Đề xuất tăng gấp 3 lần tiền phạt với người trốn thuế

Bộ Tài chính đang trình lấy ý kiến dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn. Dự kiến tăng phạt gấp 3 số tiền trốn thuế của người vi phạm.

\\"\\"
Bộ Tài chính đề xuất tăng phạt gấp 3 số tiền trốn thuế của người vi phạm. Ảnh TL.

 

Theo quy định hiện hành (Nghị định số 129/2013), mức phạt tiền thấp nhất đối với vi phạm thủ tục thuế là 400.000 đồng, cao nhất là 10 triệu đồng. Trong khi đó, mức phạt tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đối với vi phạm thủ tục thuế tối đa 100 triệu đồng cho cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Theo Bộ Tài chính, mức phạt của nghị định 129 thấp hơn nhiều so với mức tiền phạt tối đa quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, tại dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt vi phạm thủ tục thuế tối thiểu lên 500.000 đồng và mức cao nhất là 25 triệu đồng.

Cụ thể, vi phạm về đăng ký thuế xử phạt từ 1 - 10 triệu đồng; khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế (không thiếu thuế) phạt từ 1 - 3 triệu đồng; khai sai khống dẫn đến thiếu thuế hoặc hành vi thuộc trốn thuế nhưng chưa gây hậu quả bị xử phạt từ 5 - 8 triệu đồng; phạt 8 - 12 triệu đồng đối với hành vi khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký thuế...

Đặc biệt, đối với hành vi trốn nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính đề xuất phạt bằng từ 1 đến 3 lần số tiền thuế mà cá nhân, doanh nghiệp trốn nghĩa vụ.

Ngoài ra, cơ quan này còn đề xuất đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử từ 1 tháng đến 3 tháng. Đình chỉ tự in, đặt in hóa đơn từ 1 tháng đến 3 tháng và đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng.

Đáng chú ý trong xử phạt hành vi sai phạm liên quan đến thời hạn nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất phạt từ 2 đến 5 triệu đồng nếu nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 đến 30 ngày. Phạt từ 5 đến 8 triệu đồng nếu quá 30 đến 60 ngày, 8 đến 15 triệu đồng nếu quá từ 60 ngày trở lên. Phạt đến 25 triệu đồng nếu nộp hồ sơ khai thuế muộn 90 ngày trở lên.

Bên cạnh đó, người bán hàng không lập hoá đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo…

Theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân khiến số vụ vi phạm thuế tăng là do mức phạt tiền thấp, chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với nghĩa vụ đăng ký thuế và khai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế. Trong khi số vụ vi phạm về hóa đơn lại ít hơn do mức phạt cao.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến 2018 số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng từ 34.837 vụ lên 192.174 vụ, tăng 5,5 lần; số vụ vi phạm về hóa đơn tăng từ 10.557 vụ lên 45.513 vụ, tăng 4,3 lần.

Do đó cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế, giảm thiểu các trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế trên 90 ngày với số tiền thuế trên 100 triệu đồng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

 
NGUYÊN ANH
\\"\\" Vợ Shark Tam cùng người lao động của Asanzo rút hơn 500 tỷ tiền trốn thuế như thế nào?

Asanzo nhờ một số người đứng tên để nhập linh kiện, trốn thuế. Sau đó, tiền được chuyển ngược lại. Bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ...

\\"\\" Tiền phạt vi phạm thuế của Asanzo còn gần 48 tỉ đồng

Số tiền Asanzo bị xử phạt sau khi hồ sơ vi phạm về thuế của công ty này được chuyển cho cơ quan điều tra ...

\\"\\" Tổng cục Hải quan: Ngoài trốn thuế, Asanzo còn có dấu hiệu vi phạm về nhãn hiệu

Ông Nguyễn Văn Ba, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết, ngoài trốn thuế, Asanzo còn có dấu hiệu ...

/ laodong.vn