Cách quản lý của Nhậm Chính Phi đưa Huawei thành tập đoàn hàng đầu Trung Quốc, nhưng đang đối mặt với nhiều sức ép từ Mỹ.
Nhậm Chính Phi (phải) hướng dẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham quan văn phòng Huawei ở London năm 2015. Ảnh: PA.
Một trong những câu chuyện mà Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), chủ tịch tập đoàn công nghệ Huawei hàng đầu của Trung Quốc, hay kể lại là cách ông giấu 10.000 USD trong người để qua mặt hải quan Mỹ và nhập cảnh trót lọt vào nước này năm 1997. Khi ấy, Nhậm Chính Phi 53 tuổi và tập đoàn Huawei của ông mới chỉ thành lập được vỏn vẹn 10 năm, theo Financial Times.
Trong một thập kỷ đầu tiên sau khi thành lập, Huawei ban đầu nhập các thiết bị tổng đài điện thoại nước ngoài về bán ở Trung Quốc, rồi sau đó sao chép để sản xuất ra sản phẩm của riêng mình và tìm cách mở rộng thị trường ra nước ngoài. Ông Nhậm lúc đó coi Mỹ là cánh cửa quan trọng để công ty Huawei non trẻ của mình có thể tiến ra thế giới.
Chủ tịch Huawei, người từng là sĩ quan quân đội Trung Quốc, quyết định tới thăm các ông lớn công nghệ lúc đó như Bell Labs và IBM để tìm hiểu về sức mạnh của kỹ thuật và các phương pháp quản lý hiện đại, sau đó đến Las Vegas tham quan các sòng bài.
Đây là lần đầu tiên Nhậm Chính Phi vào Mỹ và ông đã cẩn thận giấu 10.000 USD bằng cách khâu chúng vào mép áo khoác và dễ dàng qua được cổng kiểm soát ở sân bay. Nhưng hơn 20 năm sau, câu chuyện "qua mặt Mỹ" từng khiến ông khoái chí giờ đây đang trở thành nỗi ám ảnh, khi tập đoàn Huawei và ái nữ Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của ông đang trở thành mục tiêu của các điều tra viên Mỹ.
Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei, người được kỳ vọng sẽ kế thừa tập đoàn từ tay bố, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ. Bà bị nghi ngờ đã lừa gạt các ngân hàng quốc tế để sử dụng công ty con Skycom của Huawei nhằm bán thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận Washington áp đặt với Tehran. Nếu bị dẫn độ về Mỹ xét xử, bà Mạnh có thể đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù.
Vụ bắt Mạnh Vãn Chu biến Huawei trở thành tâm điểm trong cuộc đối đầu về công nghệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng là kết quả từ cuộc chiến của Nhậm Chính Phi nhằm biến tập đoàn của mình chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trên thị trường toàn cầu.
"Chúng ta chắc chắn sẽ vươn tới đỉnh Everest! Tương lai của chúng ta rất tươi sáng, dù con đường đang đi gian nan đến đâu", Nhậm Chính Phi viết trong thông điệp gửi các nhân viên Huawei hồi đầu năm, cho thấy tham vọng thống lĩnh của tập đoàn này.
Khi ông Nhậm lần đầu tiên đặt chân tới Mỹ, doanh thu của Huawei chưa đầy 1 tỷ USD, nhưng đang gần chạm ngưỡng 100 tỷ USD trong năm nay. Năm 1997, Huawei chỉ xuất khẩu được một đơn hàng tới Hong Kong, nhưng đến nay đã trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh thứ hai toàn cầu. Với lợi thế này, Huawei đang nỗ lực trở thành nhà cung cấp thiết bị cho hệ thống mạng 5G trên khắp thế giới.
Huawei bắt đầu nghiên cứu mạng 5G từ năm 2009 và dự kiến ra mắt vào năm sau. Hồi tháng 11/2017, tập đoàn này thông báo đã ký 22 hợp đồng triển khai mạng 5G trên toàn cầu và hợp tác với 50 nhà mạng để vận hành mạng thế hệ mới này ở Hàn Quốc, Anh, Italy và Đức.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng "như tên lửa" của Huawei lẫn tham vọng triển khai mạng 5G làm dấy lên những hoài nghi và lo ngại về an ninh đối với Mỹ và các đồng minh. Với người Mỹ, Huawei bị nghi ngờ có quan hệ gắn bó với quân đội Trung Quốc và nhận được sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ nước này. Họ còn lo ngại rằng Huawei đang "tiếp tay" cho tình báo Trung Quốc do thám Mỹ và các nước phương Tây.
Từ năm 2012, quốc hội Mỹ cấm các nhà mạng nước này mua thiết bị viễn thông từ Trung Quốc do lo ngại về an ninh. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cấm các cơ quan chính phủ nước này mua sắm thiết bị của Huawei và đang tìm cách thuyết phục các đồng minh loại trừ tập đoàn Trung Quốc này khỏi các hợp đồng triển khai mạng 5G. Một số quốc gia như Australia, New Zealand và Nhật đã thực hiện điều này do những lo ngại về an ninh.
