Vì thiếu những đặc tính hảo hán của một dân chơi thứ thiệt, dân chơi cầu Ba Cẳng không được xếp hạng đẳng cấp như dân chơi Sài Gòn.
Cầu Ba Cẳng ở đâu?
Cầu Ba Cẳng là một cây cầu đi bộ với nhiều bậc lên xuống bằng bê tông cốt thép do nhà thầu Brossard et Mopin (Pháp) xây dựng vào giai đoạn hình thành Sài Gòn.
Ban đầu cầu có tên Pont des 3 arches (cầu 3 vòm), sau đó đổi thành cầu Khâm Sai vì do một khâm sai Pháp xây dựng. Tiếp đến cầu còn mang tên cầu Ba Miệng, cầu Ba Chưn nhưng cuối cùng cái tên cầu Ba Cẳng được nhiều người nhắc đến tận hôm nay.
Theo phương ngữ miền Nam, cẳng có nghĩa là chân. Cầu Ba Cẳng là cầu có 3 chân.
Trên đường Bãi Sậy (phường 13, quận 5, TP.HCM), khu vực trước đây có cầu Ba Cẳng, ông Năm Nghị (78 tuổi) cho biết: "Đây là một cẳng, cẳng thứ 2 phía đường Vạn Tượng chạy thẳng đến đường Trịnh Hoài Đức và cẳng thứ 3 trên đường Phan Văn Khỏe ngay phía sau chợ hóa chất Kim Biên.
Cầu nằm trong địa phận phường 13, quận 5, do đã lâu không được bảo dưỡng thường xuyên nên xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1990, cầu sập. Chính quyền xóa sổ luôn cây cầu".
Cầu Ba Cẳng chỉ dành cho đi bộ. Ảnh: Flickr
Ông Năm Nghị chỉ cho chúng tôi xem rạch Hàng Bàng hiện đang được nạo vét. Ông nói trước kia, cầu Ba Cẳng bắt ngang qua rạch nhưng sau đó rạch lấp dần để đến hôm nay chỉ còn một đoạn ngắn.
Khu vực này có kênh Hàng Bàng, rạch Bãi Sậy là thủy lộ giao thương phục vụ hàng hóa cho chợ Bình Tây gần đó nên cũng là nơi tập trung nhiều tay anh chị.
Đã từng có nhiều giai thoại về những nhân vật cộm cán để rồi tiếng dân chơi cầu Ba Cẳng còn lưu truyền đến ngày nay.
Hình ảnh cầu Ba Cẳng không còn. Thay vào đó, nơi trước đây là cầu giờ là nhà cửa san sát. Chúng tôi cố tìm lại dấu vết của cây cầu nhưng không thể. Chỉ còn lại một đoạn ngắn của kênh Hàng Bàng đang thi công nạo vét...
Dân chơi cầu Ba Cẳng
Khu vực này, khi cầu Ba Cẳng và con kênh Hàng Bàng còn tồn tại, là khu vực trên bến dưới thuyền luôn tấp nập người mua kẻ bán.
Ông Năm Nghị kể lại: "Thời ấy giang hồ chia nhau cát cứ những khu vực làm ăn đông đúc để bảo kê thu lợi.
Nhóm giang hồ ở cầu Ba Cẳng cũng có nhiều hoạt động khiến chính quyền để ý, đã lập ra danh sách đen các tay anh chị có “số má” để nhằm ổn định an ninh trật tự".
Mũi tên bên trái là một chân của cầu Ba Cẳng trên đường Trịnh Hoài Đức. Mũi tên bên phải, một chân khác trên đường Phan Văn Khỏe. Tất cả không còn một dấu vết gì của chiếc cầu xưa
Vẫn theo ông Năm Nghị, dân chơi cầu Ba Cẳng chuyên lừa đảo để kiếm tình, kiếm tiền. Một đặc điểm của dân chơi cầu Ba Cẳng là dám làm mà không dám chịu. Khi gặp chuyện các tay anh chị cầu Ba Cẳng luôn tránh né, không dám hiên ngang chống đỡ với đối phương.
Ông Năm Nghị nói tiếp: "Theo nhiều người kể lại, vào khoảng thập niên 1950, một phụ nữ người Hoa góa bụa, ngoài 30 tuổi cư ngụ gần chợ Bình Tây cách cầu Ba Cẳng không xa, giúp việc cho các nhà giàu trong vùng để nuôi đứa con trai là Mã Ban ăn học.
