F0 ở trường ngày càng tăng, lớp ít dần học sinh, việc kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến khiến giáo viên và học sinh quay cuồng.
7h05 sáng, cô Nguyễn Minh Hường, giáo viên một trường THPT quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhanh chóng thực hiện các thao tác lắp đặt máy móc, thiết bị cho tiết học đầu ngày. Một tiết học, cô phải đảm đương 2 nhiệm vụ, vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến cho các em F0, F1 đang cách ly tại nhà. Dù quá quen với các tiết học online - offline, nhưng ngày nào cô cũng mất 15 phút đầu giờ để cài đặt thiết bị, kết nối đường truyền mạng mới có thể ổn định, bắt đầu bài giảng.
Quay cuồng dạy trực tuyến lẫn trực tiếp
"Khi cùng lúc dạy on - off, giáo viên phải xoay đủ kiểu, lúc viết trên bảng, khi lại viết trên máy tính, không thể nào quan tâm được hết các học sinh. Ai cũng muốn đi học trực tiếp nhưng quả thực, từ khi trở lại trường, F0 tăng liên tục, cô trò phải dạy học on - off khiến tâm trí tôi và học sinh mệt mỏi. Nhiều lúc chỉ ước được quay trở lại học 100% online như trước đây", cô Hường than.
Không chỉ vậy, nhiều giáo viên trở thành F0, cô cùng nhiều đồng nghiệp khác phải "chạy xô" giữa các lớp học online và trực tiếp nhiều ngày trong tuần. “Đôi khi, vừa kết thúc tiết dạy trực tiếp cho khối 10, giáo viên phải chuyển ngay sang dạy học trực tuyến cho khối 12. Dù nhà trường chuẩn bị sẵn phòng máy để thầy cô không bị chậm trễ khi chuyển giao giữa các tiết dạy nhưng quả thực việc "chạy xô" giữa các tiết học khiến giáo viên chúng tôi rất mệt”, cô giáo nói.
Giáo viên dạy trực tuyến kết hợp online ngay tại lớp. (Ảnh minh hoạ: Đ.H) |
Sau gần 2 tuần đi dạy trực tiếp, hiện lớp thầy Nguyễn Quốc Minh (giáo viên một trường THCS) có hơn 10 học sinh F0. Do số lượng học sinh F0 và F1 phải cách tự cách ly ở nhà theo dõi sức khoẻ đông, nên mỗi buổi dạy học của thầy rất vất vả. Cùng ngày, thầy phải "vật lộn" với 2 hình thức dạy sao cho các em học trực tiếp hay trực tuyến vẫn tiếp thu đầy đủ kiến thức.
Dù có kinh nghiệm dạy online đã gần 2 năm nhưng việc dạy song song "on-off" vẫn khiến cho thầy phải loay hoay. "Lịch dạy vào thứ 4 của tôi là căng thẳng nhất. Tiết 1 tôi phải dạy trực tuyến ở một lớp. Tiết 3 thì lại chạy về lớp mình chủ nhiệm để dạy trực tiếp cho các em trên lớp và chuẩn bị bài giảng trên slide cho các em đang phải học tập tại nhà. Một ngày cứ quay cuồng giữa trực tuyến, trực tiếp rồi lại trực tuyến khiến tôi phải căng não vừa dạy vừa ghi nhớ lịch, tránh bỏ sót học sinh", thầy chia sẻ.
Mỗi tiết học 45 phút, việc chuẩn bị và kết nối các thiết bị chiếm khoảng 15 đến 20 phút đầu giờ. Chưa kể đến mỗi buổi lên trường thầy Minh phải dạy nhiều lớp. Dạy xong lớp này lại lỉnh kỉnh mang máy móc để sang lớp khác dạy tiếp. Trong quá trình dạy, thầy luôn phải phân tâm cho 2 nhóm đối tượng, thỉnh thoảng lại phải nhìn vào màn hình máy tính hỏi các em học online nắm được bài không.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của trường vẫn chưa thể đảm bảo việc dạy học on - off linh hoạt. Có lúc wifi nhà trường chập chờn khiến các em "in-out" liên tục, bỏ lỡ bài giảng; camera ghi hình chất lượng kém làm hình ảnh bài giảng không được rõ nét, micro thu tiếng chứa nhiều tạp âm làm các em không tập trung vào bài học.
Cảm thấy việc dùng camera ghi hình bài giảng khiến cho quá trình dạy trở nên rắc rối hơn, cô Trần Thị Thu Hường, giáo viên tại một trường THCS ở Nam Từ Liêm, Hà Nội kết hợp việc trình chiếu slide bài giảng lên zoom và chiếu lên máy chiếu của lớp.
"Với cách làm này, chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính là tôi có thể chia sẻ bài học cho cả hai nhóm đối tượng học sinh học trực tiếp và trực tuyến. Nếu có thông tin gì cần bổ sung, tôi sẽ viết sang bên cạnh slide, như vậy các em học online có thể theo dõi qua zoom. Còn các bạn học sinh đang học trực tiếp trên lớp nhìn lên máy chiếu cũng giống như tôi đang viết trên bảng", cô Hường nói. Thời điểm này, việc dạy học kết hợp với ứng dụng công nghệ sẽ giúp thầy cô không phải "chạy đi chạy lại" nhiều lần, giúp học sinh và phụ huynh yên tâm hơn
Học sinh mệt nhoài
Học sinh trở lại trường. (Ảnh minh hoạ: N.A) |
7h, Lê Hoàng Long (học sinh lớp 12 trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) đăng nhập vào zoom để bắt đầu học. Lớp của em có 7 bạn phải học từ xa. Ngoài các trục trặc về đường trường mạng, việc học trực tuyến từ xa gặp phải nhiều khó khăn do máy tính ở trường không có micro thu tiếng, em chỉ có thể nhìn mà không nghe thấy cô hay các bạn nói gì. Hình ảnh cũng chỉ được 30% độ nét vì camera mờ, cộng với ánh đèn trên lớp càng khiến em không thấy rõ.
Là học sinh cuối cấp nên Long khá sốt ruột trước tình trạng học online kết hợp trực tiếp. Nhiều khi em không chép được bài, phải nhắn tin cho các bạn ở lớp nhờ chụp lại. Em cũng trao đổi với cô giáo để báo nhà trường khắc phục.
Trần Bảo Hoàng, học sinh lớp 10 trường THPT Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh tương tự. Tuần thứ 3 đến trường, lớp Hoàng có 12 bạn F0 và F1 phải học zoom. Lớp chuẩn bị sẵn một chiếc laptop mở loa và bật camera. Máy tính được đặt trên bàn, camera chiếu lên bảng viết phấn trắng để học sinh ở nhà theo dõi. Tuy nhiên, mạng chậm khiến hình ảnh không rõ nét, chữ viết trên bảng chỉ nhìn thấy mờ mờ.
Nam sinh sốt ruột khi không đọc được cô viết gì. Lúc mạng tốt có thể chép được bài trên bảng, còn khi bị lag, Hoàng chỉ còn cách ngồi chờ, bập bõm nghe bài giảng vì còn phụ thuộc cô nói to hay nhỏ.
Cuối buổi học, em nhờ các bạn cùng lớp giảng lại hoặc chụp vở viết để chép bài. Không chỉ em gặp vấn đề với việc học từ xa, các bạn F1 trong lớp cũng khó khăn khi nghe giảng. Hiện sức khỏe của em ổn định và hy vọng sớm hết cách ly để đi học trực tiếp.