Năm 2010, đập Tam Hiệp đối mặt với nhiệm vụ kiểm soát lũ khi dòng chảy đạt đỉnh 70.000 mét khối mỗi giây, nhiều hơn 20.000 mét khối so với thảm kịch lũ lụt năm 1998 ở Trung Quốc.
Xây dựng đập và hồ chứa trên con sông dài thứ 3 thế giới, dài nhất Trung Quốc, là một nhiệm vụ chưa từng có. Đập Tam Hiệp được cho là 1 biểu tượng của các dự án thủy điện của Trung Quốc.
Theo CGTN News, chức năng chính của đập Tam Hiệp là làm giảm lưu lượng nước do lũ lụt xảy ra thường xuyên. Thảm kịch lũ lụt gần đây xảy ra vào năm 1998 trên sông Dương Tử, cướp đi sinh mạng của 4.000 người dân. Tại thời điểm này, đập Tam Hiệp vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Tình hình đã thay đổi kể từ khi đập hoàn thành. Năm 2010, lần đầu tiên đập Tam Hiệp đối mặt với nhiệm vụ kiểm soát lũ lớn khi dòng chảy đạt đỉnh 70.000 mét khối mỗi giây, nhiều hơn 20.000 mét khối so với năm 1998. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thiết kế của đê có khả năng phòng chống lũ lụt tốt.
“Chức năng chính của dự án đập Tam Hiệp là ngăn chặn lũ và bảo vệ sự an toàn cho bờ sông Dương Tử. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn tận dụng dòng nước mạnh để tạo ra năng lượng”, ông Liu Lianwei, chuyên gia thủy điện tại đập Tam Hiệp, chia sẻ.
Dự án đập Tam Hiệp là kết quả của quá trình điều tra khoa học và xác minh trong vòng 40 năm.
Vào cuối những năm 1950, Trung Quốc đã mời 126 chuyên gia từ Nga tham gia đánh giá khu vực đập Tam Hiệp. Năm 1983, Ủy ban Tài nguyên nước sông Dương Tử đã thực hiện báo cáo về tính khả thi của dự án đập Tam Hiệp, đặt mực nước dự trữ là 150 mét. Không lâu sau, mực nước dự trữ được thay đổi thành 180 mét.
Năm 1986, 412 chuyên gia cao cấp đã đóng góp vào quá trình sửa đổi báo cáo. Họ đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong vòng 4 năm. Từ cuối năm 1990 đến giữa năm 1991, 163 chuyên gia khác đã xem xét báo cáo.
Mãi đến năm 1992, Quốc hội Trung Quốc mới phê chuẩn nghị quyết xây dựng đập, với 67,1% phiếu thuận, tương đương với 1.767 đại biểu trong tổng số 2.633 đại biểu tham gia, 177 phiếu chống, 644 phiếu trắng và 25 đại biểu không bỏ phiếu.
Một trong những tranh cãi lớn nhất là vấn đề môi trường. Nghị quyết cũng xem xét đến những tác động của đập đối với các loài sinh vật địa phương và chất lượng dòng sông.
Để giải quyết vấn đề này, một nghiên cứu về cá tầm Trung Quốc đã được thành lập để tăng sinh sản của các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Chính quyền địa phương cũng xây dựng các trạm sạc điện trên bờ sông để các tàu thuyền đi qua có thể sử dụng năng lượng sạch.
Việc xây dựng đập Tam Hiệp được rút ra từ những sai lầm trong việc xây dựng đập Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà, con sông dài nhất Trung Quốc.
Dự án thủy điện của Trung Quốc phục vụ người dân trên toàn quốc gia, nhất là khu vực khô hanh ở phía bắc.
Năm 2002, Dự án thủy điện Bắc-Nam bắt đầu được thực hiện, là dự án thủy điện lớn nhất thế giới.
Trong 50 năm tới, dự án sẽ mang lại lợi ích cho 15% lãnh thổ Trung Quốc. Do khí hậu đa dạng, nguồn nước không thể đáp ứng nhu cầu trên khắp mọi miền đất nước.
HỒNG HẠNH
Đập Tam Hiệp có thể chịu được trận lũ lớn cỡ nào?
Năm 2010, đập Tam Hiệp đối mặt với nhiệm vụ kiểm soát lũ khi dòng chảy đạt đỉnh 70.000 mét khối mỗi giây, nhiều hơn ... |