Hơn 200m đê tả sông Chu đang bị rạn nứt, sụt lún, khiến chính quyền và người dân vô cùng lo lắng trước thềm cơn bão số 11 đang đổ bộ vào đất liền.
Từ ngày 9.10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau đó là đợt mưa lũ kéo dài, nước trên sông Chu dâng cao ở mức vượt báo động 3, khiến một đoạn đê tả con sông này xuất hiện vết nứt và sạt trượt rất nghiêm trọng. Vết nứt, sạt trượt bờ đê tả sông Chu xuất hiện tại khu vực từ km17 đến km17+250, đoạn qua xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, kéo dài hơn 200m.
Vết nứt, sạt trượt mái đê tả sông Chu, đoạn qua xã Thọ Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: HĐ
Khi nhận được thông tin bờ đê bị sạt trượt, gây nứt thân đê, hàng nghin người dân ở khu vực này đã vô cùng lo lắng. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã trực tiếp thị sát và kiểm tra thực trạng của sự cố trên để chỉ đạo và điều hành việc khắc phục.
Theo ghi của phóng viên Dân Việt tại hiện trường hôm nay (14.10), vết nứt, sạt trượt xuất hiện dọc theo mái đê rộng khoảng 15cm, sâu khoảng 1,5m và kéo dài hơn 250m.
Một người dân địa phương cho biết: “Từ khi phát hiện vết nứt, sạt trượt mái đê, chúng tôi rất lo lắng. Bởi lẽ, đoạn đê này cũng từng vỡ rồi. Bây giờ, xuất hiện vết nứt to, sâu và kéo dài như vậy là vô cùng nguy hiểm. Hiện tại, trời đang nắng và nước sông đã rút, chưa vấn đề gì, nhưng thông tin bão số 11 có thể đổ vào Thanh Hóa trong hai ngày nữa, không biết đê này sẽ thế nào”.
Hơn 200m đê gặp sự cố đang được xử lý. Ảnh HĐ
Trước sự cố sạt trượt và nứt thân đê tả sông Chu, chiều 13.10, UBND huyện Thọ Xuân đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia gia cố. Tính đến thời điểm này, huyện Thọ Xuân đã phải huy động 7.000 người, sử dụng 10.000 bao đất cát, 3.000m3 đất… để xử lý vết nứt. Trước mắt, toàn bộ mái đê gặp sự cố đang được phủ bạt, chặn bao tải cát để tiếp tục đưa vật liệu về gia cố thân đê.
Đầu giờ chiều nay (14.10), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Mai Anh - Phó Bí thư Thường trực huyện Thọ Xuân, cho biết: “Sau khi xuất hiện sự cố đoạn đê tả sông Chu ở khu vực xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, chúng tôi đã cử cán bộ xuống kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương huy động khoảng 1.500 người dân tiến hành gia cố bằng bạt, bao tải đựng đất, cát nhằm khắc phục bước đầu để không cho nước ngấm vào thân đê qua vết nứt. Trong chiều nay và ngày mai, lực lượng cứu hộ đê sẽ tiến hành gia cố để phòng cơn bão số 11 đổ bộ vào đất liền trong vài ngày tới”.
Đoạn đê gặp sự cố này đã từng xảy ra vỡ đê . Ảnh: HĐ
Cũng theo ông Mai Anh, hiện nay, trên địa bàn huyện Thọ Xuân, như đê sông Chu, sông Cầu Chày xuất hiện một số đoạn đê đang bị sung yếu bởi ảnh hưởng của trận lũ lụt vừa qua. Do đó, chính quyền địa phương đang tập trung đi kiểm tra, rà soát những đoạn đê sung yếu để có phương án gia cố trước khi cơn bão số 11 đổ bộ vào đất liền trong những ngày tới.
“Hiện nay, tôi và một số cán bộ chủ chốt của huyện đang túc trực tại xã Quảng Phú, để đi kiểm tra và chỉ đạo xử lý, gia cố những đoạn đê sông Cầu Chày bị sung yếu, có nguy cơ xảy ra sự cố khi nước dâng cao”- ông Mai Anh cho biết thêm.
Được biết, trước sự cố của đoạn đê tả sông Chu, UBND huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo xã Thọ Trường xây dựng phương án di dời, đảm bảo tính mạng của người dân đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Nếu phải di dời, lực lượng chức năng sẽ thực hiện di dời toàn bộ 1.167 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trưa 14.10, chính quyền xã Thọ Trường đã lập chốt ngăn các phượng tiện giao thông qua lại đoạn đê này. Ảnh: HĐ
Trưa 14.10, chính quyền xã Thọ Trường đã lập chốt ngăn không cho các phương tiện qua lại vùng đê nguy hiểm nêu trên.
QL1A ngập sâu, cư dân TP.Thanh Hóa "bỏ của chạy lấy người"
QL1A, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa phận huyện Hà Trung Thanh Hóa hiện đang ngập rất sâu. Tại phường Đông Hải, TP.Thanh ... |
Đồng bằng sông Cửu Long: Sụt lún nguy cấp gấp 10 lần nước biển dâng
Sụt lún đang đe dọa nghiêm trọng đến ĐBSCL với mức độ gấp 10 lần nước biển dâng. Cần xem đây là bài toán nguy ... |
http://danviet.vn/tin-tuc/de-song-chu-nut-ca-nghin-dan-thanh-hoa-co-the-phai-so-tan-813434.html