Đề xuất tổng mức đầu tư cho toàn dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu gần 26.000 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 6.827 tỷ đồng, xây lắp phần cao tốc 16.787 tỷ đồng.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ 51. Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Chiều 3/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu họp các cơ quan chức năng và Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) báo cáo tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và dự án cầu Phước An kết nối 2 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu-Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu các sở, ban, ngành nghiên cứu làm báo cáo tiền khả thi dự án. Theo đó, nghiên cứu phương án đầu tư, kết nối giao thông đoạn qua tỉnh Đồng Nai sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sớm báo cáo tiến độ hai dự án đường liên cảng 991B và cầu Phước An trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí vốn thực hiện dự án.
Đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (ký hiệu toàn tuyến là CT 13) là cao tốc thuộc khu vực miền Đông Nam bộ.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có chiều dài toàn tuyến khoảng 77,8km, chia làm 2 thành phần: dự án thành phần 1 từ thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với chiều dài tuyến 46,8km, điểm đầu giao với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km về phía Bắc và điểm cuối kết nối nhánh đường vào cảng Cái Mép-Thị Vải.
Dự án thành phần 2 từ thị xã Phú Mỹ đến thành phố Vũng Tàu có chiều dài khoảng 31km. Điểm cuối là nút giao thông Ẹo Ông Từ thuộc phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đường cao tốc này chạy song song với Quốc Lộ 51, có cắt với 2 cao tốc khác là Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và cao tốc Bến Lức-Long Thành. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ là đường kết nối nhanh nhất từ Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ 51.
Khi các tuyến giao thông huyết mạch thông suốt không chỉ giúp tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, tạo sự kết nối vùng Vũng Tàu-Đồng Nai với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ, góp phần xóa bỏ tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 51.
Đồng thời, tạo động lực để các nhà đầu tư đổ vốn xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng và khu công nghiệp; định hình dần trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực Đông Nam Á cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Từ đó, đưa kinh tế, dịch vụ của tỉnh Vũng Tàu-Đồng Nai tăng tốc mạnh mẽ trong nhiều năm tiếp theo.
Vừa qua, ngày 7/2, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 198/TTg-CN đồng ý giao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Theo báo cáo đầu tư của TEDI, đề xuất tổng mức đầu tư cho toàn dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu gần 26.000 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 6.827 tỷ đồng, xây lắp phần cao tốc 16.787 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và xây lắp tuyến nối, đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2.129 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nghe Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn-Hầm trình bày phương án khả thi cầu Phước An kết nổi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai. Theo đó, trong năm 2020 nguồn vốn Trung ương bố trí 250 tỷ đồng cho 2 dự án đường liên cảng 991B và cầu Phước An./.
Lý do \'rót\' tiền làm cao tốc Bắc-Nam mà không mở rộng Quốc lộ 1
Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận ... |
Ba dự án giao thông trọng điểm năm 2020
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam đang hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công. |