Đào tạo 4.800 lao động phục vụ khai thác sân bay Long Thành

Ngày 10/2, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ dự án sân bay Long Thành giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030…

Đề án đặt mục tiêu tổ chức đào tạo, hỗ trợ tìm việc làm trong và ngoài sân bay cho người lao động thường trú tại Đồng Nai đến năm 2030 cho 4.800 người, chia làm hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn 2024 - 2026 thực hiện chính sách lồng ghép tổ chức đào tạo cho 1.600 người. Giai đoạn 2027 - 2030 vừa tổ chức đào tạo lồng ghép vừa đặt hàng đào tạo cho 3.200 người.

Việc đào tạo sẽ có sự gắn kết về cung - cầu lao động, phối hợp giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp tuyển dụng, người sử dụng lao động. Thống nhất về cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vào làm tại sân bay Long Thành.

Đào tạo 4.800 lao động phục vụ sân bay Long Thành -0
Các công trình trang sân bay Long Thành.

Dự kiến sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào cuối năm 2026. Để kịp thời đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành sân bay, Đồng Nai phối hợp cùng các đơn vị đã và đang triển khai công tác đào tạo nguồn lao động.

Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra nhu cầu nhân sự và lao động phục vụ xây dựng và khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 1 cần 13.769 lao động, tập trung vào 5 lĩnh vực. Do đó, tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức đào tạo 1.470 lao động phục vụ sân bay Long Thành với 10 chức danh theo yêu cầu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, kịp thời đảm bảo nhân lực khi sân bay Long Thành đi vào vận hành. Ngoài ra, nhu cầu nhân lực các ngành nghề dịch vụ phục vụ ngoài sân bay như  logistics, nhà hàng, khách sạn, du lịch, thương mại, lưu thông hàng hóa, dịch vụ...

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 3 triệu người, trong đó trong độ tuổi đủ để được đào tạo nghề khoảng 1,75 triệu người, thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm có khoảng từ 30.000 đến 35.000 người tốt nghiệp THPT. Tại Đồng Nai hiện có 10 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 5 trường đại học, hàng năm có quy mô và khả năng đào tạo từ 20.000 đến 25.000 người.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ tại Đồng Nai còn thấp, năm 2023 chỉ chiếm 22,82% nên còn khoảng 77,18% nhân lực cần phải đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo để có cơ hội tham gia vào thị trường lao động chuyên ngành hàng không và đáp ứng được yêu cầu theo quy định của ngành vận tải hàng không.

Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 121 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn doanh nghiệp đóng góp.

Ngọc Sơn / CAND