Đã nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa bão, hàng chục hộ dân sống dưới chân núi Gành, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định lại nơm nớp nỗi lo núi lở. Tuy đã có người tử vong do sạt núi, đè sập nhà nhưng vì không đủ điều kiện để mua đất xây nhà ở chỗ khác, nên các hộ dân này đành liều mình sống cạnh “tử thần”.
Đã nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa bão, hàng chục hộ dân sống dưới chân núi Gành, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định lại nơm nớp nỗi lo núi lở. Tuy đã có người tử vong do sạt núi, đè sập nhà nhưng vì không đủ điều kiện để mua đất xây nhà ở chỗ khác, nên các hộ dân này đành liều mình sống cạnh “tử thần”.
Có nhà nhưng không cho con về
Biết “thần chết” luôn rình rập sau nhà, nên nhiều năm nay cứ tới mùa mưa bão, bà Trần Thị Thu Thủy (xóm 3, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Mình) lại mang hết đồ dùng có giá trị đến gửi nhà hàng xóm. Cuối tháng 10 vừa qua, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng bởi cơn bão số 5 khiến hàng trăm mét khối đất, đá trên núi Gành bất ngờ đổ xuống, khiến ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 50m2 của bà Thủy ngập ngụa bùn đất.
Trận lở núi do bão số 5 vừa qua, khiến đất đá chảy vào nhà bà Thủy. Ảnh: P.V |
Chỉ tay vào những vết tích còn lại sau trận lở núi, bà Thủy thở phào vì vẫn còn may mắn khi ngôi nhà không bị đất, đá làm sập. Theo bà Thủy, vào năm 2005, cũng trong một lần lở núi, ngôi nhà của bà cũng bị “nhấn chìm” trong đất, đá, nhưng vì không có điều kiện di dời nên vợ chồng bà “liều mình” làm lại ngôi nhà mới trên chính nền cũ. Lo sợ tính mạng bị đe dọa, bà trồng cây bạch đàn ở nơi từng bị lở chỉ mong được sống bình yên.
Mỗi khi nghe các con (đang đi làm ăn ở TP.Hồ Chí Minh, Gia Lai) nói về thăm nhà thời điểm mưa bão, bà Thủy đều “cấm” không cho về, vì ở trong nhà, nếu đất, đá, cây cối sạt lở thì chỉ có mất mạng. Ngoài ra, vợ chồng bà cũng dọn đồ sang tá túc tạm ở nhà hàng xóm, nên về thời điểm này sẽ không có chỗ ngủ.
Cũng chung hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” như nhà bà Thủy, ngôi nhà cấp 4 của bà Trần Thị Liên cũng tựa vào núi Gành. Đặc biệt, sau trận lở núi do cơn bão số 5 vừa qua, phía sau nhà bà Liên có 2 tảng đá lớn trượt xuống, cách vách tường nhà bà chưa tới 1m. Ngoài ra, vách núi Gành cách nhà bà Liên chừng 15m, đang bị sạt lở một mảng rất rộng với khối lượng đất, đá, cây cối bị sạt chừng hơn trăm mét khối không biết ập xuống nhà lúc nào.
Bao giờ tái định cư cho người dân?
Thống kê của UBND xã Cát Minh, hiện có 36 ngôi nhà của người dân ở thôn Đức Phổ 1 sát chân núi Gành nằm trong diện nguy hiểm, cần được di dời khẩn cấp. Đáng nói, vào năm 2006, núi Gành từng xảy ra sạt lở, làm 1 người tử vong.
Ông Trịnh Minh Bình - Chủ tịch UBND xã Cát Minh - cho hay, đến nay, địa phương đã khảo sát, tìm được vị trí để quy hoạch khu tái định cư. “Hiện nay, núi Gành xuất hiện hiện tượng sạt lở nguy hiểm, cho nên trong năm 2020 toàn bộ số hộ sống ở vùng nguy hiểm sẽ được di dời, bố trí tái định cư. Địa phương cũng mong rằng các hộ có nhà sống ở vùng nguy hiểm cần ý thức, ủng hộ chủ trương này để kế hoạch di dời, tái định cư diễn ra thuận lợi, kịp thời”- ông Bình nói.
Còn ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát - cho biết, UBND huyện đang phối hợp với chính quyền cơ sở tìm quỹ đất để bố trí tái định cư cho người dân có nhà dưới chân núi Gành nằm trong diện nguy hiểm.
Hiện nay, UBND xã Cát Minh đang triển khai các thủ tục tham mưu UBND huyện để đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ, tái định cư cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại cũng đang triển khai các biện pháp để bảo vệ an toàn cho người dân.
NGUYỄN TRI 26/11/2019 | 07:19