TS Vũ Thu Hương cho rằng phương pháp học vần từ Công nghệ Giáo dục đã được thực hiện 5 năm nay, các trường áp dụng đều phản hồi là học sinh nhanh biết đọc, biết viết và không sai lỗi chính tả
Không phải là lần đầu tiên dư luận xuất hiện ý kiến phản đối chương trình Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Những lần trước, dần dần, các học sinh và phụ huynh hiểu ra và đã ủng hộ chương trình này.
Cách đây 5 năm, trường Tiểu học Thực Nghiệm đã bị các phụ huynh đạp đổ cổng vì muốn xin cho con vào đó để học khi GS. Ngô Bảo Châu (người từng học ở đây) nhận giải thưởng Fields. Tuy nhiên, lúc đó có lẽ các phụ huynh đó không hề biết rằng, tại trường Thực Nghiệm, học sinh sẽ học Tiếng Việt theo một phương thức hoàn toàn khác với đại trà. Trường Tiểu học Thực Nghiệm là nơi đầu tiên được áp dụng chương trình Tiếng Việt Công nghệ của GS. Đại, người sáng lập ra trường.
Gần đây, khi có một clip được đưa lên mạng nói về cách dạy và học Tiếng Việt theo Công nghệ Giáo dục, một làn sóng phản đối xuất hiện rầm rộ chưa từng thấy. Đã có những phụ huynh gần như lạc cả giọng đi khi tranh cãi, đã có những luật sư nghĩ đến việc kiện tụng, cũng đã có những phụ huynh nghĩ đến việc cho con nghỉ học để phản đối.
Một số phụ huynh đã hỏi ý kiến của tôi trên cương vị một phụ huynh và một người nghiên cứu sư phạm. Câu trả lời của tôi như sau:
Nếu đứng ở phương diện phụ huynh, tôi chắc chắn sẽ ủng hộ phương pháp dạy học vần của thầy Hồ Ngọc Đại. Lý do là việc học vần chỉ là cách để trẻ có thể đọc thông viết thạo. Tuy nhiên, Tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ đơn giản. Có rất nhiều cách đọc và ngữ nghĩa bất nguyên tắc. Điều này gây khó khăn cho trẻ em, những người lần đầu tiên tiếp xúc với việc đọc, viết Tiếng Việt.
Nếu có phương pháp nào rút ngắn thời gian của công việc khó khăn này mà vẫn hiệu quả, tôi sẽ không có lý do gì để không ủng hộ phương pháp đó. Thêm nữa, phương pháp nào khiến trẻ nhớ chính tả để không bị sai, chắc chắn tôi sẽ ủng hộ phương pháp đó.
Nếu đứng trên phương diện của người làm sư phạm, tôi sẽ điều tra kĩ càng điểm mạnh yếu của phương pháp một cách tổng thể. Không thể vì một vài chi tiết cực kì nhỏ mà hủy đi một phương pháp tốt được. Chính vì vậy, chắc chắn tôi sẽ dành thời gian nghiên cứu nhiều hơn.
Việc ứng dụng phương pháp học vần từ Công nghệ Giáo dục vào học sinh phổ thông đại trà đã được thực hiện 5 năm nay và thu được nhiều kết quả tốt. Các trường áp dụng phương pháp này đều phản hồi là học sinh nhanh biết đọc, biết viết và không sai lỗi chính tả. Như vậy, đây thật sự là một phương pháp dạy học tốt.
Điều đặc biệt là GS. Hồ Ngọc Đại đã tự mình nghiên cứu, tìm tòi và đề xuất ra phương pháp này mà không có sự trợ giúp kinh tế nào. Việc chỉnh sửa để áp dụng phương pháp của GS sẽ giúp chúng ta tiết kiệm một khoản kinh phí khổng lồ phục vụ việc nghiên cứu các phương pháp dạy học Tiếng Việt phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Với phụ huynh, những cựu học sinh tiểu học cách đây chừng 20 – 30 năm, việc làm quen với một phương pháp dạy học mới chắc chắn là sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Một số phụ huynh thấy kì lạ vì nó quá khác biệt so với những gì mà họ đã được học trước đây. Tuy nhiên, nghiên cứu thật kĩ, từ năm 1945, thành lập nước Việt Nam độc lập đến nay, chúng ta đã có rất nhiều lần thay đổi phương pháp dạy học vần.
