UBND TP.HCM vừa có đề xuất đưa điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm… vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt . Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những mặt hàng trên là nhu cầu cơ bản của người dân, việc đánh thuế sẽ đánh bật người dân ra khỏi thế giới công nghệ, kéo lùi sự phát triển và văn minh
Cần khuyến khích người dân dùng điện thoại thông minh để hòa nhập với thời đại 4.0 |
Thuế tiêu thụ đặc biệt không thể áp dụng tràn lan
Trong văn bản góp ý "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước", UBND TP.HCM kiến nghị bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa, dịch vụ như điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm,...
Theo UBND TP.HCM, các sản phẩm trên cần bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì thuộc nhóm khá cao cấp, qua đó giúp mở rộng điều tiết thuế của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc tăng thuế hay mở rộng diện chịu thuế đều cần có sự thận trọng và lấy ý kiến rộng rãi đến người dân.
Theo ông Hiếu, để giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách là cần tăng thu để bù đắp. Tuy nhiên, khi một quyết định thuế ra đời giống như một con dao hai lưỡi, nếu không có sự thận trọng sẽ cản trở sự phát triển của đất nước.
Theo ông Hiếu, việc đánh thuế hay tăng thuế nên tập trung vào những nguồn thu đã có nhưng còn thất thoát, như khai thác khoáng sản, bất động sản (với những cá nhân có trên 2 căn nhà), doanh thu từ thương mại điện tử, chuyển giá...
Còn những mặt hàng tiêu dùng cần thiết và chính đáng của người dân như điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm thì nên tạo điều kiện để người dân thụ hưởng.
Kéo lùi sự phát triển và văn minh
Chiều 9.5, trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cho rằng, việc đưa một số mặt hàng như điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm,...vào diện thu thuế đặc biệt là kéo lùi sự phát triển và văn minh.
Theo bà, Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển công nghệ 4.0, thì cần phải tạo điều kiện và khuyến khích người dân dùng điện thoại thông minh để hòa nhập vào thế giới văn minh.
"Điện thoại hiện nay không chỉ có chức năng nghe gọi, người dân còn truy cập mạng, đọc báo, nắm bắt kịp thời những quy định của Đảng và Nhà nước. Điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến, thông dụng và cần thiết cho người dân nên không thể xem là mặt hàng xa xỉ để đánh thuế cao. Nếu áp thuế cao dẫn đến giá cao nhiều người không mua được, đồng nghĩa người dân bị đánh bật ra khỏi thế giới công nghệ, kéo lùi sự phát triển và văn minh." - bà Trân nói.
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Hồng Bàng cho biết, ông không đồng ý với đề xuất đưa những mặt hàng điện thoại, mỹ phẩm, nước hoa,... vào diện thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Hùng, những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng đến người dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, những quyết định và chính sách thuế cũng phải hướng đến quyền lợi và lợi ích chung của nhân dân.
Thời đại hiện nay, người dân được quyền hướng tới ăn ngon mặc đẹp và thụ hưởng những nhu cầu làm đẹp thiết yếu. Điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm là những sản phẩm cần thiết trong xã hội hiện đại và phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Nam Bình - Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, việc đề xuất trên là xuất phát từ UBND TP.HCM chứ không phải của Cục thuế TP.HCM.
Theo ông Bình, quan điểm của ngành thuế khi mở rộng cơ sở thuế, bên cạnh việc tăng thuế mặt hàng này hay đưa vào diện thu thuế đối với mặt hàng kia, thì còn đi kèm với chính sách, biện pháp để thu đúng, thu đủ và đảm bảo công bằng.
Chuyên gia phản hồi về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt của TP.HCM
Đánh giá về đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt đối với điện thoại di động, camera, mỹ phẩm, dịch ... |
'Hầu hết quốc gia chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động'
Các chuyên gia cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt nhắm vào hàng xa xỉ, trong khi điện thoại di động là hàng tiêu dùng ... |