Đâu rồi, nhà phê bình âm nhạc?

Nhạc sĩ Trần Minh Phi từng thốt lên: “Lý luận phê bình âm nhạc ở nước ta chỉ là cái xác không hồn!”. Còn nhà phê bình, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng thẳng thắn tuyên bố: “Ở ta làm gì có đội ngũ phê bình chuyên nghiệp!”…

Người làm công tác lý luận phê bình vẫn như “những con chim ẩn mình chờ thế hệ sau”, còn bộ mặt ngành lý luận phê bình âm nhạc cho đến giờ vẫn bị coi là yếu kém nhất trong thế kiềng ba chân sáng tác - biểu diễn - lý luận.

MV triệu view “giết chết”... nhà phê bình giỏi?

Chưa bao giờ việc tiếp cận và quảng bá âm nhạc thông qua Internet lại thuận tiện và dễ dàng như ngày nay. Thậm chí, những sản phẩm âm nhạc được đánh giá tràn ngập khiến giới chuyên môn cũng phải thảng thốt như: “top 1, top trending”… đi kèm với đó là những mỹ từ như: “siêu phẩm”, “ông hoàng nhạc Việt”, “công chúa ballad”… Ngay cả những chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi ca hát trên truyền hình, nhiều người được mời ngồi trên, được quyền đánh giá, chấm thi nhưng không phải là nhạc sĩ hoặc người làm nghề âm nhạc. Cùng với đó là những phát biểu vẫn mang đậm cái tôi, dựa theo kịch bản tạo những đối đáp - tình huống trên sân khấu để thu hút người xem của những người được gọi là giám khảo chứ chẳng mấy quan tâm đến hai từ chuyên môn.

Đâu rồi, nhà phê bình âm nhạc? -0

Vướng nghi án đạo nhạc, Sơn Tùng M-TP vẫn giành giải “Ca sĩ của năm” tại giải cống hiến 2016.

Thị trường âm nhạc Việt Nam cũng chưa bao giờ phát triển bề bộn như hiện nay, không theo chuẩn mực hay thang giá trị nào, ca sĩ không cần hát hay, chỉ cần diễn giỏi và có được ý tưởng làm MV ăn khách. Nếu trước đây, chất lượng ca khúc được khẳng định bằng đánh giá, bình luận của hội đồng nghệ thuật hay cách công chúng đón nhận ca khúc, thì ngày nay, sức hút của sản phẩm âm nhạc lại được đo đếm bằng lượt view (lượt nghe), lượt like (yêu thích). Như một lẽ hiển nhiên, đây lại trở thành cơ hội khiến những nhân tố trẻ dễ dàng rơi vào “bẫy” huyễn hoặc về tài năng bản thân với những giá trị ảo; và những sản phẩm chạy theo thị hiếu dễ dãi của đám đông cứ thế xuất hiện trên thị trường âm nhạc trực tuyến. Chẳng vậy mà các MV ca nhạc triệu view xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” nhưng đời sống ngắn ngủi, chất lượng làng nhàng không điểm nhấn.

Vậy mới có chuyện Chi Pu gây nhiều tranh cãi khi ra MV, nhưng cô lọt vào bốn hạng mục đề cử trong Zing Music Awards nhờ số lượng fan đông đảo. Ngay đến sản phẩm âm nhạc của Chi Pu cũng có lượng lượt xem cao ngất ngưởng, phản ánh thị phần nào thị hiếu nghe nhạc dễ dãi của công chúng.

Xu hướng đánh giá âm nhạc này dường như còn lan sang cả giải “Cống hiến”, một giải thưởng được xem là có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam trong suốt hơn một thập kỷ qua nhằm tôn vinh các sản phẩm âm nhạc nội. Còn nhớ, năm 2016, giải thưởng này trở thành tâm điểm tranh cãi khi đã trao danh hiệu “Ca sĩ của năm” cho ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP. Vấn đề không có gì đáng nói nếu đây không phải là một ca sĩ đã từng đối mặt với nghi án đạo nhạc, một biểu tượng âm nhạc phần nhiều mang tính giải trí. Những người làm chuyên môn dành cả đời tận tâm với âm nhạc từng phải cay đắng hỏi nhau rằng: “Giá trị nghệ thuật của âm nhạc đã chết rồi sao?”.

Đâu rồi, nhà phê bình âm nhạc? -0

Nền âm nhạc Việt Nam đang thiếu những nhà lý luận phê bình đủ tâm, đủ tầm.

