Cần bổ sung quy định cho phép UBND xã kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, chợ đầu mối, bởi đây là những nơi thường có hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nội dung này được đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) nêu khi góp ý dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi trong khuôn khổ Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng nay (17/5).
Đại biểu Tú Anh băn khoăn việc bỏ thanh tra cấp Bộ tạo khoảng trống trong kiểm soát chất lượng hàng hóa sản xuất, nhập khẩu, lưu thông ở nhóm sản phẩm liên ngành như thực phẩm chức năng, đồ dùng trẻ em. Vì thế, bà đề nghị bổ sung quy định xác lập Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chủ trì, thống nhất hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa toàn quốc, kết nối dữ liệu kiểm tra giữa các bộ, ngành.
Ngoài ra, cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và cơ quan quản lý thị trường sau khi bỏ thanh tra chuyên ngành tại bộ.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại hội trường sáng nay. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu tỉnh Lâm Đồng đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của địa phương: "Dự thảo chỉ mới quy định trách nhiệm kiểm tra thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, không đề cập đến cấp xã, phường và cập nhật mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Thực tế, hàng giả, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo... trôi nổi tại các chợ đầu mối nông thôn là hiện tượng rất phổ biến. Tuy nhiên, lực lượng kiểm tra cấp tỉnh không thể kiểm soát kịp thời, cấp xã, phường phát hiện nhưng không thể xử lý vì không đủ thẩm quyền".
Do vậy, theo bà Tú Anh, dự luật cần bổ sung quy định cho phép UBND cấp xã chủ động tổ chức kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường; nghiên cứu cho phép UBND xã, phường thực hiện một số chức năng cơ bản như lập biên bản, cảnh báo, thậm chí xử phạt hàng hóa vi phạm chất lượng...
Đại biểu này cũng kiến nghị nâng khung xử phạt hành vi sản xuất, phân phối hàng giả, kém chất lượng, "bổ sung quy định về tái phạm hành chính nhiều lần để tăng mức phạt đình chỉ hoạt động, mở rộng trách nhiệm liên đới đến đơn vị vận chuyển có dấu hiệu tiếp tay".
Băn khoăn về việc khó kiểm soát, kiểm tra hết các hàng trôi nổi trên thị trường, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) chỉ ra sự bất cập khi số lượng sản phẩm, hàng hóa được công bố hoặc tự công bố ngày càng tăng, trong khi đội ngũ hậu kiểm còn mỏng, phương tiện kỹ thuật hạn chế.
Theo bà Nhị Hà, cần tập trung hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm với nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm rủi ro cao hoặc các tổ chức, cá nhân từng bị xử lý vi phạm nhiều lần.
Dự thảo luật quy định chỉ cho phép kiểm tra khi đã có dấu hiệu sai phạm hoặc có phản ánh, cảnh báo từ cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế hoặc người tiêu dùng. Theo bà Hà, quy định trên mang tính thụ động. Đại biểu này đề nghị chuyển từ cơ chế kiểm tra thụ động sang chủ động, có kế hoạch, dựa trên phân tích dữ liệu và phản ánh từ nhiều nguồn, chứ không chỉ chờ đến khi có vi phạm mới xử lý.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng cần bổ sung quy định công khai kết quả hậu kiểm và áp dụng cơ chế thu hồi bắt buộc, triệt để toàn bộ lô sản phẩm có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt với sản phẩm rủi ro cao.
https://vtcnews.vn/de-xuat-cap-xa-duoc-kiem-tra-xu-phat-hang-gia-hang-nhai-ar943679.html