Nhiều giáo viên ủng hộ đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện của thầy giáo Bùi Nam.
Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyệncủa thầy giáo Bùi Nam đang gây xôn xao dư luận. Thầy Nam cho rằng, các hiệu trưởng đã đủ chức năng, quyền hạn và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình và của giáo viên nên phòng giáo dục không còn phù hợp.
Trả lời VTC News, nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất này.
Thạc sỹ văn học Nguyễn Thị Loan (giáo viên trường THCS Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) cho rằng, đề xuất của thầy giáo Bùi Nam rất sáng suốt.
“Tôi ủng hộ đề xuất của thầy Bùi Nam. Theo tôi, trong sở giáo dục đã có các phòng giáo dục của các bậc học. Hơn nữa, bộ phận chuyên môn ở các phòng giáo dục thường lấy giáo viên các trường đi làm cộng tác viên mỗi khi có kiểm tra. Vì vậy, tôi nghĩ nên giải tán các phòng giáo dục”, cô Loan nói.
Theo cô Loan, cán bộ phòng giáo dục các quận, huyện không giải quyết được vấn đề gì cho phát triển giáo dục.
"Phòng giáo dục như đứa con nuôi của sở giáo dục. Nhiều phòng giáo dục không có kế hoạch phát triển giáo dục mà chỉ làm giúp việc cho sở", cô Loan bày tỏ quan điểm.
Cô Nguyễn Thị Loan cho rằng, đề xuất giải tán phòng giáo dục huyện, quận là sáng suốt.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Loan cũng chỉ ra những lý do nên giải tán phòng giáo dục. Một năm, phòng giáo dục có hai lần ra đề kiểm tra học kỳ thì lại lấy từ giáo viên các trường. Tất cả kế hoạch hoạt động của phòng giáo dục đều do giáo viên các trường làm và nộp lên phòng.
Giáo dục mà qua nhiều cấp chỉ đạo sẽ rất nguy hại cho học sinh. Thạc sĩ Nguyễn Thị Loan |
“Chính phủ và bộ, ngành bỏ phòng giáo dục quận, huyện là sáng suốt để sự nghiệp giáo dục đi về một mối. Vì giáo dục mà qua nhiều cấp chỉ đạo sẽ rất nguy hại cho học sinh”, cô Loan khẳng định.
Cũng đồng ý với đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện nhưng thầy Trần Anh Sơn (giáo viên dạy Hóa, trường THPT Nghèn, Hà Tĩnh) cho rằng, bỏ phòng giáo dục nhưng không được tăng nhân sự ở sở giáo dục.
Thầy Sơn ủng hộ việc tập trung các trường trong một khu vực, giao cho một hiệu trưởng quản lý nhưng phải có cơ chế dân chủ, tránh trường hợp nắm toàn bộ quyền hành và tự ý quyết định mọi việc.
“Tôi nhất trí với đề xuất bỏ phòng giáo dục nhưng không đồng ý xóa các trung tâm giáo dục thường xuyên vì còn liên quan tới giáo dục cộng đồng, dạy nghề”, thầy Sơn bày tỏ quan điểm.
Trước đó, báo chí đã đăng tải bài viết nêu đề xuất bỏ phòng giáo dục quận, huyện của thầy giáo Bùi Nam. Thầy Nam cho rằng, chức năng phòng giáo dục là quản lý tại các trường từ mầm non đến trung học cơ sở.
Đầu năm khi thực hiện dự toán ngân sách, nhà nước đã giao ngân sách chuyển vào tài khoản của trường tại Kho bạc cấp huyện và giao cho hiệu trưởng các trường là chủ tài khoản.
Việc các phòng giáo dục xen vào quá nhiều việc của các trường trong việc tài chính, chuyên môn,… khiến cho công việc chậm chạp, chồng chéo, bất cập như bảng lương giáo viên, phụ cấp, hay các quyết định nâng lương, nâng lương trước niên hạn, duyệt tăng giờ, tăng buổi…
Những việc này chỉ cần hiệu trưởng ký duyệt chuyển cho kho bạc chuyển tiền.
Các hiệu trưởng đã đủ chức năng, quyền hạn, và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình và của giáo viên nên phòng giáo dục không còn phù hợp, phải giải thể để thực hiện tinh giản biên chế.
Tăng quyền và sự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng các trường, lúc đó từng hiệu trưởng phải luôn luôn phấn đấu, luôn cố gắng để không bị sai sót, nếu sai sót phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Số lượng cán bộ phòng giáo dục hiện nay trung bình khoảng trên dưới 10 người, chưa tính lực lượng giáo viên biệt phái ở các trường về công tác tại phòng giáo dục gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng, tổ chức, kiểm tra, chuyên môn, kế toán…
Cả nước có 659 đơn vị hành chính cấp huyện. Vì vậy, sau khi giải tán phòng giáo dục có thể bố trí các cán bộ trên về các trường khác.
Nếu những cán bộ này không đáp ứng có thể cho tinh giản biên chế. Điều này sẽ góp một phần lớn vào việc tinh giản biên chế sự nghiệp công lập nhất là sự nghiệp giáo dục trong cả nước.
Giải tán phòng Giáo dục: Quan điểm trái chiều từ các nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Phạm Minh Hạc cho rằng ông không đồng tình với đề xuất trên bởi quản lý ... |
Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện: ‘Tùy tiện, không có cơ sở khoa học’ TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện của ... |