Trước hàng loạt sóng gió như vậy, các nhân viên của Huawei vẫn luôn coi chủ tịch Nhậm Chính Phi là người phi thường có thể làm được bất cứ điều gì. "Khiến công ty được như hôm nay tất cả đều là nhờ ông ấy. Ông ấy là người tận tâm và lạnh lùng", một cựu giám đốc cấp cao của Huawei cho biết.
Cựu giám đốc này nói rằng ngay cả những người trong nội bộ Huawei cũng không hiểu được vì sao công ty lại có sự tăng trưởng thần kỳ như vậy trong thời kỳ đầu. "Việc kinh doanh rất bình thường trong 10 năm đầu tiên, thế rồi mọi thứ vọt lên khủng khiếp. Mọi người ngờ rằng đã có thứ gì đó hỗ trợ, nhưng điều nay đến nay vẫn là một bí mật trong công ty", người này cho hay.
Nhậm Chính Phi năm 1994 từng gặp chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân. Chỉ vài năm sau, Huawei bắt đầu xây dựng hệ thống liên lạc trên cả nước cho quân đội Trung Quốc (PLA). Nhưng với các nhân viên và khách hàng của Huawei, chính tính cách khác thường của ông Nhậm đã giúp công ty đi xa được như vậy.
Nhậm Chính Phi hiểu không nhiều và tỏ ra không hứng thú với công nghệ, nhưng điều hành tập đoàn hơn 180.000 nhân viên bằng "kỷ luật thép" theo phong cách nhà binh, điều thường thấy ở đàn ông Trung Quốc vào độ tuổi của ông. "Con tàu Huawei muốn lướt đi cần hàng nghìn anh hùng chèo lái", ông Nhậm viết hồi tháng 1, kêu gọi các nhân viên khắc phục thiếu sót, tồn tại để "có thể trở thành chiến binh vĩ đại".
Mạnh Vãn Chu sau khi được tại ngoại ở Vancouver, Canada. Ảnh: AFP.
Với các nhân viên Huawei, lời kêu gọi này đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận hy sinh cho công ty, chẳng hạn như làm việc xa nhà trong thời gian dài hay tăng ca vào cuối tuần, cũng như đối mặt với yêu cầu cao hơn về công việc. "Ông ấy không ngần ngại chỉ trích đích danh các nhân viên trong phòng họp đầy người", một giám đốc Huawei nói.
Nhậm Chính Phi từng bắt các quản lý cấp cao phải công khai xin lỗi hoặc viết bản tự kiểm điểm, điều mà nhân viên nước ngoài rất khó chấp nhận. Các chuyên gia, quản lý người nước ngoài thường không trụ nổi ở Huawei quá một năm.
"Bạn thường không được vào nhóm quản lý cốt lõi toàn người Trung Quốc và không được trọng vọng như ở Ericson", một kỹ sư châu Âu từng làm việc cho Huawei trong 10 tháng kể. "Họ luôn muốn được coi như một phần của chúng ta, nhưng họ phải luôn khác biệt".
Nhưng đội ngũ người Trung Quốc trong tập đoàn Huawei lại không phàn nàn gì, nhất là khi chủ tịch của họ vẫn luôn thực hiện đúng những nguyên tắc về "kỷ luật thép" mà ông đề ra. Cách đây vài năm, ông đồng ý trả lời phỏng vấn với phóng viên Financial Times và quyết không hủy hẹn dù đang bị ốm.
Nhậm Chính Phi trả lời các câu hỏi của phóng viên trong phòng làm việc của mình, trong khi một bác sĩ Đông y bấm huyệt cho ông. Ông đột nhiên dừng lại, vẫy tay cho trợ lý yêu cầu mang chiếc xô ướp rượu đến đặt dưới chân mình. "Chỉ đề phòng khi tôi bị nôn", ông mỉm cười giải thích, sau đó tiếp tục cuộc trò chuyện.
Nhưng "thủ lĩnh Huawei" đến nay vẫn chưa lên tiếng về vụ con gái mình đang bị quản thúc ở Canada và có thể bị đưa về Mỹ xét xử bất cứ lúc nào. Trong lúc đó, mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được ví như một thanh kiếm treo lơ lửng trên đầu Huawei. "Các công ty như Huawei gần như không thể thoát khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ khi họ kiểm soát phần lớn ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", một giám đốc tập đoàn này giải thích.
Mỹ tung bằng chứng gian lận, mấu chốt để buộc tội Giám đốc tài chính Huawei
Một tập tin thuyết trình Power Point giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou Mạch Vãn Chu từng sử dụng khi làm việc với đối ... |
Bóng ma chiến tranh thương mại nhìn từ vụ ‘công chúa Huawei’
Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt cho thấy rõ chiến thuật gia tăng sức ép của Mỹ lên Trung Quốc, nhằm giành thế thượng phong ... |
Tuần lễ tồi tệ nhất của Tổng thống Trump
Tổng thống luôn tỏ ra tự tin khi đối mặt với báo giới, nhưng đằng sau cánh cửa đóng kín có lẽ ông cũng đang ... |