Theo Đại biểu Cương, thời kỳ bao cấp, phi công học ở Pháp, Úc phải trải qua quá trình tuyển chọn vô cùng khắt khe. Vậy mà, kể từ khi xã hội hóa, việc tuyển chọn chỉ mang tính hình thức.
Gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải,
Mới đây, ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội xung quanh tiêu cực trong việc đào tạo phi công của Vietnam Airlines khiến dư luận không khỏi giật mình. Bởi lẽ, công tác đào tạo phi công không giống như đào tạo các ngành nghề khác. Nó đòi hỏi hết sức khắt khe, ngặt nghèo với các quy định mang tính toàn cầu mà Việt Nam chúng ta không thể ngoại lệ.
Còn nhớ, hơn 30 năm trước, đám học trò đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu” chúng tôi, đứa nào cũng thích sau này được làm phi công, tha hồ bay lượn trên bầu trời. Chỉ nghĩ thôi, mơ thôi đã mãn nguyện lắm rồi. Đúng lúc, đoàn cán bộ đến trường cấp 3 của tôi tuyển phi công. Mấy đứa trẻ trâu to con hăm hở nhờ thầy Thể dục đăng ký. Cứ nghĩ to, cao, học giỏi kiểu gì cũng trúng. Phen này thỏa thích bay lượn. Các em nữ trong trường chỉ còn cách tròn mắt mà ngưỡng mộ.
Thực tế không phải vậy! Qua vài vòng sơ tuyển, to, khỏe, lực học tốt… 10 thằng trượt cả 10. Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản, lái tàu bay thì khác chi lái ô tô. Có điều 1 dưới đất, 1 trên trời. Khắt khe thế, khác nào bóp chết ước mơ của chúng tôi. Sau, lớn lên, hiểu ra mới biết, để được làm phi công, không phải cứ khỏe là được. Nó đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khác, cộng với quá trình rèn luyện, học tập cực kỳ nghiêm ngặt, ý thức, trách nhiệm và cao hơn là nghĩa vụ với cả dân tộc.
Bất cập “xã hội hoá” phi công.
Theo Đại biểu Cương, thời kỳ bao cấp, phi công học ở Pháp, Úc phải trải qua quá trình tuyển chọn vô cùng khắt khe, nghiêm túc từ yếu tố sức khỏe, kiến thức đến kỹ năng bay. Vậy mà, kể từ khi xã hội hóa, việc tuyển chọn chỉ mang tính hình thức. Gần như bất kỳ đối tượng nào đóng đủ tiền học (của danh sách các trường do Vietnam Airlines chọn, cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn) là có thể đi học.
Đối với các trường được chọn, đa số các trường dạy bay là trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ, với chi phí học thấp nên chất lượng giảng dạy cũng thấp theo. Có một số trường, học viên phi công rất kém, chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để được ghi là đã đủ giờ bay…
Nói thật, đọc xong tôi toát mồ hôi hột. Bởi bản thân và gia đình không ít lần phó thác sinh mệnh cho các phi công. Vẫn biết đảm bảo an toàn là tiêu chí số 1 của nghề này. Nhưng trộm nghĩ, nói dại, biết đâu, nhỡ ra gặp “sản phẩm lỗi” thì coi như xong. Tuy nhiên, mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở “ý kiến”, chưa có sự khẳng định rõ ràng nào. Và ở Việt Nam, sự cố hàng không nghiêm trọng chưa từng xảy ra khiến tôi thở phào. Dẫu vậy, một số vụ nho nhỏ như hạ cánh nhầm sân bay, nhầm đường băng… ít nhiều cũng làm dư luận lo lắng đặt câu hỏi.
Biết rằng, cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo bộ GTVT làm rõ các vấn đề mà ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nêu. Theo đó, việc xem xét đầu ra của các ứng viên thực hiện dựa trên hồ sơ bằng cấp, huấn luyện trong quá trình học ở nước ngoài và các bằng cấp, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên làm cơ sở để công nhận bằng lái tàu bay.
Các tồn tại trong quá trình huấn luyện phi công cần có thời gian để xác minh, đánh giá do đây là hoạt động của các hãng hàng không nhưng khẳng định, cơ quan này hoàn toàn độc lập với hoạt động của các hãng hàng không khi tuyển chọn, lựa chọn và huấn luyện người lái tàu bay.
Cầu thị, khẩn trương vào cuộc xem xét ý kiến để dư luận tỏ tường là việc làm đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, “các tồn tại trong quá trình huấn luyện phi công cần có thời gian để xác minh, đánh giá”…, có lẽ Bộ trưởng cần yêu cầu cục Hàng không Việt Nam nhanh chóng có câu trả lời để người học và dư luận yên tâm.
Lê Ngọc Minh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nghi vấn bôi trơn đào tạo phi công VNA: Sự trùng hợp
Chưa nhận được báo cáo của Cục Hàng không VN nhưng Bộ GTVT đã có nhận đình trùng khớp và cần có thêm thời gian ... |
Yêu cầu Vietnam Airlines giải trình về tiêu cực đào tạo phi công
Bộ trưởng GTVT yêu cầu Vietnam Airlines giải trình về bất cập trong việc đào tạo, phỏng vấn, kiểm tra phi công theo nội dung ... |
Chàng trai nỗ lực trở thành phi công trẻ nhất bay khắp toàn cầu
Chàng trai tên Mason William Andrews ở bang Louisiana (Mỹ) bắt đầu nỗ lực trở thành phi công trẻ nhất bay khắp toàn cầu. |