Ngày 1/3, sở Thông tin & Truyền thông TP.Đà Nẵng thông tin đến báo chí, kết luận của lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng về vụ việc liên quan hàng trăm người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang tập trung phản ứng vì 2 nhà máy thép trên địa bàn gây ô nhiễm.
Kết luận do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh ký nêu rõ, ngày 28/2, lãnh đạo Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp xử lý các nội dung liên quan đến việc người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang tập trung trước trụ sở công ty Cổ phần thép DANA – Ý, công ty Cổ phần thép DANA – UC.
Bức xúc vì ô nhiễm, người dân đã vây nhà máy thép giữa đêm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Đà Nẵng, người dân cần chấp hành pháp luật, tránh để đối tượng xấu lôi kéo, kích động.
Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương và đại diện cho các doanh nghiệp có liên quan phát biểu ý kiến; Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thống nhất giao Văn phòng UBND thành phố tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, khẩn trương hoàn thiện các phương án xử lý liên quan đến việc di dời, giải tỏa tại khu vực 2 nhà máy thép; trình ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét, cho ý kiến để báo cáo xin chủ trương của Thường trực Thành ủy. Việc này phải được tiến hành trước ngày 2/3.
Lãnh đạo Đà Nẵng cũng yêu cầu, trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết, 2 nhà máy thép gây ô nhiễm nói trên phải tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường từ ngày 28/2. Yêu cầu, sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hòa Vang tổ chức giám sát việc tạm dừng hoạt động nêu trên.
Lãnh đạo Đà Nẵng cho phép 2 công ty này được triển khai các hoạt động vận chuyển; bốc, dỡ; xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác. Khi thực hiện việc vận chuyển, xuất, nhập hàng hóa, yêu cầu các doanh nghiệp thông báo cụ thể thời gian, loại phương tiện, số lượng người tham gia cho UBND xã Hòa Liên biết để thực hiện việc giám sát.
Đã đến lúc Đà Nẵng cần dứt điểm trong câu chuyện này. Quá nhiều lần đối thoại sẽ khiến niềm tin của người dân ở lãnh đạo địa phương vơi dần.
Kết luận do ông Hồ Kỳ Minh ký cũng thể hiện, Đà Nẵng mong muốn người dân rõ, hiểu và ủng hộ chủ trương của thành phố cũng như chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng huyện Hòa Vang phải nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi lôi kéo, kích động người dân gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Về vấn đề, trong nhiều cuộc đối thoại với lãnh đạo Đà Nẵng, một số người dân Hòa Liên cũng đã vô tình thừa nhận, có hiện tượng lôi kéo biểu tình. Tuy nhiên, người dân đã không tham gia. Việc họ tụ tập trước nhà máy thép chỉ để thể hiện việc nhà máy này gây ô nhiễm. Người dân tụ tập một cách ôn hòa, không kích động hay đập phá bất cứ tài sản gì, không làm ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự.
Trước đó, như tin chúng tôi đã đưa, nhiều năm qua, người dân xã Hòa Liên nườm nượp kéo lên vây 2 nhà máy thép vì cho rằng hoạt động của 2 cơ sở này gây ô nhiễm. TP.Đà Nẵng nhiều lần đối thoại với dân về vấn đề này và nhập nhằng giữa chuyện di dời dân hay di dời nhà máy. Gần nhất, trong ngày 28/2, giữa cuộc đối thoại với lãnh đạo Đà Nẵng, người dân đã đứng dậy bỏ về giữa chừng vì cho rằng lãnh đạo hứa nhưng không thực hiện.
Đà Nẵng tạm dừng hoạt động hai nhà máy thép
Một ngày sau cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và người dân, Đà Nẵng quyết định tạm dừng hoạt động hai nhà máy ... |
Lần thứ ba đối thoại với dân vùng ô nhiễm, lãnh đạo Đà Nẵng lại hứa
Cuộc gặp giữa UBND TP Đà Nẵng, doanh nghiệp và người dân kết thúc chóng vánh, bỏ ngỏ nhiều câu hỏi lớn. |