũ, Thành Đồng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Một bộ phận khán giả tranh cãi vì từ "đếch", cho rằng tôi dùng từ dung tục trong bài hát. Thực ra, tôi thấy ca từ tôi viết ra không bậy bạ gì, chỉ là lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Trước bài này, với ca khúc Đưa nhau đi trốn và nhiều bài khác, tôi cũng bị nhiều người quy là cổ vũ lối sống thiếu trách nhiệm. Lúc đó, tôi suy sụp lắm. Tôi chỉ nói thay tiếng lòng của nhiều bạn trẻ là dân văn phòng - những người "giữa thành phố sống chồng lên nhau" (lời ca khúc Bài này chill phết). Khi tôi viết câu "cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau", tôi chỉ muốn trấn an người nghe rằng: luôn có một lối thoát cho mình. Tôi không hô hào, kêu gọi khán giả thấy cuộc sống khó khăn quá thì hãy buông xuôi. Có thể một phần do lỗi của tôi khiến họ hiểu sai, vì ca từ chưa đủ sức nặng để khán giả tiếp cận thông điệp mình muốn truyền tải.
- Các MV của anh thường được dàn dựng đơn giản, ít tốn kém. Sao anh không đầu tư hơn?
- Tôi nghĩ sự chuyên nghiệp của một nghệ sĩ nằm ở tinh thần, không phải hình thức. Đây là thời đại của "idea" (ý tưởng). Một MV được nghe nhiều chắc chắn không chỉ vì nó được dàn dựng tốt, kỹ xảo đẹp, kinh phí cao.
Như trong MV Hai triệu năm, tôi chỉ quay từ đầu đến cuối cảnh ngâm mình trong nước, bài hát vẫn dẫn đầu top trending (thịnh hành) của Youtube. Tôi không cố tình làm hời hợt để ra "chất" Đen Vâu, mà ý tưởng trong đầu tự nhiên hình thành như vậy. Tôi đọc được một bình luận dưới MV đó: "Nghệ sĩ nổi tiếng mà làm MV kiểu này thì không tôn trọng khán giả". Tôi sững sờ, nghĩ: "Trời ơi, họ đánh giá dựa vào chất gỗ hay nước sơn vậy?". Bài đó viết về tình yêu, con người từ lúc thể đơn bào xuất hiện đến lúc có thuyết tiến hóa của Darwin. Tôi mất khoảng ba tháng để nghĩ ra ý tưởng đó. Với nhạc rap, tôi luôn hy vọng khán giả sẽ tập trung vào lời hát hơn, MV chỉ bổ trợ.
- Trước liveshow, anh lo sợ điều gì?
- Tôi sợ nhất là mất giọng. Một tuần nay, ngày nào tôi cũng rap hết sức để xem khả năng mình hát liên tục được bao nhiêu bài. Nhìn các đồng nghiệp xung quanh như Vũ, Ngọt, tôi khâm phục, tự hỏi vì sao họ có thể hát mười mấy, 20 bài trong vài giờ. Tôi tìm cách kiềm chế mình, ít gào khi hát, tránh "cháy" quá mức từ đầu chương trình để rồi "sập nguồn" sau đó. Việc nhớ lời cũng là một thử thách với tôi. Trước đây, tôi chỉ hát cùng lắm hai, ba bài một show. Tôi vừa nhờ trợ lý in lại toàn bộ lời bài hát mình sẽ biểu diễn để xem dài tới đâu.
Tôi dùng tiền túi làm show, tích góp từ thù lao đi hát bấy lâu. Dù bán hết vé, show cũng sẽ lỗ, nên tôi chỉ tính toán sao cho việc lỗ chấp nhận được. Tôi không kỳ vọng liveshow này sẽ giúp bản thân thăng hạng, cát-xê tăng, mà chỉ một cột mốc đánh dấu chặng đường âm nhạc. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã làm tới liveshow thứ tư, thứ năm. Tôi mới rục rịch làm chương trình đầu tiên.
Rapper Đen tên thật là Nguyễn Đức Cường, sinh năm 1989 ở Hạ Long. Anh từng sáng tác các bài: Đưa nhau đi trốn, Đi theo bóng mặt trời, Trời ơi con chưa muốn chết, Cô gái bàn bên, Ta và nàng... Tại chương trình Bài hát Việt năm 2011, Đen đoạt giải "Bài hát được khán giả yêu thích nhất" với ca khúc Cây bàng. Nhiều ca khúc của anh dẫn đầu top thịnh hành của Youtube: Anh đếch cần gì nhiều ngoài em, Bài này chill phết, Hai triệu năm, Lối nhỏ...