Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng sẽ được cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại được chỉ định để cho vay phát triển nhà ở xã hội.
65.000 tỷ đồng sẽ phân bổ ra sao?
Đây là đề xuất của Bộ Xây dựng trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong gói tín dụng 65.000 tỷ đồng nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất gói 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Trong đó, cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; Cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.
Cùng với đó là gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.
Các NHTM sẽ có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm trong 05-15 năm.
Nhu cầu đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đang rất lớn |
Nhu cầu vốn đầu tư nhà ở xã hội đang rất lớn
Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, đặc biệt là từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động, dẫn tới nhiều khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm của người lao động.
Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (mới đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020); đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2.
Trong đó: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn, với tổng diện tích 2,7 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6,7 triệu m2.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, thì nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, lên tới khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng (dự án nhà ở cho người thu nhập thấp là 178 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng; Dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 100 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, nguồn vốn cho nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Về việc phân bổ nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020, theo đề xuất của NHNN thì vốn hỗ trợ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội dự kiến cấp cho NHCSXH là 9.000 tỷ đồng; vốn cấp cho cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định là 9.977,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn, NHNN đã điều chỉnh lại kế hoạch vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định xuống chỉ còn 248,63 tỷ đồng.
Theo báo cáo đến nay, NHCSXH mới được phân bổ 2.163 tỷ đồng, trong khi 4 ngân hàng thương mại được chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội.
Như vậy, so với kế hoạch vốn phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020, ngân sách cấp cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu tổng số là 7.085,63 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.
Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng vừa đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nhằm phát triển nhà ở xã hội và nhà ở dành cho công ... |