Tương tự, khi Hương Giang được vinh danh Nữ nghệ sĩ được yêu thích nhất với ca khúc “Tặng anh cho cô ấy” ở Zing Music Awards 2020. Khán giả cũng phải thốt lên: “Không lẽ gu nghe nhạc của người Việt đã chạm đáy vậy luôn sao?”. Không khó để lý giải điều này khi theo dõi hành trình âm nhạc của Hương Giang, các ca khúc của cô không nổi bật và bản thân cô cũng bị khán giả chê hát yếu, làn sóng tẩy chay ở nhiều chương trình vẫn chưa hạ nhiệt ở thời điểm đó…

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng từng thừa nhận, hiện nay, đánh giá sản phẩm âm nhạc đôi khi không phụ thuộc vào chất lượng thực sự mà là lượt nghe/xem. Điều này gây ảnh hưởng tới suy nghĩ và tâm lý của nghệ sĩ, những người làm sáng tạo. Trong khi đó, sản phẩm muốn đạt được lượt xem cao phải có yếu tố giải trí, mà tính nghệ thuật thường không phải lúc nào cũng đi cùng yếu tố giải trí, bởi nó còn phụ thuộc rất lớn vào trình độ của công chúng đón nhận nó nữa.

Còn nhạc sĩ Trần Minh Phi xót xa cho rằng, đám đông phê bình theo kiểu “bầy đàn” này chưa bao giờ đứng trên cái nền học thuật để phê bình. Chỗ đứng của nó được đặt trên sự cảm tính, chuộng xa hoa hình thức và nhất là a dua. “Kiểu phê bình bầy đàn này đã giết chết sự thật và nghệ thuật, giết chết cả tri thức và lương tâm nghệ sĩ. Họ chỉ cần có đám đông của mình, thế là minh chứng: Tôi có tài năng! Kiểu phê bình này cũng bóp chết luôn phê bình hàn lâm - nghĩa là một nhà phê bình thực thụ đứng trên cơ sở trí tuệ và chân lý nghệ thuật. Bởi chỉ cần một tiếng nói của nhà phê bình âm nhạc này mà dám đi ngược lại quan niệm của số đông là coi như bài phê bình nhận định của họ bị ném đá hoặc vứt vào thùng rác vì nó bị coi là lạc điệu, xa rời… cuộc sống, không thức thời. Họ bỗng dưng không còn đất sống, hoặc họ còn sống mà đã đánh rơi tâm hồn”, tác giả ca khúc “Phiêu du” bày tỏ.

Mỏi mắt tìm “cây” lý luận, vì đâu?

Không phải đến bây giờ, lý luận phê bình âm nhạc mới được đánh giá là yếu kém nhất trong thế kiềng ba chân sáng tác - biểu diễn - lý luận. Chẳng vậy mà, những bậc thầy của ngành lý luận phê bình âm nhạc như PGS. Ca Lê Thuần, PGS.TS. Trần Thế Bảo, TS. NGƯT. Đào Trọng Minh… đến nay vẫn là những cây đại thụ chưa ai “dám” vượt bóng. Thậm chí, khi thế hệ gen Z đã bắt đầu định hình âm nhạc mới, Internet phát triển mạnh, khoảng cách giữa báo chí với lý luận âm nhạc, giữa phê bình âm nhạc chuyên nghiệp với đời sống sinh hoạt xã hội, giữa âm nhạc nghiêm túc với công chúng… đã và đang bị xóa nhòa ranh giới.

Đâu rồi, nhà phê bình âm nhạc? -0

Nhạc sĩ Trần Minh Phi.

Cũng chính bởi lẽ này, mà thế hệ nhà phê bình âm nhạc “tự xưng” hay phê bình “kiểu bầy đàn” trỗi dậy trong thời đại công nghệ 4.0. Hay nói như nhạc sĩ Trần Minh Phi, lý luận phê bình âm nhạc phải chịu trách nhiệm nặng nề trong thực trạng âm nhạc phổ thông bị khủng hoảng và lạm phát rẻ tiền vì không làm tròn chức năng của mình. Khi nhìn vào dòng chảy sôi nổi và những biến động của âm nhạc đương đại, vai trò của các tiểu ban lý luận phê bình này hết sức mờ nhạt, nặng tính hình thức và đầy sức thụ động. Thậm chí, lý luận phê bình làm kẻ ngoài cuộc khi có những vụ tranh cãi về âm nhạc nổ ra trên công luận. “Biên độ đời sống và thời sự âm nhạc của tiểu ban lý luận phê bình thường quẩn quanh trong các báo cáo nội bộ hằng năm. Mạnh hơn một chút là những bài lý luận phê bình trên các tờ báo chuyên ngành nhưng cũng chỉ chung chung đầy tính lý thuyết hơn là thực tiễn sinh động, không có không khí tranh luận”, nhạc sĩ Trần Minh Phi thẳng thắn.