Hết tiểu học, Mã Ban được nhận vào một trường trung học dành cho con em người Hoa ở Chợ Lớn. Càng lớn, Ban càng xao nhãng việc học lao vào ăn chơi khiến mẹ buồn phiền.
Bị mẹ la mắng, Ban bỏ học thu thập đàn em làm bảo kê xử lý các băng nhóm quậy phá ở khu vực cầu Ba Cẳng. Nhờ vậy, Ban có được khá tiền để lao vào các cuộc chơi suốt sáng thâu đêm.
Ban lấy vợ. Vợ Ban là con gái một thương gia người Hoa giàu có. Đến tuổi quân dịch, cha vợ Ban dùng tiền lo lót để Ban trở thành cảnh sát thuộc Tổng nha cảnh sát.
Ở một góc trên đường Bãi Sậy nơi trước đây là chân thứ 3 của cầu Ba Cẳng.
Có tiền, có thế lực, tay anh chị Mã Ban đàn đúm ăn chơi. Vì là cảnh sát, trong người Ban lúc nào cũng có một khẩu súng lục".
Ông Năm nói: "Giới giang hồ và cảnh sát như mặt trời với mặt trăng, thế mà Mã Ban chấp nhận trở thành cảnh sát khiến cho đàn em không phục. Chính vì thế, từ đó thành ngữ dân chơi cầu Ba Cẳng ra đời nhằm để phân biệt với dân chơi thứ thiệt lúc đó: Đại Cathay".
Người đàn ông này chia sẻ thêm, nhiều chuyện kể về Đại Cathay - một tay anh chị đứng đầu nhóm Tứ đại thiên vương - từng khiến đàn em hết sức kính trọng.
Kênh Hàng Bàng đang nạo vét
Thời đó, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan tư lệnh Cảnh Sát là người quyết liệt nhất trong việc “bài trừ du đãng”. Ông ta lập ra “Biệt đội hình cảnh” nhằm tiêu diệt giang hồ.
Những cố gắng của ông Loan trở thành công cốc khi giang hồ vẫn hoành hành. Vì thế, ông đã ra sức chiêu dụ Đại: "Nếu từ bỏ và giải tán nhóm giang hồ đồng thời giúp thanh trừng các thế lực khác, anh sẽ là Đại úy, Cảnh sát trưởng một quận".
Đại khảng khái trả lời: "Tôi không thể làm hài lòng Chuẩn tướng được. Tôi chấp nhận như thế thì còn mặt mũi nào nhìn ai ở đời này". Nhờ vậy, trong mắt giới giang hồ, Đại Cathay mới đáng mặt đàn anh. Lộng hành một thời gian, Đại Cathay sau đó bỏ mạng tại đảo Phú Quốc. Báo chí Sài Gòn bấy giờ cũng được phen rúng động vì cái chết của Đại.
Còn Mã Ban từ một dân chơi trở thành một cảnh sát viên, bỏ mặc đàn em. Sau 1975 Mã Ban rũ bỏ nghiệp giang hồ trở về cuộc sống bình thường, mở nhà hàng ăn uống ở Chợ Lớn.
Máu ăn chơi bạt mạng vẫn còn tràn đầy nên không lâu sau đó nhà hàng phá sản. Cuộc sống Mã Ban trở nên khó khăn. Từ một tay phong lưu trở thành tay trắng, vợ con nheo nhóc thì Mã Ban đúng là thứ... "dân chơi cầu Ba Cẳng".
Báu vật giá siêu khủng: Gốc bàng cổ kỳ bí 600 năm giá 35 tỷ đồng
Ở Việt Nam, có nhiều gốc cây, thân cây khô đã trở thành báu vật, được trả giá siêu khủng. Gắn với đó là những ... |
Dân chơi rầm rộ lên mạng mua linh kiện về lắp súng
Độ sát thương của những khẩu súng cồn không còn là thứ đồ chơi, nó có thể bắn chết người; trong khi đó, việc phát ... |
Cây hoa giấy tiền tỷ
Đã có người Trung Quốc trả cây hoa giấy của ông Đồn 2 tỷ đồng, tuy nhiên những dân chơi cây cảnh trong nước cho ... |
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/dang-cap-hai-tay-choi-khet-tieng-o-sai-gon-404987.html