ĐBQH cho rằng, cùng với vaccine phòng COVID-19, cần có thêm một loại vaccine khác để chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm, cục bộ.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 9/11, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đề cập đến sự chậm trễ trong một số quyết sách về phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua.
Bà Hoa cho hay, trong kỳ tiếp xúc cử tri đầu tháng 5, cử tri Đồng Tháp cho rằng, giá như chúng ta nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và sự chia sẻ thông tin hợp tác giữa các địa phương nơi người dân ra đi và nơi người dân trở về được chặt chẽ thì chắc chắn việc tổ chức đưa đón người dân trở về được an toàn và chủ động hơn, kiểm soát dịch bệnh sẽ tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. |
Theo nữ đại biểu, những hạn chế và bất cập trên cho thấy, nhiều lỗ hổng trong công tác điều hành, quản lý. Nguyên nhân của sự chậm trễ có thể do khâu dự báo thiếu chính xác về thông tin, dữ liệu hoặc sự chủ quan trong đánh giá tình hình. Cũng có thể do thái độ làm việc chưa công tâm, mượn quy trình để trốn tránh trách nhiệm.
"Tôi nghĩ, cùng với vaccine phòng, chống COVID-19, cần có thêm một loại vaccine khác để chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm, cục bộ", đại biểu nói.
Đề cập đến vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19, bà Hoa cho biết, hoạt động các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hệ thống các trường tư thục ở các thành phố lớn, các địa phương có khu công nghiệp. Dự báo, nhiều cơ sở chăm sóc ngoài công lập đang có nguy cơ ngừng hoạt động, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non vì không thể dạy học trực tuyến.
Kèm theo đó là các giáo viên mầm non ngoài công lập mất việc phải chuyển đổi nghề để có thu nhập và khi đã có thu nhập khác thì việc kéo họ quay trở về nghề là rất khó. Thực tế trên cho thấy nguy cơ thiếu trường học, điểm, nhóm giữ trẻ, thiếu giáo viên mầm non là điều có thể xảy ra đối với nhiều địa phương trong thời gian tới.
Đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục hoạt động, nhất là các cơ sở mầm non, tư thực. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non.
Ngoài ra, bà Hoa cho rằng hệ quả để lại rất nặng nề, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần cho giáo viên và một bộ phận học sinh là con em của các gia đình nghèo, những gia đình di cư có thể bị thất học. Đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.
Nêu thực trạng giáo dục hiện nay, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho hay, trẻ em nghỉ học lâu ngày xuất hiện tình trạng sang chấn tâm lý, học trực tuyến ảnh hưởng xấu tới thị lực, sức khỏe và chất lượng không đảm bảo.
"Việc không thể tiếp cận các địa điểm vui chơi trực tiếp còn khiến các em nghiện game, điện thoại, nhất là trong bối cảnh bố mẹ đã đi làm", ông Hạ nói.
QUANG TUYỀN - XUÂN TRƯỜNG
ĐBQH lo ngại tâm lý "một tiết dạy, trăm mắt nhìn" khi dạy - học trực tuyến |
ĐBQH: Giám đốc bệnh viện giỏi chuyên môn nhưng không chắc đã nắm vững quản lý |