Là một trong những người tích cực phê phán nạn đạo nhạc nhiều năm trước đây, song chính nhạc sĩ Trần Minh Phi cũng lắc đầu cho rằng có chỉ trích thế nào đi nữa thì cũng... vô ích. Nạn đạo nhạc chỉ chấm dứt khi trình độ dân trí của người nghe tăng lên và họ được trang bị đầy đủ kiến thức để tự “quăng” thứ rác văn hóa đó ra khỏi đầu.
Sơn Tùng chỉ thay beat trong ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” chứ không bị xử lý vì đạo nhạc.
Vì sao anh tỏ ra chán nản khi đề cập đến vấn nạn đạo nhạc phổ biến hiện nay?
- Là bởi tôi đã nói nhiều về vấn đề này rồi. Việc đạo nhạc bị lên án nhưng không ai xử lý thì sẽ trở thành thói quen. Và một khi thói quen đó ăn sâu trong tiềm thức thì người ta thấy đó là chuyện bình thường, thế nên nói cũng không có ý nghĩa gì nữa. Giống như có người đi ăn trộm, bị tố cáo nhưng vẫn không bị bắt thì họ sẽ cho rằng mình không phạm pháp và vẫn tái phạm, dù hiểu rằng về mặt đạo đức là sai.
Chuyện đạo nhạc cũng thế, chỉ còn chờ ứng xử có đạo đức hay không của người sáng tác thôi. Không ai lên án, không ai kết tội thì người ta sẵn sàng đạo nhạc, miễn có người nghe, có người khen ngợi, miễn nổi tiếng, có tiền... Họ đạt được mục đích, còn phương tiện hay cứu cánh thế nào thì không còn là vấn đề.
Những người có quy phạm đạo đức đặt ra cho mình thì sẽ không cho phép đạo nhạc. Nhưng những nhạc sĩ trẻ bây giờ chỉ quan tâm hai yếu tố: Bài hát có ăn khách hay không và có bị cấm hay không. Thậm chí, họ chấp nhận mang tiếng... ăn cắp.
Thứ hai, về mặt pháp lý, không ai xử lý, cấm hay phạt nên chẳng có gì phải sợ cả. Vậy nếu cứ chê bai, phê phán thì cũng không mong thay đổi được gì mà ngược lại, càng khiến họ nổi tiếng hơn. Ở đây cần có sự thay đổi về gốc rễ.
Các đơn vị liên quan tới tác quyền thì sao? Và vì sao họ không lên tiếng?
- Trung tâm bảo vệ quyền tác giả trong âm nhạc, bản thân cũng chỉ thu tiền tác quyền. Hơn nữa, trung tâm này trực thuộc Cục Bản quyền, một khi Cục Bản quyền không xử lý việc đạo nhạc thì trung tâm này cũng không làm được gì cả. Và Cục Bản quyền còn phụ thuộc vào Bộ VHTTDL. Bao giờ có quyết định tác giả nào đạo nhạc, bài nào không được phổ biến thì trung tâm mới không trả tác quyền cho tác giả đó.
Có trường hợp ca khúc nhạc phim “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng M-TP từng bị nghi là đạo nhạc nhưng lại không bị xử lý, ngoài việc Bộ VHTTDL yêu cầu Sơn Tùng M-TP phải thay phần beat thì mới được phép lưu hành, anh nghĩ sao?
- “Lịch sử đạo nhạc” lặp đi lặp lại nhiều lần, tôi nghĩ mình có viết thêm 10 bài đi chăng nữa thì cũng không thay đổi vấn đề. Ngay cả những người sáng tác chân chính cũng không đồng nhất quan điểm về đạo nhạc. Ví dụ như nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng đứng lên bênh vực Sơn Tùng. Và cả những người sáng tác chuyên nghiệp vẫn phân ra làm hai luồng chấp nhận và không chấp nhận việc đạo nhạc.
