Trong dự thảo trình Chính phủ xem xét thông qua, Bộ Công Thương đã nêu ra một số sửa đổi liên quan đến hoạt động quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong dự thảo lần 2, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương nêu: Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít,kg với các loại xăng dầu và được xác định là một yếu tố cấu thành giá định hướng, giá bán của thương nhân đầu mối. Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ công bố giá.
Bộ Công Thương đề xuất sẽ dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu khi các yếu tố cấu thành giá định hướng xăng, dầu kỳ công bố tăng trên 7% so với giá định hướng công bố kỳ trước liền kề.
Ngoài ra, trường hợp tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở mức lớn hơn hoặc bằng 7.000 tỷ đồng, Bộ Công Thương cũng xem xét dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công Thương đề xuất điều kiện để dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu trong dự thảo mới. (Ảnh minh họa)
Về chi dùng quỹ bình ổn, dự thảo quy định giá xăng dầu được chi sử dụng khi giá định hướng kỳ điều hành cao hơn giá định hướng kỳ trước. Không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá kỳ tăng dưới 7% so với kỳ trước liền kề.
Trường hợp các yếu tố cấu thành giá xăng dầu kỳ công bố tăng 7% so với giá cơ sở công bố kỳ trước liền kề, được chi quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng không vượt quá tỷ lệ % tăng giá định hướng so với kỳ công bố giá trước liền kề.
Số tiền trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá trong kỳ phải được đối trừ và nộp kịp thời vào tài khoản quỹ bình ổn giá tại ngân hàng. Số dư tài khoản tiền gửi quỹ bình ổn giá được tính lãi suất theo mức lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi thanh toán của ngân hàng. Phần lãi phát sinh trên tài khoản số dư quỹ bình ổn giá dương được hạch toán vào quỹ bình ổn giá.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương nhưng nếu tại thời điểm đó số dư của tài khoản tiền gửi quỹ bình ổn giá không còn (số dư tài khoản tiền gửi quỹ bình ổn giá tại ngân hàng bằng 0), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được vay vốn hoặc sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt quỹ bình ổn giá. Lãi suất sẽ được tính theo mức lãi suất thỏa thuận thấp nhất tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay vốn.
Trường hợp sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt quỹ bình ổn giá, sẽ được tính lãi suất tối đa bằng mức lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi thanh toán thấp nhất của một trong các ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản tiền gửi quỹ bình ổn giá.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm công bố công khai về tình hình trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư quỹ bình ổn giá; đồng thời báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Trường hợp vi phạm, căn cứ mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, sẽ do Bộ Tài chính đảm nhiệm.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá, hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư quỹ bình ổn giá.
https://vtc.vn/de-xuat-2-truong-hop-dung-trich-lap-quy-binh-on-gia-xang-dau-ar761252.html