Vợ chồng Ye Rongchang lên kế hoạch tới Hong Kong trong tuần lễ vàng từ nhiều tháng trước, nhưng mọi thứ đảo lộn vì biểu tình.
Khi các cuộc biểu tình nổ ra tại Hong Kong từ tháng 6, Ye không nghĩ rằng chúng sẽ kéo dài tới tận tháng 10 và khiến ông phải hoãn lại kế hoạch du lịch tới thành phố trong "tuần lễ vàng", kỳ nghỉ kéo dài từ ngày quốc khánh (1/10) tới 7/10 của Trung Quốc.
"Những người dân ủng hộ chính quyền trung ương không nên đến đó", Ye, kế toán viên nghỉ hưu sống tại Thượng Hải, nói. "Chúng tôi chỉ muốn đến nơi nào có thể giao tiếp và hòa nhập với người dân địa phương". Và ông chọn Singapore là điểm đến thay thế.
Máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Hong Kong khi người biểu tình tụ tập trong sân bay ngày 1/9. Ảnh: SCMP. |
Ye là một trong số hàng nghìn người đã thay đổi kế hoạch trong kỳ nghỉ "tuần lễ vàng". Những điểm đến như Singapore đang hưởng lợi lớn từ việc khách du lịch Trung Quốc đại lục rời bỏ Hong Kong.
Trong tháng 7, quốc gia Đông Nam Á này đón thêm 100.000 lượt khách du lịch Trung Quốc, tăng 46% so với tháng 6, thời điểm nhiều người Hong Kong bắt đầu biểu tình phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm tới các quốc gia, vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục. Con số này cũng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Hong Kong chứng kiến lượng khách du lịch sụt giảm 5,5% trong tháng 7 và tiếp tục giảm tới 42,3% trong tháng 8, theo dữ liệu từ chính quyền đặc khu.
Lượt du khách từ Trung Quốc đại lục đến Singapore và Hong Kong. Đồ họa: SCMP. |
Giới chuyên gia dự báo lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục đến Singapore sẽ còn tăng trong vài năm tới, không chỉ vì tình trạng bất ổn ở Hong Kong mà còn nhờ vào chính sách của Singapore.
"Đà tăng trưởng của Singapore phản ánh kế hoạch dài hạn và phương pháp đầu tư đang được áp dụng ở nước này", Adam Bury, phó chủ tịch cấp cao bộ phận bán hàng đầu tư khu vực châu Á tại JLL Hotels & Hospitality Group, cho biết.
Lượng khách đến từ Trung Quốc bùng nổ đã thúc đẩy sự hợp tác giữa Tổng cục Du lịch Singapore (STB) với tập đoàn Alibaba của Trung Quốc và khoản đầu tư tiếp theo vào sân bay Changi, ông nói.
Trong tháng 4, STB và Alibaba đã ký một thỏa thuận kéo dài ba năm nhằm hợp tác phát triển thị trường Singapore, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy khách Trung Quốc chi tiêu hơn nữa. Nhà ga số 4 của sân bay Changi đã được nâng cấp công suất và xây dựng thêm công trình mới, bao gồm công viên trong nhà và khu phức hợp thương mại, thu hút đông du khách.
Ngược lại, ngành du lịch Hong Kong đang trở nên trì trệ. Tuần trước, các tour du lịch theo nhóm đến Hong Kong từ Trung Quốc đại lục đã giảm 86% trong tuần lễ vàng, theo Hiệp hội Phát triển Du lịch Hong Kong.
Tỷ lệ du khách Trung Quốc đại lục đến Singapore và Hong Kong. Đồ họa: SCMP. |
Các khách sạn ước tính công suất thuê phòng trong tháng này sẽ giảm tới 50% so với năm ngoái. Trong tháng 8, công suất thuê giảm tới 30% so với cùng kỳ, trong khi công suất thuê trung bình hàng ngày cũng sụt giảm 21%, theo STR, công ty chuyên cung cấp và phân tích dữ liệu.
"Ngành du lịch Hong Kong đang trở nên u ám", theo nghị sĩ Yiu Si-wing, luật sư đại diện ngành du lịch Hong Kong. "Singapore sẽ hưởng lợi trực tiếp, ngay lập tức trong tuần lễ vàng".
JLL cũng dự đoán doanh thu của các khách sạn ở Singapore sẽ tăng trong vài năm tới. "Khoản đầu tư tiếp theo vào sân bay Changi, trong đó có kế hoạch xây nhà ga số 5 đã được định sẵn, sẽ giúp duy trì đà tăng trong dài hạn", Bury nhận định.
Trong khi đó, luật sư Yiu cho rằng phải mất từ một đến hai năm để ngành du lịch Hong Kong quay lại quỹ đạo tăng trưởng nếu tình hình bất ổn được giải quyết.
Nhật Duy (Theo SCMP)