Đề xuất lãnh đạo VFF khóa mới phải có bằng cử nhân có phải là nguyên nhân khiến bầu Đức có những phản ứng rất dữ dội, thậm chí gây áp lực với tuyên bố sẵn sàng bỏ bóng đá, trước thềm Đại hội VIII?
Bầu Đức và HLV Park Hang-seo tại học viện HAGL. Ảnh: Đ.H
Từ tiêu chuẩn mới cho quan chức VFF
Chuẩn bị cho Đại hội VFF khóa VIII vào tháng 4 này, Tiểu ban nhân sự Đại hội mà Trưởng ban là Chủ tịch Lê Hùng Dũng xây dựng Dự thảo đề án nhân sự BCH VFF, với những tiêu chuẩn rõ ràng với các uỷ viên BCH cũng như các vị trí trong Thường trực BCH là bộ sậu lãnh đạo BĐVN.
Theo đó, tiêu chuẩn với một ủy viên BCH là: Công dân Việt Nam từ 25 (hai mươi lăm) tuổi trở lên, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm trong công việc; hiểu biết và có kinh nghiệm trong hoạt động bóng đá hoặc hoạt động thể thao chuyên nghiệp; có năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành; tự nguyện và có khả năng bố trí thời gian để tham gia các hoạt động của BCH VFF; có uy tín cao trong giới chuyên môn, được các tổ chức thành viên tín nhiệm; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành kỷ luật, án phạt.
Với các chức danh lãnh đạo VFF từ vị trí chủ tịch đến các phó chủ tịch, ngoài các tiêu chuẩn chung như nguyên tắc chung và đặc thù của bóng đá như “bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết đối với sự phát triển của bóng đá hay am hiểu sâu sắc, có tư duy ở tầm chiến lược, có uy tín cao trong xã hội và giới chuyên môn, hoạt động nghề nghiệp về bóng đá...” thì có một tiêu chuẩn mới được đưa ra, đó là có bằng Đại học. Trừ PCT phụ trách chuyên môn “trình độ chuyên môn từ cử nhân chuyên ngành bóng đá trở lên” thì các chủ tịch và 2 PCT còn lại (tài chính và truyền thông, đối ngoại) đều “trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên”.
Đề xuất mới có phần lạ lùng này dù bị một số ủy viên BCH phản đối nhưng được đa phần đại biểu đồng ý. Theo tìm hiểu, dự kiến ở Đại hội VFF khóa VIII, tiêu chuẩn có bằng Đại học sẽ được đưa ra để lấy ý kiến biểu quyết để quyết định.
Vì sao quan chức VFF cần có bằng Đại học?
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao phải đặt ra tiêu chí có “trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên” ở kỳ Đại hội VFF khóa VIII này?
Đặt ra câu hỏi đó và đặt VFF bên cạnh với các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác ở thể thao Việt Nam để so sánh, dù do đặc thù nên mỗi liên đoàn, hiệp hội thể thao đều có quy định, cách áp dụng cụ thể khác nhau. Nếu như ở Liên đoàn Điền kinh, việc có bằng đại học được ghi rõ trong tiêu chí thành ủy viên BCH thì ở các Liên đoàn Cầu lông, Bắn súng… hay Hiệp hội Paralympic đều không đưa ra tiêu chí về bằng cấp mà chọn lãnh đạo theo các quy chuẩn chung, nhắm vào những đối tượng cụ thể có tâm huyết, phù hợp và có trình độ, khả năng cũng như điều kiện đóng góp… Thực tế, đa số lãnh đạo các liên đoàn, hiệp hội thể thao ở Việt Nam hiện nay đều có bằng đại học nên đưa tiêu chí bằng cấp là không cần thiết.
VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp chứ không phải cơ quan nhà nước theo ngạch công chức, thế nên, giống như các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhất là thể thao ở trên thế giới đều cần sự góp mặt của các doanh nhân thành đạt, tỉ phú. Với điều kiện “phổ cập cử nhân” như thời đại hiện nay, VFF đặt ra tiêu chí này để làm gì?
Hỏi để tìm câu trả lời cho câu hỏi phía sau phản ứng dữ dội của bầu Đức, với việc tố cáo, “bắt lỗi” khi VFF gạch tên khỏi danh sách đề cử, ứng cử chức danh lãnh đạo VFF dù tuyên bố xin rút trước đó rồi những công kích cá nhân rất nặng nề với ứng viên vị trí PCT phụ trách tài chính Trần Anh Tú cũng như tuyên ngôn gây sốc “sẵn sàng bỏ bóng đá” của bầu Đức… Bởi có thể, đề xuất tiêu chuẩn mới làm lãnh đạo VFF phải có bằng cử nhân chính là nguồn cơn của mọi vấn đề và khiến ông bầu quyền lực này bị động chạm, khi ông không có bằng đại học.
Liệu có hay không một “âm mưu” để loại PCT VFF Đoàn Nguyên Đức ra khỏi cuộc chơi dẫn đến sự bất bình và tổn thương của ông bầu có nhiều đóng góp cho BĐVN?
Hoặc có thể, ông Đức dù chắc chắn sẽ nghỉ VFF, sau khi xin từ chức nhưng BCH VFF khóa VII bác bỏ lá đơn và yêu cầu hết nhiệm kỳ thì nghỉ, chỉ vô tình bị lôi vào một cuộc chơi có tính toán mà ở đó cuộc đua đến những chiếc ghế có tranh đấu lẫn “dọn đường”…
Được biết ở hội nghị BCH VFF khóa VII diễn ra ngày 16.3 với nội dung chuẩn bị cho Đại hội VIII, ủy viên và cũng là 1 trong số 4 ứng viên cho chức danh Chủ tịch VFF nhiệm kỳ mới là nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT TPHCM, ông Lê Quý Phượng đã đứng lên ý kiến, phản đối tiêu chuẩn có bằng cử nhân. Ông Phượng cho rằng không nên đưa ra yêu cầu bằng cấp vì VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp và tiêu chuẩn này không có trong Điều lệ VFF (được Bộ nội vụ phê duyệt). |
VFF có vi phạm Điều lệ? “Ủy viên BCH phải là công dân Việt Nam từ 25 tuổi trở lên có hiểu biết và kinh nghiệm về bóng đá và thể thao, các hoạt động xã hội khác; có điều kiện tham gia các hoạt động bóng đá; có tư cách đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Khoản 5 điều 34 (Ban chấp hành) trong Điều lệ VFF (Sửa đổi, bổ sung 2014) quy định. Như thế, việc đưa thêm tiêu chí có bằng cử nhân của Tiểu ban nhân sự Đại hội VFF có vi phạm Điều lệ của chính VFF? |
Bầu Đức doạ bỏ bóng đá vì lùm xùm VFF: Ông đã cống hiến những gì?
Bầu Đức không chỉ là một người làm bóng đá đơn thuần, ông tự tin không thiếu tiền đầu tư cho bóng đá, bởi lẽ ... |
Lùm xùm trước thềm Đại hội VFF khóa VIII: Đừng đổ lỗi cho “nhân viên đánh máy”
Đại hội VFF khóa VIII chưa diễn ra đã có mâu thuẫn, bất đồng và cả hơi hướng của sự đấu đá. Không ít vấn ... |
“Người trong nhà” lên tiếng “phản pháo” Chủ tịch VFF
Trước phát ngôn của Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng để "phản pháo" bầu Đức về việc Đại hội VFF nhiệm kì ... |