Có nhiều nguyên nhân khiến lý luận phê bình âm nhạc ngày càng yếu kém. Trước hết, có lẽ ở khâu đào tạo. Theo khảo sát, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh có chi hội lý luận - đào tạo và thành lập câu lạc bộ lý luận - phê bình nhưng rồi sau đó cũng tự giải tán, không thể hoạt động. Nhạc viện TP Hồ Chí Minh có mã ngành đào tạo âm nhạc học nhưng không có môn học về lý luận phê bình âm nhạc. Thậm chí, việc học phân tích tác phẩm âm nhạc chỉ tập trung phân tích những tác phẩm âm nhạc kinh viện với những yếu tố học thuật theo khuôn mẫu mà ít quan tâm đến việc phân tích các tác phẩm trong đời sống âm nhạc đương thời và cũng không chuộng những gợi ý nhận định, đánh giá, khám phá mang tính cá nhân của người học. Hơn nữa, đầu ra vẫn chỉ cung cấp nhân lực cho cho lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy, chứ chưa một ai theo nghề phê bình âm nhạc chuyên nghiệp.

Đâu rồi, nhà phê bình âm nhạc? -0

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Là người từng được đào tạo lý luận âm nhạc tại Liên Xô (cũ), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, công tác đào tạo lý luận âm nhạc không như lý luận các chuyên ngành văn học nghệ thuật, nó khác ở chỗ cần tốn nhiều thời gian hơn. Chưa hề học nhạc, chỉ tốt nghiệp phổ thông thôi thì không thể “nhảy bổ” vào Đại học Lý luận âm nhạc được. “Điều này cũng giải thích vì sao những cây bút bình luận âm nhạc thuộc báo giới hoặc các nhà phê bình âm nhạc tự phong toàn tán dựa lời ca, không thể phân tích tác phẩm và hoàn toàn “bó tay” với nhạc không lời, nhất là những bản nhạc chưa được vang lên”, nhạc sĩ nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh cũng ái ngại cho rằng, chúng ta ta thiếu vắng sự đầu tư, đào tạo và kể cả không hề có một đảm bảo cho những người dấn thân trong nghiệp phê bình nên không còn nhiều người muốn theo nghề, đương đầu đấu tranh trên con đường đi tìm sự hoàn mỹ.

Nhìn thẳng vấn đề, nhạc sĩ Trần Minh Phi cho biết thêm, nguyên nhân ở chính đội ngũ phê bình âm nhạc mà phần nào đó đã được nêu ở trên là e ngại đụng chạm. Hay nói cách khác, người làm phê bình tự đặt ra cho mình “vùng cấm”, không thể thẳng thắn với chính mình và làm hết trách nhiệm, không dám phê bình vì nhà phê bình sợ đám đông sẽ cho đó là một vụ “ân oán giang hồ” được giải quyết bằng ngòi bút.

“Sợ phê bình thẳng thắn còn có thể bắt nguồn từ việc sợ làm mất lòng ai đó, có thể bị trả đũa, bị cô lập và có thể bị mất “show”. “Nỗi sợ mất “nồi cơm” mới thật khủng khiếp! Những người có chuyên môn đã không có dũng khí, lại thêm sự lãnh cảm và thiếu nhiệt tình trước các vấn đề thời sự nên phê bình chỉ quay lưng lại với đời sống âm nhạc hoặc chạy sau sự kiện, mang tính chữa cháy và nhiều khi bị gạt ra ngoài lề thời sự”, nhạc sĩ Trần Minh Phi bày tỏ.

Thế giới âm nhạc sẽ còn tiếp tục thay đổi và vận hành, trong khi đó sự trì trệ của ngành lý luận phê bình âm nhạc vẫn tồn tại như một nghịch lý khó hiểu. Vẫn biết, âm nhạc, dĩ nhiên, vẫn là một loại hình cực kỳ đặc thù để thụ hưởng và đánh giá. Nhưng, một nền âm nhạc phát triển không thể thiếu đội ngũ phê bình như một ngọn đèn tín hiệu đưa nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam trở nên có giá trị, mà ở đó, nhân tố chính là những thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Thảo Dung

Gu âm nhạc của lớp trẻ bây giờ sao hời hợt đến thế? Gu âm nhạc của lớp trẻ bây giờ sao hời hợt đến thế?
Thị trường nhạc Việt: Đang trở về những giá trị truyền thống Thị trường nhạc Việt: Đang trở về những giá trị truyền thống
/ antg.cand.com.vn