Bày tỏ sự không đồng tình đối với dự thảo dự án Luật thuế tài sản mà bộ Tài chính đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ cần minh bạch đầu ra, giảm thất thoát ngân sách, tinh gọn bộ máy để tiết kiệm chi tiêu.
Không hợp lý
Sau khi bộ Tài chính đề xuất dự thảo đánh thuế tài sản - trong đó có việc đánh thuế nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở trong dự thảo của bộ Tài chính là không hợp lý.
Theo ông Hiếu, một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
“Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở. Hiện tại, Nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không?" - ông Hiếu phân tích.
"Nguyên tắc thứ 2, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp”, vị chuyên gia bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.
Chuyên gia kinh tế này nhìn nhận, những năm vừa qua bộ Tài chính liên tục và dồn dập đề xuất tăng thuế để thu vào ngân sách. Tuy nhiên, lại không minh bạch về đầu ra, chi nguồn ngân sách đó ra sao. Trong khi đó, nếu kiểm soát tốt đầu ra thì hoàn toàn có thể chặn đứng việc bội chi ngân sách.
“Trong khi đầu vào thì tăng hết thuế này, thuế kia nhưng đầu ra thì thất thoát, đầu tư tràn lan không hiệu quả gây bức xúc trong dư luận. Tại sao bộ Tài chính không nghĩ đến việc cải thiện đầu ra rồi hãy tính đầu vào? Còn cứ nhăm nhăm thu thuế mà không kiểm soát được đầu ra thì tương lai sẽ đẻ ra nhiều loại thuế khác mà người dân phải gánh”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Nên thu thuế nhà từ 5 tỷ đồng trở lên
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chia sẻ: “Thời gian qua, bộ Tài chính đã đưa ra rất nhiều đề xuất tăng thu ngân sách nhưng không đưa ra giải pháp giảm chi ngân sách. Nếu làm bài bản thì hàng năm có thể tiết kiệm hàng trăm ngàn tỷ đồng chi tiêu, không phải tăng thu thế để bắt người dân đóng góp”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI.
Theo ông Hải, việc đánh thuế tài sản không nên đặt nặng vấn đề tăng thu ngân sách mà chỉ nên sử dụng để điều hòa giá bất động sản, tránh việc đầu cơ đất giúp tăng lượng tiền lưu thông. Bên cạnh đó cũng không nên đánh thuế đối với những người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp mà nên nghiên cứu để áp dụng đối với những người giàu.
“Thuế tài sản chỉ nên thu ở mức sàn nhà từ 5 tỷ đồng trở lên. Phải nghiên cứu tập trung vào những người giàu có 2-3 nhà đất để tránh tình trạng đầu cơ hoặc căn cứ vào thuế thu nhập cá nhân là biết ai có thu nhập cao”, ông Hải chia sẻ.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch VAFI cho biết, ở Mỹ hay nhiều nước trên thế giới việc đánh thuế tài sản đã giúp họ bình ổn giá đất.
“Giá đất của họ rất thấp nhưng nhờ sự khống chế của luật thuế tài sản nên không có tình trạng người giàu bỏ tiền vào đầu cơ đất mà nguồn tiền ấy sẽ đưa ra thị trường để kinh doanh hoặc mua bán cổ phiếu… Nếu giá đất giảm sẽ không có tình trạng những con đường đắt nhất hành tinh”, ông Hải bày tỏ.
Phó Chủ tịch VAFI cũng đề nghị bộ Tài chính cùng Chính phủ phải xét đến việc cắt giảm biên chế thực hành tiết kiệm ngân sách bởi nguồn ngân sách chi trả cho bộ máy hiện nay là quá lớn. Ngoài ra, vị này cũng cho rằng bộ Tài chính cần phải lấy ý kiến người dân, lắng nghe nhiều chiều để có giải pháp hài hòa, không để người dân phải "cõng" quá nhiều loại thuế.
Trả lời báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (bộ Tài chính) cho rằng: "Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mục tiêu Chính phủ hướng tới năm 2020, diện tích nhà bình quân theo đầu người đạt 25m2/người. Bình quân mỗi gia đình 4 người, nên diện tích trung bình cần cho một hộ gia đình là 100m2. Còn đơn giá xây dựng mỗi mét vuông nhà theo Quyết định của bộ Xây dựng là 7,3 triệu đồng/m2". Từ 2 cơ sở trên, bộ Tài chính tính ra kết quả, đơn giá bình quân cho đầu tư xây dựng nhà tối thiểu của người dân là 730 triệu đồng (cho nhà 100m2 với 4 người). Từ đó, bộ Tài chính đã đề xuất ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng (chỉ tính thuế với phần vượt hơn 700 triệu đồng). Với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng sẽ không điều tiết thuế với những người sở hữu nhà ở có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình; không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV; không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp 3. Dự án luật Thuế tài sản sẽ có tác động đến mọi người dân trong xã hội, nhưng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, đảm bảo công bằng. Trong khi đó trong văn bản 3543/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ cho biết: "Việc bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tài sản là thực hiện theo quy định của luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án Luật". |
Những nhà ở nào không phải chịu thuế theo dự thảo của Bộ Tài chính?
Trong Dự thảo về Luật Thuế tài sản Bộ Tài chính vừa công bố gây xôn xao dư luận, các loại nhà công vụ, nhà ... |
ĐBQH: “Dân còn nghèo, cần phải cân nhắc kỹ về chính sách thuế nhà ở!”
Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ... |
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà đất có giá trị trên 700 triệu đồng: Nguy cơ thuế chồng thuế
Phương án thu thuế bất động sản đối với nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên trong Dự án Luật Thuế tài sản ... |