Tổng thống Mỹ dường như đã bộc lộ hết mọi khía cạnh trong tính cách khi xuất hiện trên sân khấu Liên Hợp Quốc tuần qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) lắng nghe các bài phát biểu trong một bữa trưa kết hợp làm việc hôm 21/9 tại New York. Ảnh: New York Times. |
Lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump khép lại bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hay khi ông gặp gỡ những lãnh đạo thế giới bên lề sự kiện, những gì ông chủ Nhà Trắng thể hiện cho thấy hình ảnh một người đang đứng giữa hai thái cực, theo New York Times. Một bên cố gắng kiểm soát thái độ, giọng điệu, bên còn lại mong muốn phá vỡ chuẩn mực bằng các thông điệp thẳng thắn. Một bên hài hước, vui vẻ, bên còn lại tràn đầy những lời châm biếm sâu cay.
Thực tế, người dân Mỹ có lẽ đều đã quen với những khía cạnh trên. Tuy nhiên, khác biệt trong lần này là Tổng thống Trump mang nó lên một sân khấu lớn hơn. Phát biểu của ông được dịch ra hàng chục ngôn ngữ, cho cả những khán giả còn lạ lẫm với phong cách ngẫu hứng ở ông nghe và đọc, cây bút Mark Landler từ NYTimes bình luận.
Dấu ấn Trump
Những câu bông đùa ông nói về bất động sản Manhattan, không phải ai cũng hiểu. Tổng thống Mỹ thậm chí còn nhắc tới một nước châu Phi ngay trước mặt lãnh đạo quốc gia đó nhưng lại nhầm tên nước.
"Hệ thống y tế Nambia đang ngày càng độc lập", ông Trump hôm 20/9 nói tại bữa tiệc trưa dành cho các lãnh đạo châu Phi. Bình luận từ Tổng thống Mỹ lập tức khơi dậy làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội về việc liệu ông muốn gộp Namibia và Zambia làm một hay nhầm sang nước Gambia. Chưa đầy một ngày sau, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Trump muốn đề cập tới Namibia.
Ông Trump hôm 20/9 chào mừng các nhà lãnh đạo châu Phi trong bữa tiệc trưa tại khách sạn Palace ở New York. Ảnh: New York Times. |
Trong bài phát biểu trước các lãnh đạo thế giới hôm 18/9, Trump cho thấy ông hoàn toàn ủng hộ vai trò lâu dài của Liên Hợp Quốc. Tổng thống Mỹ thậm chí còn dành cho Liên Hợp Quốc cái mà ông dường như cho là lời khen tặng tuyệt vời nhất: Trump nói với các khán giả rằng ông chủ ý xây Tháp Thế giới Trump đối diện tòa nhà đặt trụ sở Liên Hợp Quốc.
"Phải trung thực với các ngài, từ phía bên kia phố, tôi thực sự nhìn thấy tiềm năng tuyệt vời ở đây và quả thực Liên Hợp Quốc đã trở thành một dự án thành công", ông Trump nói trước các lãnh đạo thế giới, nhiều người bối rối vì Tổng thống Mỹ coi Liên Hợp Quốc như một thương vụ bất động sản.
Trump luôn thích kết nối với khán giả bằng cách liên hệ tới những câu chuyện kinh doanh về ông. Tại bữa trưa với các lãnh đạo châu Phi, Tổng thống Mỹ một lần nữa lặp lại thói quen cũ. Ông chủ Nhà Trắng ca ngợi tiềm năng từ các khoản đầu tư vào châu Phi và không quên thêm rằng: "Tôi có vô số bạn bè tìm đến đất nước các ngài để cố gắng làm giàu. Tôi chúc mừng các ngài. Họ đang tiêu rất nhiều tiền".
Mặt khác, ở ngày đầu tiên, Trump còn cho thấy ông là một người ngẫu hứng và không muốn gò mình theo những chương trình nghị sự định sẵn. Trước thời điểm Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp mặt bên lề hội nghị, các quan chức hai nước đã nêu rõ với báo giới rằng chủ đề của cuộc gặp sẽ là về mối đe dọa từ Iran, không phải tiến trình hòa bình Trung Đông.