Thậm chí, có người còn nói có bắt chước thì nhạc mới hay, hoặc chẳng qua là “ảnh hưởng”, là “học tập”... Thế nên khi chưa có quy chuẩn, tất cả trở nên lộn xộn, bát nháo. Tốt nhất là đừng kết án chuyện đạo nhạc làm gì vì không có tác dụng.
Nhưng hệ lụy là cuối cùng khán giả chịu trận?
- Tất cả quy về một mối là do dân trí của khán giả quyết định mà thôi! Khán giả chấp nhận thì đạo nhạc tồn tại. Cách nghe nhạc của người Việt hiện nay đang ở dưới đáy nên giờ có chê bai cách mấy thì người ta vẫn nghe những bản hit đạo nhạc.
Có những nước dân trí cao, người ta không chấp nhận nghe bài đạo nhạc thì tự nhiên bài hát đó sẽ chết, chứ không cần ra văn bản cấm gì cả. Còn ở ta, nếu càng nhắc, càng phê phán thì lại như càng tiếp tay, quảng cáo cho họ thêm, người ta đổ xô xem vì tò mò.
Như Sơn Tùng M-TP chẳng hạn, bài đầu đạo nhạc nhưng nếu bài sau dù không đạo đi chăng nữa thì người ta vẫn cứ vào xem, nghe rất đông vì tò mò. Các bài sau dù không chất lượng nhưng lượt người xem, chia sẻ càng nhân lên cấp số cộng, cấp số nhân… Cho nên, theo tôi chỉ còn cách nâng cao trình độ dân trí của người nghe để chống lại nạn đạo nhạc. Mà muốn vậy, cần hệ thống giáo dục đỉnh cao kéo dài qua nhiều thập niên nữa để đào tạo thế hệ người nghe mới. Chính thế hệ đó sẽ tự tay quẳng đi những rác rưởi văn hóa kia.
Vậy nhạc Việt tử tế, những người làm nghề tử tế đang ở đâu, theo anh?
- Với tôi, những thứ nói trên không phải là âm nhạc mà chỉ đơn thuần là giải trí. Tôi không tham gia vào thị trường giải trí vì không muốn đánh đồng bản thân với những người sáng tác kiểu đó. Đối với tôi, âm nhạc phổ thông bao gồm ca khúc dường như không tồn tại, ngoài những bài nhạc giải trí được sao chép, mua vui là chính chứ không có gì ở góc độ giáo dục, nghệ thuật. Hoàn cảnh bắt buộc người sáng tác tử tế phải dừng lại, hoặc đi đường khác, né “hòn đá to” không thể dời được đó ra.
Tất cả phải đợi đến khi dân trí toàn dân cao hơn, đợi khi đầu tư về đào đạo nhiều hơn để nhận thức về thẩm mỹ, đạo đức con người thay đổi, khi đó nhạc sĩ tự xấu hổ khi đi ăn cắp nhạc của người khác. Họ biết ý thức về nghề nghiệp, không chạy theo danh lợi và kiếm tiền, hiểu rằng có tiếng và có tiền chưa đủ nếu chưa có chữ liêm sỉ thì lúc đó mới tồn tại môi trường sáng tạo trong âm nhạc phổ thông ở Việt Nam được.
- Xin cảm ơn!
Ca sĩ Việt liên tục bị tố đạo nhạc Hàn: Cả Vpop bị ảnh hưởng bởi Kpop?
Trong 2 tháng đầu năm, ít nhất 4 ca sĩ Việt bị nghi ngờ đạo nhạc Hàn. Việc Vpop liên tục dính nghi án phản ... |
Kỳ 1: Các bản hit đều dính lùm xùm đạo nhạc
Liên tục vài năm gần đây, nhiều bản hit “làm mưa, làm gió” trên thị trường giải trí đều ít nhiều dính đến đạo nhạc. |
Vpop đầu năm: Thiết lập nhiều kỷ lục nhưng vô số lùm xùm đạo ý tưởng
"Người lạ ơi" đã lập nên nhiều kỷ lục về lượt nghe, lượt xem MV. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích của Vpop, khán giả ... |