Đằng sau lùng nhùng sản phẩm Vipdervir của Cty Vinh Gia và Viện Hàn lâm KHCN VN

Ngày 12/8, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam yêu cầu Công ty Vinh Gia đổi tên sản phẩm Vipdervir C do gần giống tên thuốc đang nghiên cứu thử nghiệm điều trị COVID-19.

Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) ra thông báo về sản phẩm thuốc thử nghiệm Vipdervir và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Vipdervir C do Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia sản xuất và quảng cáo.

Về việc này, Viện Công nghệ sinh học đã ban hành công văn nêu rõ, việc Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia đơn phương sản xuất, đăng ký lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Vipdervir C là không đúng với nội dung hợp đồng Hợp tác công nghệ sản xuất (chế phẩm Vipdervir) ký ngày 20/3/2020 giữa hai đơn vị.

Viện Hàn lâm yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia thay đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C để tránh hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Đằng sau lùng nhùng sản phẩm Vipdervir của Cty Vinh Gia và Viện Hàn lâm KHCN VN - 1
Hai sản phẩm thực phẩm chức năng Vipdervir C của Công ty Vinh Gia (trái) và thuốc điều trị COVID-19 Vipdervir của Viện Hàn lâm có mẫu mã và tên gọi na ná nhau.

Ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 Vipdervir từ thảo dược. Công trình đã hoàn thành giai đoạn tiền lâm sàng và sẽ thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn tiếp theo.

Sản phẩm này được nhóm nghiên cứu giới thiệu tác dụng ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ; ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào (đối với những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ); kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus.

Nhưng ngay sau công bố trên của Viện Hàn lâm, mạng xã hội xôn xao về sản phẩm khác tên Vipdervir C do Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia sản xuất, giá 300 nghìn đồng/hộp 30 viên. Vipdervir C được Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cấp phép lưu hành ngày 29/6. Đây là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải thuốc.

Hai sản phẩm có tên na ná nhau, thậm chí thiết kế rất giống nhau khiến người tiêu dùng đặt nghi vấn có hay không việc lập lờ đánh lận con đen, lợi dụng các nhà khoa học để gây tình trạng sốt ảo để trục lợi khi người dân đổ xô đi mua sản phẩm trong mùa dịch?

Tối 11/8, Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia có văn bản phản hồi về sự việc. Công ty cho hay, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Vipdervir C là "thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Nó có tác dụng “hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do virus, do sức đề kháng kém gây ra”.

Dù được công bố từ ngày 29/6, nhưng vì nhiều lý do chủ quan, khách quan mà đến nay công ty chưa truyền thông quảng cáo cho sản phẩm này trên bất kỳ phương tiện truyền thông. Sản phẩm cũng chưa được bày bán tại các nhà thuốc. "Do đó những tin đồn thất thiệt, cho rằng Công ty Cổ phần dược Vinh Gia cố tình khiến người dân hiểu nhầm rằng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Vipdervir C là thuốc Vipdervir hoàn toàn không đúng", thông cáo của công ty nêu.

Đằng sau lùng nhùng sản phẩm Vipdervir của Cty Vinh Gia và Viện Hàn lâm KHCN VN - 2
Đằng sau lùng nhùng sản phẩm Vipdervir của Cty Vinh Gia và Viện Hàn lâm KHCN VN - 3
Thông cáo của Công ty Cổ phẩn Dược phẩm Vinh Gia.

Điều đáng nói, trong thông tin gửi báo chí, công ty này cho thấy "không liên quan" đến Vipdervir - thuốc điều trị COVID-19 được Viện Hàn lâm công bố. "Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia không phải là đơn vị tổ chức, không tham gia tổ chức và cũng không gửi giấy mời các đơn vị tới tham gia tại buổi họp báo này", thông cáo có đoạn.

Không chỉ vậy, trong đường link thông tin về kết quả nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 được đăng tải trên website cũng bị công ty gỡ bỏ. Mặt khác, Vipdervir C được quảng cáo có giá bán lẻ là 300.000 đồng/ lọ 30 viên. Nhưng ngay khi vướng phải hoài nghi từ dư luận thì thông tin về sản phẩm này không còn trên web.

PHẠM QUÝ

Bộ Y tế thu hồi công văn về 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19 Bộ Y tế thu hồi công văn về 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19
Mỹ đặt cược vào thuốc chữa Covid-19 Mỹ đặt cược vào thuốc chữa Covid-19
Hành trình tìm nơi sản xuất, người rao bán "thần dược" chữa Covid-19 Hành trình tìm nơi sản xuất, người rao bán "thần dược" chữa Covid-19

/ vtc.vn