Ví dụ, với học sinh học tầm những năm 60 của thế kỉ trước, đánh vần từng chữ hờ-ư-hư-ơ-hươ-ngờ-hương-huyền-hường. Đến những năm 80 của thế kỉ trước thì lại thay đổi đánh vần kiểu: ư-ơ-ngờ-ương-h-ương-ương-huyền-hường. Đến những năm 2000 lại là: ương-hờ-ương-hương-huyền-hường.
Ba thế hệ là ba cách đánh vần, nhưng rốt cuộc thì cả ba thế hệ vẫn đọc là hường chứ chẳng thay đổi chút gì. Đến nay, việc áp dụng một phương pháp dạy học mới thì chữ "hường" vẫn được đánh vần để đọc thành "hường" chứ không thể đổi thành chữ khác được.
Việc chúng ta thay đổi cách học vần cho đổi mới và hiệu quả là điều nên làm mặc dù với nhiều phụ huynh, điều này quá lạ lẫm, khó tiếp nhận.
Một lý do nữa khiến các phụ huynh phản đối là vì có ý kiến cho rằng đây là phương án của GS. Bùi Hiền, người đã đề xuất một bộ chữ cái cải tiến. Đây rõ ràng là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng. GS. Hồ Ngọc Đại đã tìm ra phương pháp học Tiếng Việt này cách đây tầm 40 năm, trước thời điểm bộ chữ cái cải tiến của GS. Bùi Hiền xuất hiện rất lâu. Sự nhầm lẫn này đã khiến mọi việc trở nên nghiêm trọng.
Về góc độ tâm lý giáo dục, tôi cho rằng, khi tiếp xúc với một cải cách mới mẻ, chúng ta rất cần phải nghiên cứu thật kĩ lưỡng trước khi đưa ra các nhận định cá nhân. Bởi vì nếu chúng ta chưa tìm hiểu rõ ngọn ngành mà lập tức cho ý kiến về cải cách hay sáng kiến mới mẻ nào đó, rất dễ đó là một phát ngôn hồ đồ, thiếu kiểm soát. Việc này có thể gây ra hậu quả là các sáng kiến, các ý tưởng cải cách sẽ không dám xuất hiện vì lo sợ bị ném đá, phản đối. Chính lý do này sẽ còn khiến người Việt Nam chúng ta không dám sáng tạo, không dám đổi mới, luôn đi theo lối mòn trong suy nghĩ và hành động dẫn đến ảnh hưởng lớn cho xã hội.
Ngoài ra, khi tìm hiểu một sáng kiến mới, chúng ta cần hiểu rõ ngọn ngành của lĩnh vực mà sáng kiến đó đã đưa ra để tránh việc nhầm lẫn đáng tiếc như một số phụ huynh đã nhầm lẫn ở trên. Điều đó không chỉ không giúp ích cho trẻ mà còn gây ra vô khối những khó khăn cho những người làm giáo dục vốn đã quá thiếu thời gian cho công việc giảng dạy và chăm sóc trẻ.
Điểm giống và khác nhau giữa sách Công nghệ Giáo dục và chữ cái cải tiến của PGS Bùi Hiền
PGS Bùi Hiền chỉ ra điểm giống và khác nhau về cách đọc chữ giữa sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ... |
"Cách đánh vần lạ không liên quan chương trình phổ thông mới"
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định cách đánh vần lạ khiến nhiều người hoang mang không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới. |
Đánh vần theo sách Công nghệ Giáo dục: Những điều phụ huynh chưa biết
Dưới đây là cách đánh vần theo sách Công nghệ Giáo dục để phụ huynh có thể tham khảo và hướng dẫn các con. |