Nhưng khi ông Trump và ông Netanyahu ngồi vào bàn thảo luận, Tổng thống Mỹ lại chỉ muốn nói về tiến trình hòa bình. "Đó sẽ là một thành tựu tuyệt vời", Tổng thống Mỹ nói, Thủ tướng Israel lắng nghe, mặt không thay đổi sắc độ. "Chúng ta đã hoàn toàn thống nhất. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để nó có thể xảy ra. Tất cả mọi người đều sẽ phải nói rằng không còn cơ hội nào khác tốt hơn".
Nơi hậu trường, các quan chức chính quyền khẳng định Iran vẫn là chủ đề chính trong cuộc đối thoại. Nhưng Tổng thống Trump đã tìm cách sắp đặt lại nó để bàn về một vấn đề mà cả Mỹ và Israel đều không có ý định thúc đẩy tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Về vấn đề Iran cũng vậy, Tổng thống Trump cho thấy ông luôn muốn mọi người phải liên tục suy đoán, theo Landler. Trả lời phóng viên hôm 20/9, Tổng thống Mỹ tuyên bố ông "đã có quyết định" nên làm gì với thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng lại không nói rõ quyết định là gì. Ông chủ Nhà Trắng lâu nay vẫn coi thỏa thuận hạt nhân Iran là một "thất bại" đối với Mỹ.
Sau đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã hỏi Tổng thống Trump về quyết định của ông với thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Mỹ tiếp tục từ chối tiết lộ.
"Thủ tướng May hỏi Tổng thống liệu ông ấy có thể chia sẻ không và Tổng thống nói không", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, ông Trump giữ một thái độ chừng mực ở Trung Đông nhưng thẳng thừng hơn lúc xuất hiện ở châu Âu. Tại New York, phiên bản lịch sự trong ngày đầu tiên liền được ông thay thế bằng phiên bản hiếu chiến hơn khi hội nghị bước sang ngày thứ hai. Tổng thống Mỹ chỉ trích Iran, Venezuela và Triều Tiên. Đối với một số nhà ngoại giao Mỹ lâu năm, ông Trump đã cho thấy không gì khác ngoài sự hung hăng.
"Khi Tổng thống Trump tuyên bố trước các lãnh đạo thế giới rằng ông ấy xấu hổ vì thỏa thuận hạt nhân Iran do chính người tiền nhiệm thương thảo, tôi cảm thấy xấu hổ cho nước Mỹ và cho chính Tổng thống", ông Martin S. Indyk, đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời tổng thống Bill Clinton, bình luận.
Tuy nhiên, với nhiều người có mặt trong khán phòng, việc ông Trump nhấn mạnh vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền thực sự khiến họ ấn tượng. "Chúng tôi muốn một nước Mỹ tôn trọng chủ quyền các quốc gia khác, giống như những gì ông Trump nói", bà Maleeha Lodhi, đại sứ Pakistan tại Mỹ, cho biết.
Màn chụp ảnh giữa các lãnh đạo thế giới trước khi bước vào mỗi phiên họp luôn là một nghi thức quan trọng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Thông thường, các nhà lãnh đạo chỉ bắt tay và chào hỏi xã giao trước rừng máy ảnh, máy quay phim.
Nhưng ông Trump không bao giờ bỏ qua cơ hội ghi dấu ấn này. Khi cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ chuẩn bị diễn ra, ông Moon đã nói rằng "Triều Tiên tiếp tục có những hành vi khiêu khích và chúng cực kỳ tồi tệ. Chúng khiến cả tôi lẫn người dân nước tôi giận dữ".
Không để lỡ nhịp, Tổng thống Trump nhoẻn miệng cười và lập tức đáp lại. "Tôi rất vui vì ngài dùng từ tồi tệ", ông Trump nói với lãnh đạo Hàn Quốc. Quay sang phía các phóng viên, Tổng thống Mỹ tiếp lời: "Tôi cam đoan với các bạn rằng tôi không bảo ông ấy dùng từ đó. Đấy là một từ rất may mắn đối với tôi cũng như đối với hàng triệu người khác".
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/dau-an-cua-trump-tren-san-khau-lien-hop-quoc-3645113.html