Để hiện thực hóa mục tiêu World Cup

Mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup thêm một lần nữa được đưa ra trong một cuộc thảo luận có các chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành. Thế nhưng để cụ thể hóa nhiệm vụ này lại là một chặng đường dài.

Ngày 12/11, “Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã diễn ra tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú đã báo cáo, trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, đặc biệt là cho tới năm 2024, bóng đá Việt Nam có những thành tích ở đấu trường khu vực và châu lục.

vff.jpg -0
Đội tuyển Việt Nam cần được nâng tầm. Ảnh: VFF

Đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á năm 2018, lọt vào vòng tứ kết Asian Cup 2019, lần đầu tiên tham dự vòng loại thứ 3 cùng World Cup 2022. Đội tuyển U23 Việt Nam cũng giành ngôi á quân tại giải U23 châu Á năm 2018, lọt vào vòng bán kết Asiad 2018, vô địch tại 2 kỳ SEA Games 30, 31 liên tiếp vào các năm 2019 và 2022.

Trên bảng xếp hạng của FIFA, tuyển Việt Nam đã có thời gian đứng thứ hạng từ 94 tới 97, tại châu Á đứng vị trí 14 (năm 2020) và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng xuất sắc giành vé tham dự vòng chung kết World Cup năm 2023 cùng với thành tích 3 lần liên tiếp giành HCV tại các kỳ SEA Games 2017, 2019, 2022 nâng tổng số lần vô địch SEA Games lên 8 lần.

Với mục tiêu giành vé tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030-2045, ngoài giải pháp “hoàn thiện hệ thống thi đấu theo mô hình hiện đại, tiếp cận và đạt tiêu chuẩn nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á”, “ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá” và “phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá”, VFF “tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế”.

Đặc biệt chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ 17 tuổi đến 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023), bởi khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034, nhóm các cầu thủ này thuộc lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao (từ 24-25 đến 28 tuổi).

Đề cập đến mục tiêu World Cup, trước đây khi bóng đá Việt Nam thành công dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, ông thầy người Hàn Quốc từng bày tỏ quan điểm với câu hỏi: Việt Nam đã thực sự cho mục tiêu World Cup? Và cũng từ đó mà chúng ta bắt đầu có những chiến lược. Ông Park Hang-seo từng bày tỏ quan điểm, khi số đội nâng lên 48, nó là một động lực, tất nhiên chúng ta chưa biết châu Á được bao nhiêu vé. Nếu vé nhiều hơn thì cửa mở cho chúng ta và sẽ là một động lực để VFF, tôi, các cầu thủ phấn đấu.

“Tôi muốn nói rằng, cơ hội đến chứ không có sẵn. Khi nó tới, chúng ta cần có các chuyên gia, để tham gia được World Cup, đấy là giải đấu rất lớn trên thế giới. Tôi là chuyên gia nhưng về huấn luyện thôi, chúng ta cần thêm một hệ thống chuyên gia khác: dinh dưỡng, thể lực, y tế…

Đây là vấn đề rất quan trọng, hiện nay chúng ta đang khó khăn, chưa chuẩn bị được việc này. Bây giờ cách giải quyết là phải đoàn kết lại, ngồi với nhau để tìm ra cách giải quyết.

Tôi có thể quyết được các vấn đề ở đội bóng chứ không giải quyết được mọi việc. Những việc đó cần các chuyên gia hỗ trợ cho HLV trưởng. Chúng ta cũng cần sự ủng hộ rất nhiều từ chính phủ, truyền thông. Tạm thời có thể là khó, nhưng phải chuẩn bị dần. Và như vậy bóng đá Việt Nam có thể đi lên bậc mới”, ông Park nói.

Nhưng rồi, ông Park đã rời bóng đá Việt Nam với hy vọng sẽ có người khác đến và nâng tầm đội tuyển. Người kế nhiệm ông Park là huấn luyện viên Troussier từng nói về mục tiêu gần hơn là World Cup 2026, thế nhưng kế hoạch đã không thành hiện thực khi đội tuyển Việt Nam dừng bước ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Con đường mà ông thầy người Pháp từng vạch ra không hẳn là không có căn cứ. Chỉ tiếc rằng, việc áp dụng vào thực tế bóng đá Việt Nam lại là một vấn đề khác.

Ban chấp hành VFF đã đề ra mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam giành quyền tham dự World Cup 2030. Nhưng để hoàn thành mục tiêu, chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ.

Tuyển Indonesia được đánh giá cao

Vòng loại 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, tuyển Nhật Bản sẽ có trận đấu gặp tuyển Indonesia trên sân khách vào hôm 15/11. Tại bảng C, tuyển Nhật Bản đang dẫn đầu bảng với 10 điểm/4 trận, còn Indonesia đứng hạng 5/6 với 3 điểm.

Trên trang web của mình, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) đã gọi Ragnar Oratmangoen, Ivar Jenner, Nathan Tjoe-A-On và Maarten Paes là những cầu thủ nguy hiểm bên phía đội chủ nhà Indonesia.

JFA viết: “Tiền đạo Ragnar Oratmangoen là một cầu thủ có kỹ thuật cao và thường thu hút sự chú ý trong các đợt tấn công của Indonesia”.

JFA cũng coi Ivar Jenner là điểm khởi đầu cho những đợt tấn công của tuyển Indonesia ở hàng tiền vệ. Jenner được coi là cầu thủ có khả năng đe dọa hàng phòng ngự đối phương bằng khả năng rê bóng của mình.

JFA cho rằng, đội tuyển quốc gia Indonesia hiện đang phát triển rất nhanh nhờ sự góp mặt của các cầu thủ gốc Hà Lan, điều này khiến JFA và đội tuyển quốc gia Nhật Bản không thể xem thường đội bóng Đông Nam Á.

JFA cũng không thể quên trận đấu ở Asian Cup 2023 tại Qatar, khi tuyển Nhật Bản đánh bại Indonesia 3-1 ở vòng bảng vào tháng 1 năm 2024.

Trên bảng xếp hạng, tuyển Nhật Bản đứng hạng 15, bỏ rất xa tuyển Indonesia (hạng 130). Tuy nhiên, tiền vệ Ritsu Doan cho biết, anh không hề xem thường đối thủ. Theo anh, đội bóng của huấn luyện viên Shin Tae-yong đã rất khác so với khi 2 đội gặp nhau tại Asian Cup 2023.

“Tuyển Indonesia tôn trọng tuyển Nhật Bản, nhưng mặt khác họ cũng muốn đánh bại chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải đảm bảo sự hưng phấn và lợi thế của họ sẽ không lấn át chúng tôi. Sau trận đấu với Australia, chúng tôi đã được nghe nói nhiều về tuyển Indonesia và chiến thuật của họ”, Ritsu Doan chia sẻ. 

https://cand.com.vn/so-tay-the-thao/de-hien-thuc-hoa-muc-tieu-world-cup-i750116/

Hưng Hà / cand.com.vn