Khẳng định điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí có tính đặc thù và nhiều rủi ro, Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng và hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 là để phù hợp với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí của Việt Nam và hướng tới tiệm cận với thông lệ thế giới…
Tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022, Bộ Công Thương cho hay: Điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí (tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí) là một ngành có tính đặc thù và nhiều rủi ro (về địa chất, an toàn môi trường, biến động thị trường, công nghệ, địa chính trị,…). Đặc biệt với các dự án công trình dầu khí ngoài biển độc lập, xa bờ, công việc phụ thuộc vào điều kiện môi trường thời tiết biển khắc nghiệt, có nhiều yếu tố ngẫu nhiên nguy hiểm như sóng, gió bão, dòng chảy, thủy triều… Bên cạnh đó, giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới, có những biến động bất thường nằm ngoài dự báo của các tổ chức, tư vấn quốc tế.
“Việc Quốc hội ban hành Luật Dầu khí năm 2022 thay thế Luật Dầu khí năm 1993, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 đã đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí”, Bộ Công Thương nhận định.
Trong nội dung Luật Dầu khí năm 2022, Chính phủ được giao quy định chi tiết các điều sau: Điều 7, 8, 10, 12, 14, 22, 24, 26, 27, 28, 30, 31, 32, 36, 38, 39, 41, 42, 45, 46, 47, 48, 50, 51, 52, 53, 55, 57. Vậy nên, theo Bộ Công Thương, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022 (thay thế Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí và Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ ban hành Hợp đồng mẫu của Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí) là cần thiết và cấp thiết để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí liên tục, ổn định.
Với tinh thần đó, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 là để phù hợp với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí của Việt Nam và hướng tới tiệm cận với thông lệ thế giới. Dự thảo Nghị định được xây dựng bảo đảm các mục tiêu:
Thứ nhất, nâng cao tính thực tiễn, khả thi của pháp luật về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
Thứ hai, bảo đảm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí được an toàn cho con người và tài sản, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, đem lại hiệu quả, quyền lợi của quốc gia cũng như các nhà đầu tư trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước, làm cơ sở để định hướng và triển khai hoạt động dầu khí.
Thứ ba, tạo sự minh bạch, cụ thể, rõ ràng trong các hồ sơ, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc do sự không rõ ràng, chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật.
Thứ tư, tạo điều kiện phát triển ngành dầu khí gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định trên biển để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ năm, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Thứ sáu, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí; kế thừa, phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế (nếu có) của pháp luật hiện hành.
Thứ bảy, tuân thủ nội dung của Luật Dầu khí năm 2022, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ tám, nâng cao tính thực tiễn, khả thi trong thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Thứ chín, bảo đảm tính ổn định, nguyên tắc không hồi tố để tránh các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí đã ký kết.
Bộ Công Thương cũng khẳng định, trong dự thảo Nghị định chỉ quy định chi tiết những điều khoản mà Luật Dầu khí năm 2022 giao cho Chính phủ, không có các chính sách bổ sung.
https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/877ed8d4-17b1-499f-9077-c3cb304f6d07