Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, vé máy bay đến các vùng du lịch trọng điểm đều trong tình trạng khan hiếm.
Trước tình hình đó, nhiều hành khách chỉ còn cách lựa chọn di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa… Trong đó, các nhà xe đã chủ động lên phương án tăng chuyến đồng thời cam kết không tăng giá vé.

"Cạn" vé máy bay, tàu hỏa còn ít chỗ
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay (trung bình 685 chuyến/ngày), cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế. Trong đó, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cung ứng hơn 610.000 chỗ, tương đương hơn 3.200 chuyến bay nội địa.
Việc tăng tải tập trung trên các đường bay trục và du lịch trọng điểm như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các điểm đến nổi bật gồm Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Huế, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Pleiku, Chu Lai, Đồng Hới…
Nhiều hành khách phản ánh không thể mua được vé hoặc buộc phải chấp nhận mức giá rất cao để có thể di chuyển. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trên hệ thống bán vé của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways vào ngày 23-4 cho thấy, phần lớn chuyến bay từ ngày 25-4 đến 3-5 đều có giá vé cao, nhiều chuyến trong tình trạng khan hiếm hoặc đã hết vé.
Điển hình như chặng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, các chuyến bay trong ngày 29-4 của Vietnam Airlines ở hạng vé phổ thông đều đã hết vé, chỉ còn hạng phổ thông đặc biệt với mức giá lên tới hơn 5,3 triệu đồng/vé; Bamboo Airways có giá hơn 3,7 triệu đồng/vé; Vietjet có giá hạng thấp nhất khoảng 3,6 triệu đồng/vé.
Với đường bay Hà Nội - Phú Quốc khởi hành ngày 29-4, nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines cũng đã “cạn” vé. Ở chiều ngược lại ngày 4-5, hành khách muốn bay về Hà Nội phải “quá cảnh” tại Tân Sơn Nhất sau đó đổi chuyến với tổng thời gian bay lên tới hơn 9 giờ, giá vé thấp nhất cũng lên tới hơn 5,5 triệu đồng/vé. Cũng ở chặng bay này, hệ thống bán vé của Vietjet thông báo hết chỗ.
Trước tình hình đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không tăng cường khai thác vào các khung giờ thấp điểm và ban đêm nhằm giảm áp lực giờ cao điểm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao.
Dịp này, ngành Đường sắt đã chủ động lên kế hoạch tăng tàu, mở bán vé tàu từ rất sớm và chuẩn bị đầu máy, toa xe, bố trí nhân lực phục vụ tại ga cũng như các chuyến tàu... Ngoài các tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngành Đường sắt cũng tăng chuyến trên các tàu khu đoạn. Trong đó, tuyến Hà Nội - Hải Phòng tăng cường thêm 5 chuyến. Các tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Nha Trang... tổng cộng tăng cường 32 chuyến.
Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tính đến ngày 23-4, số lượng vé đã bán trong đợt cao điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5 là 99.352 vé, chiếm khoảng 63% số lượng vé cung ứng. Trước nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, vào ngày 22-4, ngành Đường sắt đã mở thêm tàu SE9 phục vụ hành khách đi lại các ngày 29 và 30-4. Như vậy, dự kiến, tổng lượng vé trong cả đợt cao điểm nghỉ lễ này lên tới khoảng 100.000 chỗ bao gồm cả tàu Bắc - Nam và các tàu địa phương.
Dù đã nỗ lực tăng chuyến, tăng tải, song theo ghi nhận trong ngày 23-4, nhiều chuyến tàu Bắc - Nam đều đã báo hết vé. Đơn cử như ngày 28-4 chặng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, các tàu SE3, SE5, SE7, SE11 đều đã hết vé; tàu SE1 chỉ còn 16 chỗ trống. Cũng chặng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh ngày 29-4, tàu SE1, SE3, SE5, SE11 báo hết vé; tàu SE9 chỉ còn 273 chỗ trống đều ở khoang ghế ngồi.

Khách qua bến xe dự báo tăng 350%
Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày (từ ngày 30-4 đến hết 4-5). Thời điểm này cũng thường trùng với dịp khai trương mùa du lịch trong năm tại nhiều tỉnh, thành phố, lại chưa bước vào kỳ cao điểm thi chuyển cấp, đại học đối với học sinh, sinh viên nên nhu cầu đi lại của nhân dân sẽ tăng mạnh, lưu lượng hành khách tập trung vào một số địa phương có điểm tham quan, du lịch.
Dự báo, tại Bến xe Giáp Bát, lượng khách cao nhất trong ngày 29 và ngày 30-4, với khoảng 20.000 lượt/ngày, tăng 350% so với ngày thường, tập trung trên các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Tại Bến xe Gia Lâm, lượng khách cao nhất khoảng 8.000 lượt người/ ngày, tăng khoảng 300% so với ngày thường, tập trung ở các tuyến Hải Phòng, Quảng Ninh...
Tại Bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 22.000 lượt/ngày, tăng hơn 350% so với ngày thường, tăng chủ yếu ở các tuyến: Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng...
“Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của hành khách, trên cơ sở dự báo, công ty sẽ tăng cường 625 lượt xe cho các bến. Số lượng xe tăng cường sẽ được phân bổ theo ngày và tuyến tùy thuộc vào sự gia tăng của hành khách. Các bến phối hợp với lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra xe chở quá tải, bán vé cao hơn giá quy định...”, ông Phạm Mạnh Hùng khẳng định.
Vừa đặt thành công vé ô tô giường nằm cho gia đình gồm 4 thành viên đi du lịch Đồng Hới (Quảng Bình), chị Nguyễn Thu Thủy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, năm nay, giá vé máy bay nội địa tăng cao hơn nhiều so với những kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trước đây, người dân có xu hướng tiết kiệm tiêu dùng nên phần lớn sẽ chuyển hướng lựa chọn các điểm tham quan, du lịch gần hơn, di chuyển bằng các loại phương tiện có chi phí thấp hơn như ô tô, tàu hỏa…
Để bảo đảm quyền lợi, các hãng hàng không khuyến nghị khách hàng mua vé trên website, ứng dụng di động, phòng vé và đại lý chính thức của hãng. Khách hàng mua vé bay trên website cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài nếu cần được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp liên quan đến đặt chỗ, mua vé. Nếu nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé mà kiểm tra lại vì có thể đó là chiêu trò của các đối tượng xấu với mục đích lừa đảo.