Hoan nghênh động thái của TP.HCM nhưng chuyên gia cũng dự báo đợt đấu giá này sẽ rất khó lựa chọn nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TP.HCM vừa đồng ý cho đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu chức năng số 1 rộng 78.000 m2, theo quy hoạch là vùng lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó 6 lô được quy hoạch là khu dân cư đa chức năng, còn lại là đất thương mại, dịch vụ đa chức năng, đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối.
Ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư khu chức năng số 1 khoảng 27.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư, tiền sử dụng đất, chi phí hạ tầng kỹ thuật…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM hoan nghênh động thái này của TP.HCM, cho thấy lãnh đạo TP không muốn chỉ định, hoán đổi theo kiểu đổi đất lấy hạ tầng như trước đây.
Việc này được thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản mới, giúp lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đồng thời sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo bán tài sản quyền sử dụng đất theo giá thị trường, đạt hiệu quả cao, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Toàn cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Tuổi trẻ
Đây là lần đầu tiên TP.HCM công khai đấu giá đất vàng ở Thủ Thiêm nhưng không phải là lần đầu tiên TP thực hiện đấu giá tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất.
Trước đó, chỉ tính từ năm 2011 đến tháng 3/2017 (là thời điểm tạm dừng thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Công văn số 342 ngày 7/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ), TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM dự báo, trong lần đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm này sẽ rất khó lựa chọn nhà đầu tư.
"Rất có thể cuộc đấu giá này không có nhiều nhà đầu tư tham gia vì đây là những khu thương mại dịch vụ, mà những khu này thì không thu hồi vốn nhanh được. Bên đó chỉ có một khu biệt thự thấp tầng, còn lại là chung cư cao tầng, thứ người ta vẫn gọi là "mỳ ăn liền" trong bất động sản.
Nhưng còn các khu trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trong đó có cả trung tâm tổ chức hội chợ, triển lãm... không có hiệu quả cao như đầu tư bất động sản. Nó đòi hỏi đối tượng tham gia phải là những tập đoàn lớn, rất mạnh về năng lực tài chính, có tầm nhìn xa vì hiệu quả của các dự án này hoàn toàn nằm trong trung hạn và dài hạn", ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Dù vậy, ông Châu tin rằng đây chính là một phép thử để đánh giá sức hấp dẫn của khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng thời, ông cũng tỏ ra tiếc khi những lô đất đấu giá là những lô đất cuối cùng còn lại của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Giá việc đấu giá được thực hiện cả với những lô đất trước đây ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì rất tốt. Nhưng người ta không thể đảo ngược trật tự. Trong giai đoạn đó, khi Công ty Đại Quang Minh vào Thủ Thiêm, họ có được nhiều lợi ích nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò tích của họ đã đóng góp rất tích cực cho Thủ Thiêm.
Trước đấy, ở Thủ Thiêm dù có mời gọi không ai làm vì hạ tầng quá thiếu, nhưng khi Đại Quang Minh vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông chính yếu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, họ làm đường vành đai, công viên, cầu Thủ Thiêm 2, quảng trường trung tâm, cầu đi bộ... Những hạ tầng đó mới hút các nhà đầu tư khác vào", ông Châu cho biết.
Trở lại với việc TP.HCM cho phép đấu giá 9 lô đất vàng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lưu ý, TP phải đảm bảo cuộc đấu giá diễn ra công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, không để xảy ra tình trạng đấu giá "cuội", quân xanh, quân đỏ.
Đặc biệt, phải có cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản để đảm bảo cơ quan này hoạt động trung thực, khách quan, vô tư.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chỉ tính từ năm 2011 đến tháng 3/2017 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm 1.256 tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm. Chỉ riêng cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1, đã có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá và phải qua 16 vòng đấu thì mới xác định người trúng đấu giá là Công ty Tân Hoàng Minh; giá khởi điểm 550 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 1.460 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng đến 32,68% tổng giá trúng đấu giá của 215 cuộc đấu giá), chênh lệch tăng thêm 910 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá. Để hoàn thiện cơ chế đấu giá tài sản, Hiệp hội kiến nghị làm thế nào để cuộc đấu giá "bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan" (khoản 2 Điều 6 Luật Đấu giá tài sản); không để xảy ra tình trạng đấu giá "cuội", "quân xanh, quân đỏ", hoặc "Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản" (khoản (1.c) Điều 9 Luật Đấu giá tài sản); hoặc "Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá" (khoản (2.c) Điều 9 Luật Đấu giá tài sản); hoặc "Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi" (khoản (2.d) Điều 9 Luật Đấu giá tài sản), trong giai đoạn tiếp nhận đăng ký tham gia đấu giá, và tại thời điểm mở cuộc đấu giá. Rất cần thiết phải hoàn thiện cơ chế xác định Giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trong đó, có quyền sử dụng đất một cách hợp lý, để thu hút được các nhà đầu tư tham gia đấu giá. Nhưng Giá khởi điểm của tài sản đấu giá không được xác định quá thấp một cách bất bình thường, bởi vì có thể dẫn đến làm thất thoát tài sản nhà nước, nếu đi đôi với đó là việc tổ chức đấu giá "cuội", quân xanh, quân đỏ. Rất cần thiết phải có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản để đảm bảo cơ quan này hoạt động trung thực, khách quan, vô tư. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 77, Điều 79 Luật Đấu giá tài sản thì Bộ Tư pháp và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản là chưa đủ, mà rất cần thiết phải có quy định về cơ chế kiểm soát, giám sát hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. |
Thành Luân
Khiếu nại ở Thủ Thiêm vẫn còn
Một bộ phận người dân thuộc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng đất, nhà của họ không nằm trong ranh quy ... |
Rà soát các vấn đề liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm
Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong liên quan đến dự án đầu ... |
Bí mật gây sốc tại dự án New City Thủ Thiêm
Tại dự án New City Thủ Thiêm, chủ đầu tư là Công ty Thuận Việt đã đưa ra tiền sử dụng đất tạm tính với ... |