Các vị khách đến từ xứ sở mặt trời mọc cũng phải bất ngờ vì ở Việt Nam có những mặt hàng xách tay còn rẻ hơn mua tại thị trường Nhật.
Người tiêu dùng Việt Nam xưa nay vốn chuộng các sản phẩm có xuất xứ Nhật Bản. Để đáp ứng nhu cầu này, giới kinh doanh không tiếc công vận chuyển đủ thể loại hàng Nhật về nước, từ những thứ nhỏ như cây tăm tới cả chiếc tủ lạnh 6 cánh cồng kềnh giá hàng trăm triệu.
Chưa bàn đến chất lượng hàng Nhật xách tay, điều đầu tiên khiến khách hàng đau đầu chính là hiện tượng loạn giá. Cùng một sản phẩm nhưng có rất nhiều người bán với giá khác nhau, ai cũng khẳng định hàng của mình là loại xịn, có người thân từ bên Nhật gửi về. Thậm chí, trong số đó có những sản phẩm giá còn rẻ hơn tại thị trường nội địa.
Vậy nguồn gốc của những loại hàng này là như thế nào? Cùng điểm qua một số mặt hàng đáng chú ý.
Vòng điều hòa huyết áp Toma
Đây là sản phẩm do một công ty Nhật Bản có tên là Nichiou sản xuất. Với thành phần cấu tạo từ Germanium và đá từ tính, những chiếc vòng Toma được cho là có tính năng điều hòa huyết áp, tốt cho sức khỏe nên được nhiều người lùng mua làm quà tặng cho người thân trong gia đình.
Những chiếc vòng Toma "triệu rưỡi" đã được hàng trăm người đặt mua trên sàn thương mại điện tử. |
Tại gian hàng chính hãng công ty Nichiou trên trang web Amazon Nhật Bản, giá của sản phẩm này dao động từ 29.000 tới 47.000 Yên (khoảng 6-10 triệu đồng). Thế nhưng tại Việt Nam, dễ dàng tìm thấy những chiếc vòng Toma được bán giá chỉ 1,5-3 triệu đồng.
Theo lời một du học sinh Nhật Bản, công ty Nichiou có giảm giá sản phẩm vào một số dịp lễ trong năm nhưng chưa bao giờ hạ xuống mức 1,5 triệu đồng. Chưa kể còn chi phí xách tay hàng về Việt Nam, không hiểu các gian hàng online kiếm lãi như thế nào từ sản phẩm này.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia y tế khuyến cáo, ngay cả đối với hàng thật chính hãng Toma đến từ Nhật Bản cũng chưa có bằng chứng rõ ràng nào chứng tỏ công dụng điều hòa huyết áp. Vì vậy, người tiêu dùng không nên chi số tiền quá lớn để mua sản phẩm này.
Sữa Meiji
Meiji là thương hiệu sữa rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Mặc dù chính đại diện hãng sữa này thừa nhận sản phẩm sữa dành cho thị trường nội địa Nhật Bản không đáp ứng được tiêu chuẩn của Việt Nam về hàm lượng i ốt (do thói quen ăn uống và sinh hoạt người dân 2 nước khác nhau). Thế nhưng, sản phẩm sữa xách tay nội địa Nhật vẫn được các bà mẹ Việt tin dùng.
Sữa Meiji bán tại Việt Nam rẻ hơn bên Nhật mặc dù phải gánh phí vận chuyển. |
Giá một hộp Meiji 800 gram loại số 0 (dành cho trẻ dưới 1 tuổi) ở Nhật Bản khoảng 2.500 Yên, quy đổi ra 550.000 đồng. Còn giá tại Việt Nam dao động từ 460.000 tới 800.000 đồng một hộp. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về nguồn gốc xuất xứ của những hộp sữa bán dưới giá gốc thế nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng cho vấn đề này.
Thịt bò Kobe
Đây được mệnh danh là loại thịt bò ngon và đắt nhất thế giới. Theo quy định của chính phủ Nhật, thịt bò Kobe phải là thịt của giống bò lông đen Tajima, nuôi theo chế độ đặc biệt đến từ tỉnh Hyogo nước này. Bất kỳ loại thịt bò nào khác dù nuôi theo chế độ đặc biệt như cho uống bia, mát xa, nghe nhạc nhưng không phải đến từ Hyogo thì cũng không được đặt tên là thịt bò Kobe, mà chỉ được gọi là Wagyu (thịt bò nuôi theo phong cách Nhật).
Giá bò Kobe tại Nhật Bản tùy theo chất lượng dao động từ vài trăm tới cả nghìn USD/kg. Mặc dù giá cao nhưng Nhật Bản cũng không chú trọng tới xuất khẩu lấy ngoại tệ mà chủ yếu dành tiêu thụ trong nước.
Thịt bò "Kobe Úc" bán chạy trên Facebook vì giá rẻ. |
Trên Facebook hiện nay có nhiều chủ shop rao bán thịt bò Kobe xách tay với giá vài triệu đồng/kg. Tuy nhiên, đó là cách gọi lập lờ đánh lừa người tiêu dùng. Thực chất, đây chỉ là thịt bò Wagyu chứ không phải Kobe thứ thiệt. Chính phủ Nhật không cho phép bán thịt bò Kobe dưới dạng xách tay.
Những tên gọi khác như Kobe Úc, Kobe Mỹ dùng để chỉ loại thịt bò Nhật được nuôi tại Úc, Mỹ cũng là cách gọi sai. Chính xác phải là Wagyu Úc và Wagyu Mỹ. Hai loại thịt bò này không được đánh giá cao bằng Wagyu Nhật Bản nên có giá rẻ hơn.
Khẩu trang
Kể từ khi vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn trở nên nghiêm trọng, nhiều người đổ xô đi mua khẩu trang bảo vệ sức khỏe. Trong đó, các loại khẩu trang đến từ Nhật Bản được mọi người dành sự chú ý lớn.
Khẩu trang Nhật Bản cũng đang loạn giá trên thị trường. |
Các thương hiệu như Pitta Mask, UV OShare,... đều có giá 100.000-200.000 đồng cho một gói sản phẩm. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng xuất hiện loại khẩu trang Nhật Bản từ Lạng Sơn giá chỉ dưới 10 nghìn đồng một chiếc. Những chiếc khẩu trang giá rẻ này bán rất chạy, lượng tiêu thụ gấp vài chục lần loại hàng đắt tiền.
Thiết nghĩ mua khẩu trang vốn là để bảo vệ sức khỏe, vì vậy người tiêu dùng không nên vì giá rẻ mà dùng loại hàng không rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Top 10 mẫu xe “mất lòng” khách hàng nhất |
Làn sóng tẩy chay hàng Nhật Bản tại Hàn Quốc giữa căng thẳng thương mại |
Những điều ít người biết về quốc gia bằng phẳng nhất thế giới |